Đầu năm "xông đất" các lãnh đạo tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan.
TPO - Nhân dịp năm mới, Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu và Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan: Sát cánh với doanh nghiệp lúc khó khăn

Mấy năm nay, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp xem doanh nhân là bạn đồng hành. Đầu năm mới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan bày tỏ lòng cám ơn các doanh nhân đã tin tưởng vào “sự đồng hành của chính quyền”. Ông cho những con số ở tỉnh Đồng Tháp năm 2013, trong hơn 3.200 doanh nghiệp hoạt động đã có 561 doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp dừng hoạt động.

“Là người lãnh đạo chính quyền tôi hết sức trăn trở về điều đó, một chút vị đắng, một chút áy náy trong lòng vì có thể bản thân chính quyền chưa thật sự sẻ chia và cùng gánh vác hết những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua”, ông Hoan nói.

Tuy nhiên, ở Đồng Tháp cũng có nhiều doanh nghiệp đang đứng vững, đầu tư nghiên cứu sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như Collagen, mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất - tiêu thụ nông phẩm kiểu truyền thống, dần xây dựng phương cách mới phù hợp với xu thế chung, xông pha đến các thị trường tiềm năng như Myanmar, Phi Châu, Đông Âu.

Trong hành trình gian khó đó của doanh nghiệp, về phía chính quyền, theo ông Hoan “không được biến từ đồng hành trở thành một mỹ từ sáo rỗng”. Mà đồng hành phải từ những điều nhỏ nhất: một câu cám ơn, một lời xin lỗi, một sự cầu thị lắng nghe; đồng hành từ sự tường minh các quy trình, thủ tục, giảm bớt một ngày giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; đồng hành để cổ vũ, tôn vinh, chắt chiu từng ý tưởng mới; đồng hành từ sự giảm quyền lực, tăng trách nhiệm trong từng tổ chức đơn vị.

Ông Hoan cam kết: “Lãnh đạo chính quyền, bằng tất cả khả năng của mình, nguyện sẽ luôn sát cánh với từng doanh nghiệp trong những thời khắc khó khăn nhất”.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Trung Hiếu: Tập trung xây dựng nông thôn mới

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Trung Hiếu, cho biết năm 2013, nông nghiệp của tỉnh phát triển, sản lượng lúa trên 2,2 triệu tấn, thủy sản 197.000 tấn (nuôi trồng 140.000 tấn, khai thác đạt 57.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 480 triệu USD, tăng 14% so với năm 2012, chủ yếu là nông sản, trong đó riêng xuất khẩu tôm hơn 450 triệu USD.

Đầu năm "xông đất" các lãnh đạo tỉnh ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Trung Hiếu.

Toàn tỉnh có trên 11.500 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 16,99%, giảm 3,1% so với năm 2012. Tỉnh Sóc Trăng tổ chức thành công Festival đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ Nhất, vào trung tuần tháng 11/2013, được ghi nhận là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch.

Nói về năm 2014, ông Hiếu cho biết: “Sóc Trăng ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ, nâng cao hiệu quả đầu tư; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường công tác quản lý thị trường và bình ổn giá. Nguồn lực ưu tiên bao gồm cả lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án hướng vào người nghèo, vùng có đông đồng bào Khmer. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động ở nông thôn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa: Cần bớt hô hào

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Liên Khoa, cho biết năm 2013, tỉnh Hậu Giang giải quyết được 1.179 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân, không có tình trạng khiếu nại đông người. Ông Nguyễn Liên Khoa được giao chỉ đạo lĩnh vực này và bản thân ông cũng trực tiếp đối thoại với dân, giải quyết nhiều vụ việc.

Đầu năm "xông đất" các lãnh đạo tỉnh ảnh 2

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Liên Khoa.

Qua thực tế, ông thấy nhiều vụ việc cấp dưới đi xe lên báo cáo lưu loát như đã giải quyết êm rồi nhưng khi ông gặp dân thì không phải vậy, chưa giải quyết được gì cả, dân còn rất bất bình.

“Năm mới mong rằng cán bộ các cấp bớt thói quen của những năm cũ là hô hào mị dân hơi nhiều, đao to búa lớn những chuyện trên trời, chuyện đâu đâu mà thực tế không làm được gì, chỉ làm mất lòng dân”, ông Khoa nói.

Ông kể, trong khiếu nại và tố cáo của dân, phức tạp nhất không phải những vụ việc mới xảy ra mà là những vụ việc do quá khứ để lại. Trong đó, có hai lĩnh vực rất khó giải quyết là người người dân đòi lại tài sản (lúa, tiền, vàng …) cho cán bộ vay mượn thời chiến tranh và đất đai nông lâm trường quốc doanh. Khiếu nại và tố cáo ở hai lĩnh vực này do đã lâu, những vụ việc chưa giải quyết thì thiếu chứng cứ, những vụ việc đã giải quyết thì lại qua nhiều thời kỳ không nhất quán.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, nếu lắng nghe dân, có trách nhiệm với tâm tư nguyện vọng của dân, vận dụng nhiều chính sách chế độ (kể cả trợ cấp xã hội) thì từ từ cũng giải quyết được, dân hiểu và đồng tình. Ông Khoa khẳng định: “Muốn xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp thì phải yên ổn được lòng dân, không có con đường nào khác. Giải quyết khiếu nại và tố cáo để góp phần yên lòng dân, khó nhưng nếu thành thực, đừng hô hào mị dân thì cũng làm được”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.