Trong trang phục màu đỏ thu hút mọi ánh nhìn, nhóm học sinh Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), vừa nhảy và đọc rap bài “Đi học thêm” với những câu từ: “Con thích về nhà lúc 5 giờ/Cả ngày chỉ nhìn vào sách vở/... Đáng lẽ con được đi chơi/Học cả ngày con mệt lắm rồi/Cho con được buổi tối nghỉ ngơi...", khiến học sinh toàn trường hò reo, ủng hộ. Lời bài hát như nỗi lòng, mong muốn của học sinh rằng, các em muốn được nghỉ ngơi và không muốn việc học ám ảnh tới mức “thấy cả chữ trong bát canh”.
Nhà giáo Vũ Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Cầu Giấy (Hà Nội), nói rằng, ở bậc tiểu học, học sinh đã được thiết kế học 2 buổi/ngày, đảm bảo kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tuy nhiên vẫn có một bộ phận cha mẹ học sinh mong muốn con được bồi dưỡng thêm kiến thức để đáp ứng đầu vào của các trường THCS chất lượng cao. Hoặc có phụ huynh bận rộn không có thời gian kiểm tra, hướng dẫn việc ôn tập, xem lại các nội dung kiến thức đã học trên lớp nên có nguyện vọng nhờ các thầy cô hỗ trợ. Đó là thực tế của cuộc sống, do đó phát sinh nhu cầu học thêm.
Nếu có nhu cầu, phụ huynh sẽ tìm cách nhờ giáo viên tổ chức dạy thêm để đáp ứng nên cấm sẽ không hiệu quả, gây khó khăn cho công tác quản lý. Do đó, cô Tuyết cho rằng, cần có quy định cụ thể về các trường hợp, điều kiện dạy thêm, học thêm để quản lý một cách chặt chẽ.
Em Thục Anh, học sinh lớp 4 tại quận Hà Đông, nói, từ khi vào năm học mới, ngoài học cả ngày trên lớp, mỗi tuần em phải học thêm 3 buổi Tiếng Việt, Toán với giáo viên của lớp tổ chức ở ngoài sau giờ học. Chưa kể, lịch học tiếng Anh với trung tâm, học với gia sư khiến em không có thời gian để nghỉ ngơi.
Cần lên án trường hợp ép buộc
TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, nêu ra mục tiêu của chương trình GDPT 2018, đó chính là phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Thế nhưng giáo viên, cha mẹ học sinh vẫn tìm cách dạy, học thêm để nhồi nhét kiến thức. Nguyên nhân sâu xa việc học thêm của học sinh các cấp hiện nay là vì thi cử và tâm lý ganh đua, không muốn thua kém bạn bè của một số phụ huynh.
Ông Lâm cho rằng, ở bậc tiểu học, học sinh nhỏ tuổi và đã học 2 buổi/ngày nên không cần thiết phải học thêm các môn văn hoá dưới mọi hình thức. Với những học sinh yếu kém, nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm cử giáo viên bồi dưỡng miễn phí.
Đối với bậc THCS - THPT, học sinh có nhu cầu học thêm để phục vụ các kỳ thi vượt cấp, trường học thiết kế chương trình học đảm bảo nội dung, kiến thức để các em thi cử, tránh tình trạng giáo viên mẹo mực, giấu bài lôi kéo học sinh ra ngoài học thêm. Riêng kỳ thi vào THPT chuyên, các địa phương nên chăng tính toán phương án tuyển sinh mà không qua thi cử cũng sẽ giảm được tình trạng học thêm, luyện thi.
Theo TS Lâm, mục tiêu giáo dục phát triển năng lực toàn diện cho học sinh là giáo viên hướng dẫn cách học, học sinh tự học là chính. Bên cạnh đó, cần giảm lý thuyết, tăng cường hoạt động, tăng thực hành để hình thành kỹ năng. Phụ huynh cần phải tự nhận thức được điều đó để không tìm lớp học thêm cho con bằng mọi giá.
Theo các chuyên gia, học thêm chỉ là nhu cầu chính đáng trong trường hợp bồi dưỡng năng khiếu, học các chương trình nâng cao ngoài chương trình giáo dục phổ thông để phục vụ một mục tiêu cụ thể của học sinh và gia đình. Việc đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn theo nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận và không ai có thể can thiệp hay áp đặt.