Đây là con số phát hành như mơ với mọi tác giả và người làm sách, một hiện tượng sau những Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng phải nhắc đến một sự chuẩn bị tuyệt vời trước đó: Các bài (?) trong sách đều từ blog laothayboigia (Lão thầy bói già) hay “nhà” của anh trên facebook.
Đinh Vũ Hoàng Nguyên (1975-2012) và bìa cuốn sách tái bản lần thứ 6
Dù là “thơ”, “truyện”, “y và những gã”, “lảm nhảm” hay “viết ngắn” (tên các “thể loại” được phân ra trong sách), chúng đều nổi tiếng trong cư dân mạng, được chờ đọc rồi tung lời bình tơi tới. Chả phải chỉ đám trẻ, Nguyễn Quang Lập-ông “nhà văn bờ lốc” nức tiếng đọc “nếu không cười ha hả thì cũng tủm tỉm cười, rất đã”.
Cứ thế dậy mùi cho đến khi “y”, như Nguyên tự gọi, mất ở tuổi 37 vì bệnh hiểm nghèo. Gượng ép ra, có thể liệt Nguyên vào “đội” họa sĩ viết văn, đang có vẻ đông đảo dần. Nhưng anh chọn mạng để xuất bản, cái thế giới tự do, nhiều bạn bè bốn phương, không bị biên tập (mà Nguyên cũng chả “vi phạm” gì), cho anh lên hết cái riêng của mình.
Nhả nhớt, không mấy khi nghiêm túc, hàn lâm càng không, chàng sinh viên mỹ thuật “chung thân” đưa ra một tình huống, tung tẩy dẫn dắt chúng đến đâu chả biết, nhưng đám đông cứ thế ùa nhau đi theo mà “cười vãi”.
Anh có thế giới của mình, tự nhận là “sử gia của một bọn” – có lẽ là những thằng mãi không chịu lớn, đem mình ra đùa cợt, có lúc vợ, bố vợ hoặc hàng xóm đâu đấy trở thành đối tượng luôn. Trong lúc đùa nhả đùa dai, anh trưng ra cái mỹ cảm tuyệt vời của mình trong những câu thoại sỗ sàng, báng bổ những mùi vị sến hay tính cách công chức, trung tính nhạt nhẽo, cứng nhắc trong đời sống. Anh nhơn nhơn nói ra nhiều điều người khác muốn giấu hoặc động đến ý nhị.
Duyên và tục, Đinh Vũ Hoàng Nguyên gợi đến câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, mà là trò ngày xưa, đám sinh đồ lai kinh ăn hết mấy mẫu ruộng ở quê, không thiết đỗ đạt, để chỉ lai vãng những chiếu cô đầu quanh trường Giám. “Nâng cao” hơn nữa, là Ba Giai, Tú Xuất, nhưng hai đấng kiệt hiệt này có vẻ nghịch phá đơn thuần, nghĩa là ít mang ý nghĩa xã hội hơn.
Đến đây lại phải nghĩ nếu Nguyên là sử gia của “hơn một bọn” thì sẽ rất khó tưởng tượng. “Khu cũ” có vẻ đã vượt qua giới hạn này, khi kiểu trí thức rởm, thói đạo đức giả bị đem ra giễu cợt, nhưng cái kết không được hay như phần truyện, nhất là đem so với những câu thoại rất “kinh”.
Bất quy tắc, không nệ thể loại, hình thức nào, lối viết của Nguyên thể hiện một môi trường không bị biên tập đã đành, mà cũng không bị phụ huynh, gia đình, những quy tắc ứng xử xã hội thông thường “xía vô” kiểm soát. Có những tình huống nhỏ, người khác đẩy lên thành một thể văn truyền thống, thì anh “tung tác” cho nó thành oái oăm.
Để chơi thôi, xả cái cực đoan ra chả mục đích xa xăm gì. Nguyên là kẻ yêu đời “quá lắm”, luôn tạo sự bất ngờ, nên được công chúng mạng hoan hô là phải. Và người viết này, rất ngượng ngập khi “lên phây” với “vào bờ lốc”, đọc Có một phố vừa đi qua phố đã thấy một (góc) thế giới mạng nhả nhớt mà nghiêm túc, sỗ sàng mà tử tế, tồn tại ngang văn chương
truyền thống.