Dạy học sinh bằng phương pháp mềm

Dạy học sinh bằng phương pháp mềm
TP - Hội thảo “Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng phương pháp kỷ luật tích cực” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM hôm qua, nhằm ứng phó và cải thiện tình hình đạo đức, lối sống của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp.
Những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây Ảnh: Internet
Những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây Ảnh: Internet.

Học sinh ngày càng lệch chuẩn

TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD & ĐT cho biết: Theo thống kê của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, hằng năm trung bình xảy ra khoảng 2.500 vụ phạm tội liên quan đến học sinh, sinh viên.

Từ năm 2005 đến nay, tình trạng học sinh phạm pháp có dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ nghiệm trọng của các vụ án. Cũng theo TS Anh, tình trạng học sinh đánh nhau, học sinh nữ đánh hội đồng, quay phim và cho lan truyền trên internet ngày càng phức tạp.

Ban Thanh niên trường học của T.Ư Đoàn cũng cho biết thêm: Hành vi lệch chuẩn của thanh, thiếu niên xuất hiện ngày càng nhiều, vi phạm quy định của nhà trường và cả vi phạm quy định của pháp luật.

Theo kết quả tìm hiểu thực tế từ 140 trường học ở Đồng Nai cho thấy: Ở bậc mầm non một số học sinh đã có hành vi chửi thề, nói tục...

Học sinh tiểu học không chào hỏi người lớn, nói dối, xé bài vở mỗi khi bị điểm thấp, mạo chữ ký cha mẹ để xin nghỉ học đi chơi… Học sinh THPT giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng bạo lực, đặc biệt là học sinh nữ ngày càng phổ biến.

Cùng suy nghĩ trên, TS Nguyễn Đình Đức, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD&ĐT nhận xét thêm: Đạo đức của học sinh sinh viên thời nay đang có nhiều biểu hiện xuống cấp, nhiều hiện tượng phá vỡ cả những chuẩn mực đạo đức truyền thống.

“Thương cho roi cho vọt” : Sai lầm!

Tư tưởng “thương cho roi cho vọt” vẫn tồn tại phổ biến trong xã hội. Theo các nhà tâm lý, đó là những hành động bạo hành làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách và tâm lý của mỗi người.

ThS. Bùi Ngọc Diệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phân tích: Lứa tuổi từ 11 đến 15 là giai đoạn ảnh hưởng đặc biệt đến sự hình thành nhân cách của trẻ em vì nó là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành. Ở lứa tuổi này thường có sự tồn tại song song “vừa tính trẻ con, vừa tính người lớn”.

Thường các em muốn sống tự lập, mong làm việc ý nghĩa… để chứng tỏ “mình không còn là trẻ con nữa”. Đây là giai đoạn tâm lý phát triển phức tạp nhất.

Em Lê Thị Hà My, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) chia sẻ: “Cách xử phạt của “người lớn” hiện nay đa phần chưa thuyết phục được chúng em. Cách suy nghĩ áp đặt đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi. Chưa kể đến những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất xúc phạm, khiến người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục, tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho bõ ghét”.

Còn em Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, cùng trường với My bày tỏ: “Ngày nay, chúng em được tiếp nhận lối sống cở mở hơn nên việc “đấu tranh cho bản thân” cũng rất mạnh mẽ. Chúng em chỉ chấp nhận những gì mình cảm thấy hợp lý. Thế nên, mỗi lần chúng em phạm lỗi, người lớn cần có những lời giải thích, tâm tình, nhất là tìm hiểu nguyên nhân sâu xa trước khi đưa ra hình phạt”.

Bà Tạ Thúy Hạnh, trưởng ban giáo dục của Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển cho biết: Hiện nay ở nhà trường và xã hội, từ “kỷ luật” bị hiểu nhầm là khống chế, trừng phạt, đặc biệt là trừng phạt thân thể.

Vì thế, đã có nhiều giáo viên sử dụng các hình thức như: mắng nhiếc, sỉ nhục, đánh, tát, phạt quỳ, bêu riếu… thậm chí là đuổi học. Điều này vô tình chúng ta đã đẩy ra ngoài xã hội một “sản phẩm kém chất lượng”.

Phương pháp kỷ luật tích cực

Theo hội thảo có bốn yếu tố làm cho tình trạng học sinh ngày càng lệch chuẩn và bạo lực học đường ngày càng gia tăng là: gia đình, nhà trường, xã hội và yếu tố chủ quan của bản thân học sinh. Trong đó có nhiều nguyên nhân: sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, nền giáo dục nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người”, sự phát triển quá mạnh mẽ của công nghệ thông tin…

Các đại biểu đã đưa ra nhiều phương án để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, trong đó nổi bật nhất là “phương pháp kỷ luật tích cực”.

Chuyên gia tư vấn giáo dục, TS Phùng Khắc Bình cho biết, phương pháp kỷ luật tích cực là kỷ luật theo hướng tạo ra cơ hội tốt nhất có được để học sinh tự nhận thấy lỗi và chủ động sửa chữa, tìm ra hướng phát triển tích cực của mình.

Theo ông Bình, nguyên tắc của phương pháp này là chỉ ra lỗi một cách rõ ràng, tế nhị, không dung túng; không làm tổn thương thể xác và tinh thần học sinh; xử lý kỷ luật theo hướng phát huy điểm mạnh, mặt tích cực của bản thân học sinh…

PGS.TS Nguyễn Dục Quang, Viện khoa học GD Việt Nam cho rằng: Kỷ luật tích cực là phi bạo lực cả về vật chất lẫn tinh thần, là một quá trình thường xuyên, liên tục và nhất quán, thông qua đó khuyến khích khả năng tư duy lựa chọn của trẻ, là cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ tích cực trong giao tiếp với trẻ, từ đó sẽ hình thành cho trẻ những hành động đúng đắn...

Theo bà Tạ Thúy Hạnh, áp dụng phương pháp này thì mỗi khi học sinh mắc lỗi, giáo viên phải là người bạn, người anh, người cha, người mẹ chỉ ra cho các em nhận ra lỗi của mình để tự điều chỉnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG