Dạy sử là để trò hiểu chứ không phải thuộc sử

Dạy sử là để trò hiểu chứ không phải thuộc sử
TP - Học sinh (HS) Việt Nam nhiều em không biết Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung là ai? Sự nghiệp, công lao của họ đối với dân tộc như thế nào? Sông Bạch Đằng ở đâu?
Dạy sử là để trò hiểu chứ không phải thuộc sử ảnh 1
Ảnh: vnu.edu.vn

Địa danh Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan trong câu thơ: “Đoạt Sóc Chương Dương Độ/Cầm Hồ Hàm Tử Quan” sát ngay Hà Nội. Nhiều học sinh giỏi của Hà Nội cứ khăng khăng khẳng định Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan ở tận Quảng Ninh.

Học sinh trường THPT Tây Sơn hỏi tôi: Thưa thầy có phải Quang Trung, Nguyễn Huệ, Tây Sơn là ba anh em không ạ?

Vì sao đến nỗi như vậy? Đã đến lúc cần nhìn thẳng vào sự thật, cải tiến phương pháp dạy, học sử. Sách giáo khoa cần ngắn gọn, sinh động. Vài ba chục năm trước, lịch sử là môn học hấp dẫn, cuốn hút. Người dạy, người học sử cùng đồng cảm tìm thấy sự cộng hưởng “tiếng ngày xưa vọng nói về”.

Các thầy dạy sử thời đó biết đưa tiết dạy lịch sử tiếp cận với thực tế cuộc kháng chiến chín năm đánh Pháp, 20 năm đánh Mỹ, giáo dục HS hiểu chân giá trị “không có gì quý hơn độc lập tự do” ngày hôm nay là kế tục truyền thống yêu nước của cha ông.

Để “dân ta phải hiểu sử ta”, không chỉ hiểu, mà còn yêu, tự hào về bề dầy lịch sử của dân tộc, thầy dạy có vai trò quyết định. Muốn dạy tốt môn Lịch sử, thầy phải có “cẩm nang” - sách giáo khoa.

Nhưng SGK được các nhà soạn “cô” vào dài dòng, nặng nề, kinh viện, nhiều khái niệm khó (thích hợp với việc dùng để nghiên cứu hơn học) dẫn đến khô khan, “nhồi” nhiều sự kiện, HS đọc xong chẳng nhớ gì cả, họ sợ học sử.

Theo tôi chỉ cần một bộ SGK, cải tiến cách viết, phần kiến thức cơ bản ngắn gọn, súc tích. Ngoài ra sách được “mềm hóa” bằng các câu chuyện lịch sử, chắc chắn sẽ “vào” HS hơn.

Ví dụ chuyện: “Lê Lai liều mình cứu chúa” kém gì “Triệu Tử Long phò A Đẩu” (Tam quốc chí)! Chuyện tình Nguyễn Trãi - Thị Lộ cùng “Vụ án Lệ chi viên” hẳn sẽ làm ngẩn ngơ các cô cậu học trò thời hiện đại…

Mỗi tiết học 45 phút, thầy lên lớp đủ các bước tổ chức, kiểm tra, củng cố mất từ 10 đến 15 phút. Thực chất giảng bài 30 phút. Bài giảng dài, thầy sợ “cháy” giáo án, thầy chọn cách dạy “an toàn” bằng phương pháp diễn dịch, chuyển tải nội dung, trò nghe giảng thụ động, trò chán học sử chẳng có gì ngạc nhiên.

Thầy cần xác định mục tiêu dạy sử để trò hiểu sử chứ không phải thuộc sử. Khi soạn bài không nên lệ thuộc sách giáo khoa, thầy biết chọn kiến thức cơ bản nhất để nhấn mạnh, khắc sâu, giúp HS thuộc bài ngay trên lớp.

Thầy dành nhiều thời gian cho trò chủ động tham gia vào quá trình học trên lớp: trả lời câu hỏi, nêu thắc mắc, tranh luận, kể cả ý kiến “ngược chiều”. Thầy kiên nhẫn giải thích để trò thông suốt.

Thầy tự làm, hướng dẫn học sinh làm đồ dùng học tập, vẽ bản đồ, dựng sơ đồ, tái hiện lịch sử qua bài giảng, có chứng minh cụ thể bằng trực quan sinh động;

Tăng cường học ngoại khóa”, tổ chức đưa học sinh tham quan bảo tàng lịch sử, Cách mạng, Quân đội, di tích lịch sử… giảng bài “Chiến thắng Điện Biên Phủ” trước sa bàn hoành tráng trong Bảo tàng Quân đội, xem cảnh đào chiến hào “Năm mươi sáu ngày đêm ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, “kéo pháo vào, kéo pháo ra”, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát-tơ-ri...

HS được sống với lịch sử, cảm nhận mình là người trong cuộc, càng hiểu “Điện Biên chấn động địa cầu”.

Sĩ Tứ
GV trường THPT Trần Phú Hà Nội

MỚI - NÓNG