Trẻ con bình thường đôi lúc bố mẹ có thể quát mắng hay phát vào mông nếu bé bướng quá, nhưng với trẻ tự kỷ, dùng đòn roi là điều tối kỵ, chị Thanh Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) mẹ của một bé trai tự kỷ 7 tuổi cho biết. Đôi lúc cuộc sống mệt mỏi, chị Thủy cũng lỡ quát mắng con nhưng ngay lập tức chị phải xin lỗi bé. Nếu chị không xin lỗi ngay, bé giận ra mặt và dỗi hờn không dứt.
“Thật sai lầm khi nghĩ trẻ tự kỷ không biết yêu thương, không có tâm hồn, không có cảm xúc, không biết vui buồn hay đau khổ”, chị Thủy chia sẻ. Người mẹ kể bé Gia Bảo cũng biết âu yếm thú bông, biết cho bạn hàng xóm ngồi lên chiếc xe yêu thích của mình. Có hôm bố cháu giả vờ đánh mẹ, mẹ giả vờ kêu cứu, bé lao ra đẩy bố và bảo vệ mẹ.
Chị nói: “Đừng nghĩ đánh bé thì bé không biết đau. Tôi không biết đánh mắng thì sẽ để lại hậu quả như thế nào cho trẻ, nhưng trẻ tự kỷ đã quá thiệt thòi, tại sao lại nỡ đối xử với các bé như thế. Cũng may con tôi được học một trường chuyên biệt, các cô giáo rất nhẹ nhàng và yêu thương các bé”.
Mỗi trẻ tự kỷ cần được dạy dỗ theo một cách riêng, không giống trẻ bình thường. Tại trường mầm non chuyên biệt Khai Trí (TP HCM), mỗi cô giáo chỉ dạy 3-4 trẻ. Ảnh: Lê Phương.
Vụ việc bảo mẫu ở trường Anh Vương (quận Tân Bình, TP HCM) tát vào mặt, bóp cổ; dùng cây, móc sắt... đánh vào trẻ tự kỷ khiến nhiều người bất bình. Dùng bạo lực với trẻ bình thường đã đáng lên án, thì bạo hành trẻ tự kỷ vốn thiệt thòi và không biết bày tỏ cảm xúc là hành vi phản cảm, chỉ khiến trẻ tích lũy bùng phát xung đột.
Anh Tùng Lâm (quận 7, TP HCM) có cậu con cả bị tự kỷ nhẹ, hiện đã học lớp 1 hòa nhập. Chưa bao giờ vợ chồng anh đánh con dù cậu em không bị tự kỷ thỉnh thoảng vẫn bị bố mẹ cho ăn đòn. Anh không dùng biện pháp đòn roi với cậu con lớn một phần vì bé đã thiệt thòi so với bạn bè bình thường, một phần anh thấy đòn roi không có tác dụng gì với bé.
Anh Lâm cảm thấy nhiều khi bé không biết đau là gì, hay chính xác hơn bé không sợ đau. Con anh đặc biệt thích ngắm nhìn cái quạt quay, bé có thể ngồi cả ngày nhìn quạt quay mà không chán. Rồi bé thò que vào chặn cánh quạt đang quay, chưa thỏa, bé thò cả ngón tay vào. Bị cánh quạt chém hằn lên những vết đỏ, bé đau quá khóc lặng rồi nín ngay. Chỉ ít phút sau đó, lúc người lớn không để ý, bé lại cho tay vào quạt. Với trẻ bình thường cái đau có thể khiến chúng sợ, nhưng dường như với bé Minh, cái đau không có nhiều ý nghĩa.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, phụ huynh của hai con tự kỷ, người sáng lập trường chuyên biệt Khai Trí (TP HCM) cho biết, mỗi đứa trẻ tự kỷ là một thế giới riêng, phải dùng lời lẽ ngọt dịu chứ không thể quát nạt. Ở trường, bác sĩ Mẫm luôn nhắc nhở phụ huynh 5 nguyên tắc là không được đánh trẻ, không được dọa, không mắng chửi, không nói dối và không nuông chiều trẻ.
"Trẻ tự kỷ thường dễ xúc động, khi không nói được để thể hiện cảm xúc thì sẽ bùng nổ bằng hành động. Do đó càng bị chửi mắng, dọa nạt, não của trẻ càng bị kích thích thì sẽ gây ra nhiều chuyện không kiểm soát được", bác sĩ Mẫm chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trẻ bình thường bị đánh đập đã ảnh hưởng cả về thể chất lẫn trí não, tâm lý. Bấy lâu nay trong gia đình cha mẹ vẫn đánh con, trong trường giáo viên cũng đánh học sinh. Đó là phương pháp giáo dục tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác với lý lẽ "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Thực tế dùng bạo lực để răn dạy trẻ tức là cha mẹ đã vô tình dạy con trở thành người bạo lực.
Đối với trẻ tự kỷ có đặc thù là tổn thương não, rối loạn tự kỷ được coi là rối loạn phát triển thần kinh. Não của trẻ ở những vùng phát triển về khả năng xã hội, ngôn ngữ, hành vi bị ảnh hưởng, dẫn đến nhiều bất lợi trong cuộc sống. 50% người tự kỷ không thể nói được suốt đời, số còn lại biết nói nhưng cũng rất khó cho người khác hiểu ý mình, hoặc nếu biết nói thì cũng không muốn thay đổi thói quen đã hình thành mà muốn giữ suốt đời. "Do đó người nuôi trẻ tự kỷ phải hiểu trẻ, chấp nhận tâm tính của trẻ chứ không bắt trẻ thay đổi được", bác sĩ Thanh nhấn mạnh.
Là người thường xuyên đứng lớp giảng dạy các khóa học dành cho giáo viên trường mầm non, chuyên biệt, bác sĩ Thanh phân tích, dạy trẻ tự kỷ không được áp đặt mà phải nương theo sở thích của trẻ, phải có chương trình dạy riêng từng trẻ chứ không thể dạy chung như lớp cho trẻ bình thường. Nếu dùng bạo lực để giáo dục thì sẽ càng phản tác dụng. Chẳng hạn, có nhiều trẻ chỉ thích ăn cơm với nước tương, ăn một số món nhất định và không thể thay đổi. Nếu cô giáo không hiểu, cứ ép trẻ ăn, trẻ không biết bộc lộ cảm xúc để chối từ thì rất dễ dẫn đến những xung đột.
Chuyên gia này nói: "Những thói quen rập khuôn ở người tự kỷ khi đã định hình rồi rất khó thay đổi, nên nếu dùng bạo lực là vô tình làm cho não hư thêm, thay vì bảo tồn được phần não còn nguyên vẹn, bình thường. Trẻ tự kỷ có những năng lực đặc biệt mà người dạy phải khám phá ra và giúp phát triển năng lực đó".
Theo bác sĩ Thanh, người dạy trẻ tự kỷ phải được đào tạo chuyên khoa đặc biệt. Thực tế hiện nay là các trường rất thiếu giáo viên đặc biệt, không hiểu được trẻ để có phương pháp giáo dục đúng. Hơn nữa các cô giáo suốt ngày tiếp xúc trẻ quậy phá nên rất căng thẳng, dễ bị ảnh hưởng tâm lý và thường xả giận lên những đứa trẻ vô tội. Do đó các cô giáo không chỉ cần được đào tạo về chuyên môn mà cần có sự nâng đỡ về tâm lý. Mỗi trường nên định kỳ mời những chuyên gia tâm lý để các cô giáo có thể chia sẻ, xả tress.
Lê Phương - Kim Anh