Day dứt với tiền nhân

0:00 / 0:00
0:00
Khu lăng mộ tiền hiền, hậu hiền tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Khu lăng mộ tiền hiền, hậu hiền tại phường Mân Thái (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
TP - Mộ tiền hiền ở Mân Thái (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đang được lấy ý kiến để di dời, thì đến lượt đất Nghĩa trủng Phước Ninh (quận Hải Châu) - nơi thờ tự các nghĩa sĩ, đồng bào yêu nước ngã xuống ngày đầu chống Pháp cách đây hơn 150 năm lại được lên danh sách để đấu giá thu tiền. Những việc làm của chính quyền khiến nhiều người dân Đà Nẵng không khỏi xót xa.

Đấu giá đất nghĩa trủng làm bãi đậu xe

Hôm 22/10 báo chí đưa tin về việc TP Đà Nẵng đưa khu đất ký hiệu A2 với diện tích 2.144m2 ở phường Nam Dương, quận Hải Châu nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu vào danh sách những lô đất sẽ tổ chức đấu giá. Khu đất đó chính là đất thuộc khuôn viên Nghĩa trủng Phước Ninh - nơi quy tập hài cốt của hơn 1.500 nghĩa sĩ, đồng bào Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định đã hy sinh tại mặt trận chống Pháp xâm lược giai đoạn 1858-1860. Năm 1988, Nghĩa trủng Phước Ninh được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Câu chuyện về ứng xử của chính quyền TP Đà Nẵng với di tích lịch sử cấp quốc gia linh thiêng của TP lập tức khiến dư luận xôn xao, ngỡ ngàng và bức xúc.

Điều đáng nói, trước đó vào tháng 4/2020, Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất lấy khu đất ký hiệu A2 này (tổng diện tích rộng khoảng 3.200m2) để mở rộng không gian khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh, một chủ trương hợp lòng dân được nhiều người ủng hộ. Minh chứng là tháng 8/2020, kết quả lấy ý kiến của người dân phường Nam Dương liên quan đến xây dựng bãi đỗ xe tại đây thì tất cả các hộ dân đều không đồng ý với chủ trương này. Ngược lại, nhân dân tán đồng hoàn toàn với chủ trương cải tạo, mở rộng khu vực Nghĩa trủng Phước Ninh để di tích thực sự trở thành nơi tôn nghiêm, thành kính với tiền nhân theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực thành ủy Đà Nẵng trước đó. Thế nhưng khu đất ở vị trí "đắc địa" này, nay vẫn được TP đưa vào danh sách đấu giá với quy hoạch sẽ làm bãi đậu xe khiến nhiều người bất ngờ, đau xót.

Day dứt với tiền nhân ảnh 1
Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh bên tài liệu cổ về lịch sử khai khẩn, lập làng

Là người có nhiều suy tư, day dứt với văn hóa, lịch sử, NSND Huỳnh Văn Hùng - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng cho biết: Đất đai không có chỗ này thì có chỗ khác, nhưng đối với văn hóa, lịch sử chỉ có một mà thôi, không gì có thể thay thế được. Ông Hùng bày tỏ: Việc quy hoạch bãi đỗ xe rất có nhiều chọn lựa, nhưng không hiểu sao ngành xây dựng TP cứ "cố đấm ăn xôi" quy hoạch bãi đỗ xe ngay tại khu vực đất thuộc Nghĩa trủng Phước Ninh nơi rất tâm linh và linh thiêng của thành phố.

Theo ông Hùng, nếu quy hoạch thấy bất cập, dân không đồng tình thì TP cần thay đổi ngay, không thể vì quy hoạch mà cố giữ, cố làm bằng được bãi đỗ xe ở đây. "Đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh mất những gì vô giá, cao quý mà cha ông bao đời đánh đổi xương máu để gìn giữ cho con cháu ngày nay. Những công trình văn hoá lịch sử mất đi rồi chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được dẫu có nhiều tiền đi chăng nữa", NSND Huỳnh Hùng khẳng định.

Di dời mộ tiền hiền

Hồi cuối tháng 9 mới đây, dư luận cũng xôn xao khi UBND phường Mân Thái (quận Sơn Trà) bất ngờ phát phiếu lấy ý kiến "thăm dò" về việc di dời phần mồ mả của các tộc họ tại khu đất phía Bắc chùa Tân Thái. Điều đáng nói, đây là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân, tiền hiền, những vị công thần, liệt sĩ có công mở cõi, lập làng. Đặc biệt trong khu vực này, còn có phần mộ của ông bà nội và cụ Thanh Hòa Hầu - Nguyễn Văn Lượng, thân phụ danh tướng Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, người đã có công xây dựng kênh Vĩnh Tế huyết mạch cho vùng đồng bằng sông Cửu Long; Đô đốc thủy sư Lê Văn Thứ (thời Nguyễn)?. Giải thích việc này, lãnh đạo địa phương cho biết, việc thăm dò là để lấy ý kiến quy hoạch làm bãi đỗ xe, nhà văn hóa cộng đồng, công viên công cộng.

Day dứt với tiền nhân ảnh 2
Di tích Nghĩa trủng Phước Ninh đang được tu sửa. Ảnh: trần tuấn

Đình làng Mân Thái và các khu lăng mộ của các bậc tiền nhân là di tích có lịch sử hơn 500 năm. Từ bao đời, nơi đây được coi là trung tâm văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của người dân vùng ven biển Sơn Trà. Hằng năm, cứ vào ngày 30/11 đến ngày 1/12 (âm lịch), dù làm gì, ở đâu, người dân phường Mân Thái cũng tề tựu tại đây để tảo mộ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và tổ chức lễ cầu an. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, tập tục ấy vẫn còn lưu giữ và được xem là một truyền thống văn hóa tâm linh không thể thiếu của người dân sở tại. Cái tin chính quyền sẽ di dời các khu mồ mả ngay lập tức "dậy sóng" khiến người dân Mân Thái và nhất là đại diện thân nhân trực hệ tại khu mộ bức xúc. Tại buổi họp lấy ý kiến các đại diện tộc họ (hôm 13/10) tất cả đều phản đối việc di dời này.

Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh (85 tuổi, đại diện dòng họ Lê phường Mân Thái) là người được mời tham gia buổi họp lấy ý kiến việc di dời và lên tiếng phản đối gay gắt việc quy hoạch này. Nói về di dời mồ mả của các bậc tiền nhân ở Mân Thái, ông Anh không khỏi day dứt và trăn trở bởi đình làng Mân Thái và các khu mộ tiền hiền là những di tích văn hoá tâm linh cuối cùng còn sót lại ở vùng ven biển Đà Nẵng, nơi ghi dấu những công ơn của bao thế hệ tiền nhân mở cõi, lập làng, đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Công trạng của các bậc tiền nhân, sử sách đã lưu danh. Thế nhưng chính quyền tính chuyện di dời khiến các tộc họ ngỡ ngàng, không một ai đồng tình.

Lật giở bản “Châu bộ” của làng viết từ năm Cảnh Hưng thứ 13, nhà nghiên cứu Lê Duy Anh cho biết: Lịch sử lập làng ở Mân Thái là "tam tiền tứ hậu" tức có 3 tộc tiền hiền là Lê, Trần, Nguyễn và 4 tộc hậu hiền là Nguyễn, Lê, Ngô, Đặng. Những vị từ phía bắc vào có công khai khẩn lập làng được gọi là tiền hiền. Trong bản "Châu bộ" đã ghi rõ việc triều đình nhà Nguyễn sắc phong là "Tiền hiền" cho ba tộc họ Lê, Trần, Nguyễn ở làng. Từ ba dòng họ đầu tiên khai cơ lập làng đã hình thành các dòng họ lớn nhỏ khác nhau đó ở vùng này. Ngoài ra, những vị có công lớn với làng được vua phong là hậu hiền. Trong đó, đời vua Tự Đức có phong "hậu hiền" cho Nguyễn Văn Ân và Đặng Văn Hùng là hai người có công chống ngoại xâm, hai anh em ông Lê Văn Ưng, Lê Văn Ứng là những người dạy cho ngư dân làng Mân Thái biết làm nghề lưới chài để sinh sống, và ông Ngô Công Cư (người 20 năm làm xã trưởng) nhưng sau đó ông Cư xin vua nhường để phong cho cha mình là Ngô Văn Dạy làm hậu hiền...

"Đình làng Mân Thái và khu lăng mộ các bậc tiền hiền, hậu hiền là một cụm di tích hiếm có, mang nhiều ý nghĩa lịch sử cần được tôn tạo, bảo vệ. Đó là nơi an nghỉ của các bậc tiền nhân có công khai hoang, quy dân, lập nên làng Tân Thái và phường Mân Thái ngày nay. Nếu ta di dời nghĩa là đang phá bỏ lịch sử của cả vùng đất. Có thể các ngài sẽ đến nằm ở nơi khác to đẹp hơn nhưng giá trị lịch sử sẽ không còn nữa. Cả vùng đất sẽ mất hết hồn cốt, truyền thống", ông Anh nói.

Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà giải thích: Việc di dời mồ mả khỏi khu dân cư tại TP là chủ trương nhất quán của UBND TP. Nhưng khi lấy ý kiến người dân không đồng thuận quận sẽ kiến nghị để TP nghiên cứu lại.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.