Đâu là “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”?

Đâu là “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”?
TP - Cầm theo bài của báo nọ Tìm dấu 50 năm tại Thủ đô gió ngàn, tôi hỏi ông Vũ Kỳ (1921-2005) rằng nhà thơ Tố Hữu cảm hứng viết bài Sáng tháng Năm ở địa danh nào. Ông cười: Mình đã hỏi. Chẳng ở đâu cả! - Việt Bắc!
Đâu là “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”? ảnh 1
Bác Hồ đánh bóng chuyền sau giờ làm việc. Bên trái Bác là ông Tạ Quang Chiến

Mươi năm nay, theo dõi trên các báo, đài thấy có nhiều sự khác nhau về tuyên truyền, giới thiệu các địa danh trong ATK, chúng tôi đã đặt vấn đề với một số vị nhân chứng lão thành trong Ban liên lạc cựu cán bộ “Ban kiểm tra 12” – Bí danh của Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ ở ATK Việt Bắc và sưu tầm, đối chiếu một số văn bản chính thức của Nhà nước đã ban hành như: Sách Văn phòng Chính phủ xây dựng và phát triển, Đề án Quy hoạch tổng thể phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến chiến khu Việt Bắc (giai đoạn 1941-1954), các quyết định, công văn liên quan, các kỷ yếu hội thảo, thư kiến nghị của các lão thành và nhiều bài đăng trên các báo khác nhau thì thấy có sự sai lệch khá lớn, gây bức xúc trong các nhân chứng và giới am tường lịch sử.

Nếu cứ vì mục đích du lịch, xem nhẹ mặt “bảo tồn”, phát huy di tích về giáo dục truyền thống lịch sử thì phản tác dụng cho mai đây con cháu chúng ta.

Tiền phong là diễn đàn uy tín rộng lớn trong thế hệ trẻ nước nhà, từng phát hiện nhiều vấn đề được dư luận hoan nghênh, chúng tôi mong qua đây góp một tiếng nói kêu gọi sự quan tâm của dư luận rộng rãi đối với một di sản vô giá bậc nhất này của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Những nổi cộm cần làm rõ hiện nay gồm:

1.Phân biệt di tích cách mạng và kháng chiến

Trên đất nước ta, hầu như tỉnh, huyện, xã, thành phố nào cũng có di tích cách mạng của địa phương mình trong thời kỳ trước tháng 8/1945. Nhưng, liên quan đến những hoạt động của Bác Hồ thì, như chúng ta đều biết, di tích của Người chỉ có ở Cao Bằng 2 lần (1941, 1945); Bắc Kạn – tháng 4/1945 trên đường qua các huyện Ngân Sơn, Ba Bể, Chợ Đồn sang Tân Trào (tên cũ Kim Lung) thuộc Sơn Dương (Tuyên Quang).

Riêng thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, từng nơi Người tới thăm, nhân dân ta đều lập di tích để nhớ ơn. Nhưng, những địa danh Người ở, làm việc cùng các cơ quan trung ương trong thời gian lâu dài và ổn định, thì chỉ có trên căn cứ địa – gọi là An toàn khu (ATK) Việt Bắc.

Cụ thể, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại hội thảo do tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 12/5/1997, gồm 8 huyện thuộc 3 tỉnh là: Tuyên Quang có Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa; Thái Nguyên: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; Bắc Kạn: Chợ Mới, Chợ Đồn.

Vậy là, nếu nói tách ra, chỉ nêu một tỉnh, một huyện nào đó là “ATK trung ương”, là… “tâm điểm”… đều không đầy đủ. Càng hoàn toàn sai lệch nếu dùng ngôn từ văn vẻ, ví von, hình tượng là… thủ đô. Chẳng hạn, tỉnh A, huyện B là “thủ đô kháng chiến”. Bởi vì, đã gọi “thủ đô” phải đủ tiêu chí và tôn trọng đúng như lịch sử vốn có.

2.Có một thủ đô kháng chiến

Đâu là “Thủ đô kháng chiến”, “Thủ đô gió ngàn”? ảnh 2

Lán Nà Lừa, 2/4/2007, ông Tạ Quang Chiến - ở giữa, Trịnh Tố Long - thứ hai, trái sang và cán bộ , huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Thủ đô là thành phố (hay địa danh – Người viết ), nơi đóng trụ sở của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước trung ương. Hoặc là trung tâm đầu não lãnh đạo toàn cục như Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu (như phần 1): “Tân Trào được coi là Thủ đô khu giải phóng (trước Cách mạng Tháng 8/1945 gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên).

Còn thời kỳ 1947-1954 Người trở lại Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến, phải xét “thủ đô” trên 2 bình diện.

Thứ nhất, nơi đóng đô của chính quyền nhà nước, gồm Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ, Quốc hội, các bộ hoặc cơ quan ngang bộ - chưa kể các tổ chức đoàn thể trung ương: Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, Văn phòng Chủ tịch Đảng (Bác Hồ lãnh tụ tối cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ – mãi từ 1949 mới có chức Phó Thủ tướng của ông Phạm Văn Đồng – kiêm Bộ trưởng Ngoại giao), Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên huấn Trung ương, Ban Dân vận: Công đoàn, thanh niên, phụ nữ – cả báo Tiền phong ở bản Dõn, xã Minh Thanh… đều đóng bên Tuyên Quang. Thời đó, có 12 bộ, chỉ 1 Bộ Quốc phòng đóng ổn định bên Thái Nguyên.

Thứ hai, thời gian lâu nhất, theo tập Đề án tổng thể của Bộ VHTT bổ sung hoàn chỉnh chi tiết tháng 3/1998 và bản thống kê của ông Tạ Quang Chiến,  người vinh dự được công tác phục vụ Bác từ 1945  - 1957 thì trong 7 năm 7 tháng, kể từ ngày 2/4/1947 Người về làng Sảo, (Sơn Dương), thì Bác di chuyển tới 37 lần; nhưng lâu nhất ở Tuyên Quang: 5 năm 11 tháng 25 ngày, cả Thái Nguyên, Bắc Kạn chỉ 1 năm 8 tháng.

Bác di chuyển nhiều nơi ở Tuyên Quang, nhưng ổn định nhất tại thôn Lập Bình (xã Bình Yên, Sơn Dương). Nơi đây Quyết định số 32/2000-QĐ ngày 4/12/2000 của Bộ VHTT đã cấp bằng công nhận Di tích của Chủ tịch phủ, Thủ tướng phủ thời kỳ 1947-1954. Chiều 15/8/2005, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó Thủ tướng Thường trực) đã lên dự lễ động thổ xây dựng khu di tích lịch sử của Chính phủ (báo Nhân dân ngày 16/8/2005).

Vậy là, có một thủ đô kháng chiến như thế – “giấy trắng mực đen” – ở Tuyên Quang, hay thu hẹp lại là Sơn Dương.

3.Còn thủ đô gió ngàn?

Tôi nhớ rõ cuối năm 2003 chuẩn bị cho 50 năm kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), nhiều báo viết về ATK. Cầm theo bài của báo nọ Tìm dấu 50 năm tại Thủ đô gió ngàn, tôi hỏi ông Vũ Kỳ (1921-2005) rằng nhà thơ Tố Hữu cảm hứng viết bài Sáng tháng Năm ở địa danh nào.

Ông cười: Mình đã hỏi. Chẳng ở đâu cả! – Việt Bắc! Chỉ là hình tượng điển hình thôi. Như “Rừng cọ đồi chè” tiêu biểu của trung du Phú Thọ vậy, không chỉ riêng huyện, xã nào.

Các vị giúp việc Bác được giao đi tìm địa điểm mới, ai cũng thuộc lòng mấy câu Người dặn: Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng, có bãi ta vui/ Tiện đường sang Bộ Tổng (Tư lệnh – qua đèo De bên kia Định Hóa)/ Thuận lối tới Trung ương (Văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh)…

Ta về nguồn Tuyên Quang đều thấy sông Phó Đáy mùa khô như dòng suối, từ nơi Bác ở ngắn ngày trên Kim Quan, Yên Sơn, hay nơi đóng Văn phòng Chính phủ lâu dài ở Bình Yên, Sơn Dương, đến chỗ Bác Tôn Đức Thắng ở cố định – xã Trung Sơn… đều: trên núi dưới sông, nương ngô xanh mướt… Song, hẳn nhà thơ Tố Hữu không ám chỉ địa danh cụ thể, mà Việt Bắc là Thủ đô gió ngàn: “Ở đâu đau đớn giống nòi/ Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền…”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.