60 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa hội ngộ tại chiến trường cũ nhân dịp Hội thảo khoa học Chiến thắng Điện Biên Phủ-Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" được tổ chức ở Điện Biên vào tháng 3. Tóc họ đều bạc trắng, những huân huy chương lấp lánh ngực áo. Những con người một thời vào sinh ra tử ấy lo lắng giới trẻ sẽ không hiểu sâu sắc về xương máu cha ông đổ xuống cho hòa bình nếu không học lịch sử.
Đằng sau tấm huân chương
Cựu chiến binh Trần Trọng Bình thuộc Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 hào sảng và say sưa kể về kỳ tích của đại đội mình - Đại đội 38 trong trận đồi C1.
Chỉ trong 10 phút, bằng một đợt xung phong mạnh, đại đội của ông đã chiếm được lô cốt trên mỏm Cột Cờ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc sở chỉ huy quân Pháp. 10 phút ấy nằm trong một trận đánh nhanh gọn nhất mặt trận: diễn ra đúng 45 phút, độc chiếm hoàn toàn C1, đánh tan quân địch. Bất ngờ, giọng ông nghẹn lại: "Tiểu đội tôi 11 người, giải phóng xong Điện Biên chỉ còn 3, cả 3 đều bị thương".
Cựu binh Nguyễn Sĩ Động, nguyên Trưởng tiểu ban Tác huấn Trung đoàn 141 Ba Vì, Đại đoàn 312 tham gia trận đánh mở màn Him Lam bật khóc: "Những dịp kỷ niệm, tôi đưa anh em cựu chiến binh lên thăm cứ điểm 1 của Him Lam, nhắc đến sự hy sinh của đồng đội cũ, tôi không thể nói vì xúc động. Ngay cả lúc này đây...".
Hơn nửa thế kỷ qua đi, đằng sau những tấm huân huy chương lấp lánh trên ngực áo là những vết thương lòng không dễ dàng thấy được...
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cựu chiến binh Đỗ Hạp được Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, khi đó là Giám đốc trường Bổ túc Quân chính trung cấp (nay là Học viện Lục quân Đà Lạt) phân công theo dõi tình hình chiến dịch.
Ông chia sẻ: "Chiến tranh không chỉ là vinh quang mà còn là mất mát. Mất mát, hy sinh ấy là cần thiết để có một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Ông khẳng định nói về mất mát, hy sinh là để thế hệ sau biết trân quý cái mình đang có, và là nhắc nhở con người không để những khổ đau đã xảy ra trong lịch sử lặp lại.
Với những người lính bước ra từ trận mạc, vết thương chiến tranh không chỉ đeo bám từ quá khứ mà còn khắc khoải trong hiện tại. Nghĩa tình đồng đội đã khiến ký ức chiến tranh không bao giờ ngủ yên trong tâm tưởng cựu chiến binh Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng Trinh sát (Cục Quân báo, Bộ Tổng tham mưu).
Bao năm nay, ông luôn canh cánh trong lòng câu chuyện về người đồng đội - liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Bảo: "Lực lượng trinh sát trong chiến dịch Điện Biên Phủ có 3 đồng chí được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyễn Ngọc Bảo là người duy nhất hy sinh trong kháng chiến chống Pháp ngay tại đồi A1 khi chỉ huy tổ trinh sát đi phát hiện hầm ngầm trên đồi. Chúng tôi đã để Bảo yên nghỉ ở một bìa rừng, cách A1 khoảng 2km về phía Đông. Năm 1994, chúng tôi trở lại chỗ đó nhưng hài cốt của Bảo đã được Ban quy tập hài cốt Điện Biên đưa về đồi A1. Không ai biết đấy là hài cốt của Anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo, cậu ấy trở thành vô danh trong nhiều ngôi mộ vô danh khác. Bốn ngôi mộ có tên trên đồi A1 là của 4 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Bốn lần trở về Điện Biên và cũng đằng đẵng hơn chục năm, tôi và đồng đội đều đề nghị dựng mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Ngọc Bảo trên chính nơi anh ngã xuống như 4 Anh hùng kể trên. Cái khó là không còn hài cốt để làm mộ thật nhưng chúng tôi chỉ muốn dựng một cái bia ghi tên thôi. Đến giờ vẫn chưa được toại nguyện. Lần đề nghị này tôi mong có sự thay đổi. Tôi đã ngoài 90, mắt đã kém, chân đã yếu, đây có lẽ là lần trở về Điện Biên cuối cùng...".
Hồi ức về trận đánh mở màn Him Lam-trận đánh tạo nên đòn sang chấn tâm lý mạnh mẽ vào quân đội Pháp vẫn vẹn nguyên trong ký ức của cựu binh Nguyễn Sĩ Động. Với ông, Him Lam của chiến tranh khốc liệt đã bất tử trong sử sách, bất diệt trong tâm khảm mọi người.
Chỉ Him Lam của hiện tại là khiến ông trăn trở: "Các di tích chiến đấu giờ cũng chỉ còn lại A1 và Him Lam, các nơi khác phần lớn bị san phẳng rồi. Tôi cho rằng bảo tồn, trùng tu di tích lịch sử ở Điện Biên Phủ chưa xứng tầm với giá trị chiến thắng của Điện Biên Phủ. Cứ điểm Him Lam là di tích có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong Cụm Di tích Điện Biên Phủ nên đã được nhà nước cho tôn tạo. Vậy mà suốt bao năm nay không hoàn thành. Lên Him Lam giờ thấy cỏ dại um tùm. Du khách đến Điện Biên Phủ, trước hết và chủ yếu là đến với các di tích lịch sử đấy chứ...".
Hậu thế với lịch sử
Trong cuộc trò chuyện với các cựu chiến binh của chiến dịch Điện Biên Phủ, bất ngờ nhận ra họ đều chung niềm đau đáu trước ứng xử của hậu thế với lịch sử dân tộc. Câu chuyện học sinh lớp 12 không chọn thi môn sử, sự lạc lõng của ngành khoa học nhân văn này trong mối quan tâm của giới trẻ là nỗi nhức nhối ở những người đi qua chiến tranh.
Cựu chiến binh Nguyễn Sĩ Động tâm sự: "Tôi thực sự lo lắng. Một thế hệ không hiểu về lịch sử thì không thể biết đất nước mình đã tồn tại, phát triển ra sao, để có được ngày nay là sự đánh đổi xương máu của bao con người. Không hiểu lịch sử làm sao thế hệ ấy có thể yêu đất nước, thấy được mình phải có trách nhiệm với đất nước như thế nào".
Vẫn mạch suy tư đó, ông hoài niệm về thời trẻ của thế hệ ông, thế hệ mà những bài sử ca, kháng chiến ca luôn được người trẻ ca lên đầy yêu thích như: Khúc khải hoàn, Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang, Thăng Long hành khúc, Lên đàng, Du kích sông Thao,...Chính những ca khúc ấy đã nuôi dưỡng và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước trong ông và những người bạn đồng trang lứa.
Cựu chiến binh Trần Trọng Bình chia sẻ: "Lịch sử dân tộc mình là lịch sử chống ngoại xâm. Thế hệ cha ông, thế hệ chúng tôi đã mất mát quá nhiều để tạo lập hòa bình. Không hiểu lịch sử thì lòng tự hào, tự tôn dân tộc sẽ không bao giờ có. Điều ấy khiến tôi rất đau lòng".
Ông trầm ngâm khi nói đến đó, khuôn mặt thoắt tươi tỉnh khi ông tự hào khoe về công việc của con gái út, nhân viên thuyết minh của bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Với ông, lịch sử dân tộc đã được tiếp nối trong chính gia đình. Bằng công việc của mình, con gái ông giữ lửa và truyền tình yêu, hiểu biết về lịch sử đến với du khách.
Và rồi chính những người góp phần làm nên lịch sử ấy phản biện lại mệnh đề học sinh không thích học sử. Ông Trần Trọng Bình kể: "Những dịp lễ, tôi hay được mời đi nói chuyện lịch sử ở các trường học. Các cháu nghe chăm chú lắm, sôi nổi đặt câu hỏi. Hiện nay, môn lịch sử bắt các cháu học sinh nhớ nhiều quá, bị biến thành môn học thuộc lòng. Thành ra tôi nghĩ không phải học sinh không thích học sử mà vấn đề nằm ở chương trình học và người truyền đạt".
Cựu chiến binh Nguyễn Bội Giong (nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu về tổng kết chiến tranh) cũng cho biết thêm: "Tôi dạy tiếng Pháp miễn phí cho các cháu ở Hà Nội. Tôi vẫn thường hay kể chuyện chiến đấu của tôi và đồng đội. Có cháu nói với tôi nếu thầy cô dạy sử cũng nói hay như tôi thì cháu sẽ thi vào khoa Sử".
Những cựu chiến binh đều âu lo về một thế hệ trẻ không biết, không hiểu lịch sử nước mình, để có thể yêu và bảo vệ Tổ quốc như thế hệ họ, thế hệ cha ông đã làm trong suốt chiều dài bốn ngàn năm dựng nước.