Diễn đàn đã bàn về nhiều giải pháp và nội dung quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững nhằm phát huy năng lực cạnh tranh và vị thế doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Công ty TNHH MTV My Health, Công ty cổ phần Vibiz Việt Nam.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam rất có tiềm năng phát triển kinh tế số. Quy mô nền kinh tế số Việt Nam đứng hàng đầu Đông Nam Á và chỉ đứng sau Indonesia. Thương mại điện tử đang là cấu phần quan trọng của kinh tế số. Tốc độ tăng trưởng trên 25%, dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong 5 năm tới.
Du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến… đang là xu hướng tiêu dùng công nghệ. Đây là cơ hội cho phát triển kinh tế số, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 thì đây là hướng đi tốt nhất cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp đó là nguồn nhân lực có kỹ năng số, theo dự đoán năm 2020 Việt Nam thiếu khoảng 500.000 chuyên gia trong lĩnh vực dữ liệu
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công Thương
Theo bà Nguyễn Thị Bích Chung – Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar, hiện Việt Nam là quốc gia lạc quan nhất về tình hình kinh tế sau đại dịch Covid-19 trong khu vực Châu Á. Để đạt được điều đó, bà Nguyễn Thị Bích Chung cho biết đó là cả sự thay đổi cả về tư duy, lối sống và cách quản lý tài chính của người Việt cũng như sự nỗ lực của các Bộ, Ban, Ngành có liên quan trong công cuộc xây dựng lại nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Chung khẳng định những giá trị mà các thương hiệu và sản phẩm Việt Nam nên hướng tới đó là đẩy mạnh giải pháp phát triển các sản phẩm, chú trọng vào giá trị của sản phẩm, thuyết phục người tiêu dùng tin vào giá trị của sản phẩm mà họ bỏ tiền ra sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Bích Chung, Đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar
Ông Trần Nguyên Phúc – Đại diện dự án Intage Việt Nam có ý kiến một doanh nghiệp đột phá là một doanh nghiệp có khả năng gạt bỏ đi những quan niệm cố hữu và đi sâu vào nhận thức của khách hàng để hiểu họ một cách toàn diện khi mà những lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá cả đang ở ngưỡng cân bằng. Tư tưởng của người tiêu dùng ngày một trở nên hiện đại và theo xu hướng toàn cầu hoá, để phục vụ nhu cầu giải quyết vấn đề của khách hàng thì ứng dụng những giải pháp công nghệ là biện pháp tối ưu nhất giúp cho doanh nghiệp có thể đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những ý tưởng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ông Trần Nguyên Phúc – Đại diện dự án Intage Việt Nam
Kết thúc diễn đàn là toạ đàm Giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam dưới sự điều phối của TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đã có những trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra những yêu cầu cần xây dựng những kế hoạch chiến lược để đẩy mạnh phát triển thị trường sản phẩm cho doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng các doanh nghiệp.