Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN) |
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau chuyến thăm.
Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả nổi bật trongchuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước đến Hàn Quốc lần này?
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp. Chuyến thăm diễn ra đúng trong năm kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.
Đây là cũng chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Hàn Quốc sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol lên nắm quyền và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên Tổng thống Yoon Seok Yeol đón tiếp theo nghi lễ cấp Nhà nước kể từ khi nhậm chức.
Phía Hàn Quốc, nhất là Tổng thống Yoon Seok Yeol đã dành cho Chủ tịch nước và Đoàn ta sự đón tiếp trang trọng nhưng cũng rất nồng ấm, chân tình. Tổng thống Yoon Seok rất coi trọng chuyến thăm, nhiều lần nhấn mạnh “Chủ tịch nước là quốc khách đầu tiên” của mình.
Các lãnh đạo Hàn Quốc đều đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề triển khai sâu rộng hơn nữa quan hệ hợp tác hai nước trên cả bình diện song phương và đa phương. Lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc nhất quán khẳng định Việt Nam là đối tác trọng tâm trong việc triển khai “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình, thịnh vượng” và “Sáng kiến đoàn kết Hàn-ASEAN của Hàn Quốc”, cam kết ủng hộ hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ ngành hai nước trong việc triển khai nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như các thỏa thuận hai bên đã ký kết.
Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc về chuyến thăm. Việc nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện là dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, trong chuyến thăm, hai bên cũng đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 500 đại diện từ các doanh nghiệp hai nước; tiếp gần 30 lãnh đạo các tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với các đối tác trao đổi về các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Trong chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Yoon Suk Yeol và lãnh đạo chính phủ, bộ ngành hai bên, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.
Mở rộng toàn diện
Xin Bộ trưởng làm rõ thêm nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và định hướng triển khai trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trải qua chặng đường 30 năm, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có những tiến triển vượt bậc, tin cậy chính trị ngày càng được tăng cường, hợp tác trên các lĩnh vực ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu và hiểu biết, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng sâu sắc. Những thành tựu to lớn đó cũng như quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ là cơ sở quan trọng để hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có thể hiểu là hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được tăng cường, mở rộng một cách toàn diện tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-đối ngoại, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho tới giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân văn-xã hội… Đặc biệt các mối quan hệ và các mặt hợp tác đó sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, trong đó có thể kể tới:
Một là, thúc đẩy hơn nữa các chuyến thăm, giao lưu tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, đa dạng; tăng cường và làm sâu sắc các cơ chế giao lưu, trao đổi, đối thoại giữa các cơ quan của chính phủ trung ương và chính quyền địa phương, giữa quốc hội, chính đảng, các tổ chức, tầng lớp xã hội hai nước; triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại, giao lưu giữa các cơ quan hai nước;
Hai là, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ tiếp tục là nền tảng và động lực của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên quyết tâm mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế thương mại, trong đó trước mắt thực hiện các biện pháp nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030; đa dạng hóa hợp tác trong các lĩnh vực như lao động, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ…
Ba là, đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và công nghiệp quốc phòng, hợp tác trong lĩnh vực an ninh, trong đó có an ninh hàng hải và cảnh sát biển, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới;
Bốn là, đẩy mạnh phối hợp cùng ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế, hợp tác bảo vệ môi trường biển; đồng thời, nhất trí tăng cường năng lực ứng phó chung đối với các tình huống khẩn cấp.
Năm là, tiếp tục phối hợp lập trường trên các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, chung lợi ích; nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các diễn đàn, cơ chế của quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia, cùng quan tâm.
Sáu là, cùng với sự phát triển quan hệ hợp tác hai nước, giao lưu nhân dân sẽ phát triển nhanh, mạnh và đa dạng hơn trước. Theo đó, công tác thúc đẩy giao lưu, tăng cường tình hữu nghị giữa các địa phương, bộ ngành và nhân dân hai nước cũng như tăng cường phối hợp trong công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân là nhiệm vụ trọng tâm của hai nước thời gian tới.
Việc nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện sẽ là động lực giúp củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, tạo cơ sở và môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế.
Với những thành tựu quan trọng đạt được trong 30 năm qua, sự quan tâm, nỗ lực của cả hai dân tộc, tôi tin tưởng rằng quan hệ, hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc sẽ ngày càng phát triển rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước; góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Mofa) |
Ý nghĩa nhân văn
Một nội dung nổi bật của chuyến thăm là thúc đẩy giao lưu nhân văn – xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết thêm về việc này?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhân văn – xã hội là một nội dung trọng tâm của chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Đây cũng là quan tâm và ưu tiên của Lãnh đạo cả hai nước.
Quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước bắt nguồn từ hàng trăm năm trước, khi dòng họ Lý Việt Nam sang định cư tại Hàn Quốc, hay những giao lưu thân tình giữa phái đoàn sứ thần Phùng Khắc Khoan của Đại Việt và đoàn sứ thần Lý Túy Quang của Triều Tiên và đặc biệt được thúc đẩy nhộn nhịp từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.
Sau 30 năm, giờ đây, gắn kết giữa nhân dân hai nước chặt chẽ hơn bao giờ hết: giữa hai nước có hơn 1000 chuyến bay qua lại trong một tháng, gần 5 triệu người dân qua lại thăm nhau, hơn 70 cặp địa phương thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác, khoảng 250 nghìn người dân hai nước ở tại đất nước của nhau, đặc biệt trong đó bao gồm 6 vạn cặp dâu rể Việt Nam và Hàn Quốc.
Những nét văn hóa đặc trưng của nước này như nem, áo dài, phở của Việt Nam, kim chi, Kpop, Hanbok của Hàn Quốc đã trở thành điều thân quen với người dân của nước kia. Giao lưu nhân dân không chỉ tăng cường hiểu biết giữa cá nhân từng người dân mà còn giúp tăng cường hiểu biết giữa hai dân tộc về mọi mặt.
Ở chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai nước đã nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước, coi đó là yếu tố quan trọng thúc đẩy quan hệ, tình hữu nghị Việt - Hàn.
Ngay khi đặt chân đến Hàn Quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc và các tổ chức hữu nghị như Hội hữu nghị Hàn Quốc – Việt Nam, Hội giao lưu văn hóa Hàn – Việt, dòng họ Lý Hoa Sơn của Việt Nam tại Hàn Quốc.
Trong các cuộc gặp, Chủ tịch nước đã đề nghị cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc nêu cao truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết yêu thương hỗ trợ nhau, phát huy vai trò gắn kết hai dân tộc; các hội đoàn hữu nghị cần tăng cường hơn nữa sứ mệnh làm cầu nối, hỗ trợ giao lưu giữa tổ chức đoàn thể, địa phương, nhân dân hai nước nhộn nhịp hơn, thực chất hơn, tương xứng với khuôn khổ Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước vừa được tuyên bố nâng cấp.
Các doanh nghiệp hai nước cũng không chỉ là những hạt nhân tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế hai nước, mà còn góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa doanh nghiệp, đoàn thể, địa phương hai nước, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Họ chính là những đối tượng quan trọng Chính phủ hai nước quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn thời gian tới.
Có thể nói kết quả chuyến thăm không chỉ thành công về mặt chính trị mà có ý nghĩa rất sâu sắc về nhân văn - xã hội, đáp ứng được mong mỏi của người dân và doanh nghiệp hai nước. Đây cũng là dấu mốc và là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.