Dạy học phổ thông bằng tiếng Anh: Lợi bất cập hại

Dạy học phổ thông bằng tiếng Anh: Lợi bất cập hại
TP - Nhiều trường đang làm lãng phí thời gian của học sinh khi dạy các môn học bằng tiếng Anh. Cố dạy các môn học phổ thông bằng ngoại ngữ, học sinh vừa kém tiếng mẹ đẻ, vừa kém kiến thức, thậm chí kém cả… ngoại ngữ.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, đưa ra nhận xét trên. Ông nói:

Gần đây tôi dự giờ ở một trường chuyên. Thầy giáo rất giỏi chuyên môn, nhiều nơi tranh nhau mời thầy giỏi như thế dạy cho học sinh của mình. Nhưng khi dự giờ, tôi thấy thầy dạy chật vật bằng tiếng Anh, còn trò không hiểu. Nhiều trường phổ thông ở Hà Nội cũng nóng vội trong việc tổ chức dạy học tiếng Anh. Có trường cắt bớt chương trình tiếng Việt để có thể dạy thêm một chương trình tiếng Anh; có trường buổi sáng dạy tiếng Việt, buổi chiều dạy lại kiến thức đã dạy bằng tiếng Anh...Theo tôi, cách làm này không cần thiết. Nó làm lãng phí thời gian của học sinh, công sức của thầy và tiền bạc của phụ huynh. Đó là chưa kể đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh gần như không được sử dụng đến trong những chương trình "nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh" kiểu như thế này!

Theo tôi, các trường cần xác định đúng mục tiêu dạy học tiếng Anh. Nếu để cung cấp kiến thức cho học sinh, hầu hết tài liệu nghiên cứu vấn đề này của thế giới đều khẳng định, học sinh - sinh viên được học tập tốt nhất bằng tiếng mẹ đẻ. Nếu để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, ta phải dạy tiếng Anh chứ không phải dạy khoa học, Toán, Lý, Hoá...

Nhưng ngày càng nhiều phụ huynh tìm trường dạy kiến thức bằng tiếng Anh để cho con theo học. Đó là áp lực để nhiều trường phải tổ chức mô hình dạy học này?

Tất cả nghiên cứu đều khẳng định, học sinh chưa đạt ngưỡng về ngoại ngữ mà người ta cố dạy kiến thức bằng ngoại ngữ thì học sinh kém cả tiếng mẹ đẻ, kiến thức và cả ngoại ngữ. Tôi chưa thấy báo cáo nghiên cứu nào chứng minh khác. Nếu phụ huynh muốn con giỏi tiếng Anh, đủ để du học nước ngoài thì dạy tiếng Anh cho các em. Và việc này là việc của ông thầy dạy tiếng Anh chứ không phải là việc của giáo viên dạy Toán, Lý...

Khi đạt đến 550 điểm TOEFL, các em có thể sang nước ngoài học bất kỳ môn gì mà các em muốn bằng tiếng Anh. Đó là trình độ mà cả thế giới này yêu cầu, từ cả người dạy lẫn người học, để tổ chức dạy học bằng tiếng Anh. Không thể đốt cháy giai đoạn bằng cách cứ tổ chức dạy kiến thức bằng tiếng Anh dù học sinh chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về khả năng tiếng Anh.

Thực tế có những trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội vừa phải duy trì chương trình của Bộ GD&ĐT, vừa phải mua chương trình của nước ngoài hoặc biên soạn chương trình riêng, ông nghĩ sao?

Theo tôi điều đó không cần thiết. Nếu trường xác định mục tiêu dạy các môn học bằng tiếng nước ngoài để các em được hưởng tất cả lợi ích của môn học đó khi học bằng tiếng nước ngoài là chuyện khác. Còn nếu chỉ để học tiếng Anh thì tôi khẳng định đó không phải là cách để học tiếng Anh.

Mô hình mà bạn nhắc đến, theo tôi những người thực hiện không dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học nào cũng như không có sự tham gia của các chuyên gia về ngôn ngữ, tổ chức giảng dạy. Cách đó là sai. Muốn trẻ con giỏi tiếng Anh không cứ đưa Toán vào tiếng Anh là giỏi tiếng Anh, giống như học tiếng Anh đâu có giỏi được Toán. Có ai muốn học sinh khoa chuyên ngữ giỏi tiếng Anh lại mang Toán đến dạy các em?

Các trường tiểu học, THCS cần tổ chức dạy học theo mô hình nào để giúp học sinh đạt 550 điểm TOEFL, thưa ông?

Tuỳ điều kiện của từng địa phương, từng trường để tổ chức các lớp học tiếng Anh tăng cường giúp học sinh đạt trình độ tốt hơn. Ví dụ TP HCM thiết kế một chương trình trong đó đặt ra mục tiêu học sinh tốt nghiệp THPT đạt khoảng 580 điểm TOEFL. Đây là mục tiêu đáng hoan nghênh.

Theo khung chuẩn của chương trình trong đề án ngoại ngữ mà Chính phủ phê duyệt, học sinh tốt nghiệp THPT đạt trình độ ngoại ngữ B1. Trình độ này chỉ đủ giúp các em đi làm lễ tân ở các khách sạn hoặc trong công việc cần trình độ ngoại ngữ đơn giản. Nhưng trình độ B1 không đáp ứng được yêu cầu tuyển lao động của công ty nước ngoài. Không trường ĐH nào, kể cả trong nước hay nước ngoài, chấp nhận điểm ấy để gọi nhập học bằng tiếng Anh. Nhưng TP HCM không theo cái chuẩn đấy, họ đặt ra chuẩn hội nhập quốc tế luôn.

Cảm ơn ông!

Theo Đề án Ngoại ngữ 2020 được phê duyệt, đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ, ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam.

Quý Hiên (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.