Đầu tư vàng còn hấp dẫn?

Năm 2020 chứng kiến sự sôi động của thị trường vàng khi giá vàng trong nước đạt mức kỷ lục - hơn 60 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý
Năm 2020 chứng kiến sự sôi động của thị trường vàng khi giá vàng trong nước đạt mức kỷ lục - hơn 60 triệu đồng/lượng. Ảnh: Như Ý
TP - Kinh tế năm 2021 được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng kênh đầu tư truyền thống như vàng được kỳ vọng mang lại lợi nhuận “khủng” cho nhà đầu tư. Dù vậy, với việc quản chặt thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, dự báo, kênh đầu tư này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Giá vàng năm 2020 tăng 23% so với năm 2019; đầu tư vàng trở thành một trong những kênh mang lại lợi nhuận tốt nhất trong năm. Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm đau tim với các nhà đầu tư vàng, khi giá biến động nằm ngoài mọi dự đoán, vọt tới con số cao nhất lịch sử khi thế giới lên mức 2.075 USD/ounce và Việt Nam lên trên 60 triệu đồng/lượng vào tháng 8/2020 rồi lại giảm mạnh. Những tháng cuối năm 2020, giá vàng thế giới giảm về mốc 1.882 USD/ounce, còn ở Việt Nam, giá quanh quẩn mốc 56-57 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia vẫn kỳ vọng rất lớn vào giá vàng trong năm 2021.

Ông Nguyễn Thế Hùng, thành viên Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, phân tích, nếu đại dịch COVID-19 được khống chế thành công, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn, qua đó, tạo áp lực đi xuống đối với giá vàng. Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, giới đầu tư sẽ đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn, nên giá vàng có thể sẽ tăng.

Song dù tăng hay giảm, ông Hùng vẫn đánh giá, vàng sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư trong năm 2021. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp, trong khi duy trì thanh khoản dễ dàng để hỗ trợ tăng trưởng.

Giới đầu tư muốn thành lập Sở giao dịch vàng

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng, để giảm thiểu tình trạng chênh lệch giá vàng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm trình Chính phủ lộ trình thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Với Sở giao dịch vàng, các nhà đầu tư không phải cầm vàng đến hoặc mang vàng về sau mỗi lần giao dịch, mà có thể ký gửi tại các trung tâm lưu ký. Điều này sẽ vô cùng tiện lợi và bớt rủi ro hơn rất nhiều so với phương thức mua bán vàng truyền thống. Giá mua, bán được ghi số ngay trên tài khoản vàng của khách hàng, nhà đầu tư có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng lên hay xuống.

“Sở dĩ các sàn vàng trước đây tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây ra nhiều hệ lụy đối với các nhà đầu tư là do Việt Nam chưa có hành lang pháp lý đối với loại hình hoạt động mới này. Hơn nữa, các sàn vàng đó mạnh ai người ấy làm, chứ chưa giao dịch tập trung tại Sở giao dịch vàng như các quốc gia trên thế giới. Do đó, tình trạng thao túng, làm giá diễn ra phổ biến”, ông Long nói.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho rằng, thị trường vàng sẽ được thổi vào luồng không khí mới nếu kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tập trung được chấp thuận, đưa vào vận hành, trợ giúp công tác quản lý, tránh rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư. Theo quy định hiện nay, những người kinh doanh vàng miếng phải được sự chấp thuận có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Vậy, những nhà đầu tư cá nhân tham gia mua bán vàng miếng liên tục có phải là người kinh doanh và cần có giấy phép hay không?

Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ dự đoán, giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce vào cuối năm 2021, đánh dấu mức đỉnh cho chu kỳ tăng giá của vàng.

MỚI - NÓNG