Nhìn vào bảng đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT của 63 tỉnh thành trên cả nước dễ dàng nhận thấy các thành phố, khu vực kinh tế - xã hội thuận lợi có số lượng đăng ký dự thi ngoại ngữ rất cao.
Cụ thể Hà Nội có 20.040/76.151 học sinh (HS) đăng ký thi tiếng Anh, TP.HCM có 23.475/57.544 HS. Tuy nhiên, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc, Tây nguyên thì tỷ lệ đăng ký dự thi ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, rất thấp. Lai Châu chỉ có 19/2.645 HS, Bắc Kạn có 140/3.183 HS, Cao Bằng có 170/5.143 HS, Hà Giang có 52/6.621 HS...
Chất lượng giảng dạy thấp
Nhận định về việc chọn môn thi tốt nghiệp lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng tỷ lệ lựa chọn các môn phù hợp với điều kiện dạy học của các địa phương. Việc môn lịch sử và ngoại ngữ có tỷ lệ thí sinh lựa chọn thấp phần nào phản ánh sự bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học và chất lượng của các môn này.
Chẳng hạn tỉnh Lai Châu chỉ có 19 HS chọn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó riêng trường THPT chuyên duy nhất của tỉnh đã chiếm 17 HS. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh lý giải: Hiện đa số các trường THPT trong tỉnh vẫn thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 3 năm (chương trình cũ) do trình độ nhận thức bộ môn của HS còn hạn chế.
Do môn tiếng Anh cấp tiểu học mới chỉ là môn học tự chọn, điểm số môn học chưa tham gia vào đánh giá xếp loại kết quả học tập nên nhiều HS và giáo viên chưa xác định được động cơ, mục đích của việc dạy và học tiếng Anh.
Giáo viên thấp hơn chuẩn 3 - 4 bậc
"Tại nhiều địa phương, cơ cấu phân bổ kinh phí không phù hợp, đầu tư mua thiết bị quá nhiều dẫn đến không có kinh phí triển khai nhiệm vụ khác"
Bà VŨ THỊ TÚ ANH (Phó ban thường trực đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020
Kết quả khảo sát đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên tiếng Anh các cấp học ở Lai Châu cho thấy 98,5% giáo viên chưa đạt trình độ năng lực theo yêu cầu, trong đó còn có một số giáo viên đạt trình độ thấp hơn so với chuẩn từ 3 đến 4 bậc.
Tương tự, tỉnh Bắc Kạn khi bắt đầu thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 không có giáo viên nào đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết: “Do trình độ giáo viên quá thấp nên sau đào tạo cả tỉnh chỉ có 15 giáo viên đạt chuẩn. Riêng việc triển khai dạy ngoại ngữ 10 năm (từ lớp 3) thì không thực hiện được vì không đủ giáo viên”. Còn ở Cao Bằng, Sở GD-ĐT phải huy động cả giáo viên THPT xuống dạy ở các trường tiểu học vì thiếu giáo viên đạt chuẩn.
Các tỉnh miền núi đã vậy, ở khu vực đồng bằng, một số địa phương cũng gặp khó về giáo viên tiếng Anh. Cụ thể, tỉnh Hải Dương chỉ có 26% giáo viên tiểu học, 31% giáo viên THCS và 52% giáo viên THPT đạt chuẩn. Cả tỉnh Hưng Yên cũng chỉ có 300 giáo viên đạt chuẩn.
Tỉnh Ninh Bình, khi bắt đầu thực hiện đề án vào đầu năm 2013 thì cấp THPT mới có 8 giáo viên, tiểu học có 1 giáo viên đạt trình độ đáp ứng được yêu cầu quy định, cấp THCS chưa có giáo viên nào đạt trình độ B2.
Lãng phí trang thiết bị
Có nhiều ý kiến cho biết thiếu kinh phí để thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Bà Vũ Thị Tú Anh, Phó ban thường trực đề án, khẳng định: “Tại nhiều địa phương, cơ cấu phân bổ kinh phí không phù hợp, đầu tư mua thiết bị quá nhiều dẫn đến không có kinh phí triển khai nhiệm vụ khác”.
Trong tổng số 2 tỉ đồng được đầu tư, Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh đã mua thiết bị hết 1 tỉ, CĐ Sư phạm Điện Biên mua hết 1,4 tỉ, CĐ Sư phạm Thừa Thiên-Huế mua hết 1,5 tỉ, CĐ Sư phạm Gia Lai mua 1,23 tỉ, ĐH Bạc Liêu 1,06 tỉ...
Công văn chấn chỉnh việc thực hiện đề án mà Bộ GD-ĐT gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành mới đây cũng chỉ rõ việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi, sử dụng ngân sách lãng phí.
Đặc biệt, ở khâu mua sắm thiết bị dạy học xảy ra chuyện mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có; mua các thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết được tính năng của thiết bị…
Ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng nhiều địa phương khi xây dựng đề án đã không đánh giá đúng tầm quan trọng của việc rà soát và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tự tin là đã có đủ giáo viên để giảng dạy.
Do đó, kinh phí của địa phương bố trí chủ yếu dành cho mua sắm trang thiết bị, đến khi triển khai mới thấy số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn quá lớn.
“Như vậy, kinh phí để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trước đó chưa được đặt đúng tầm quan trọng, đó là vấn đề sẽ phải điều chỉnh” - ông Hiển nói.