Đâu là gốc vấn đề

TP - Dù thời gian gần đây lực lượng công an, quản lý thị trường ở khắp các tỉnh thành trên cả nước liên tiếp ‘báo công’ về việc triệt hạ các điểm, nguồn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng có thực tế phải thừa nhận: Vòi bạch tuộc hàng giả, hàng cấm vẫn ngang nhiên tồn tại ở khắp các ngõ ngách trong nền kinh tế.

Số liệu mới nhất của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên toàn quốc đã phát hiện, xử lý hơn 83.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 241 tỷ đồng. Lực lượng QLTT cũng đã chuyển cơ quan điều tra 176 vụ; khởi tố hình sự 23 vụ; không khởi tố hình sự 55 vụ; đang tiếp tục điều tra 98 vụ, trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 79 vụ; gian lận thương mại 21 vụ; hàng giả 64 vụ; vi phạm khác 12 vụ.

Báo cáo của Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, các đơn vị chức năng trực thuộc trong năm qua phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an… triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm lớn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành trên cả nước. Điển hình là bóc gỡ đường dây bán hàng giả tại Trung tâm thương mại Sài Gòn Square, Lucky Plaza TP Hồ Chí Minh, phố cổ Hà Nội, Móng Cái (Quảng Ninh). Xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên, chợ Bến Thành. Kiểm tra, xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang…

Càng gần Tết Nguyên đán, những chuyên án phá hàng giả, hàng nhập lậu cũng được các cơ quan chức năng trên cả nước triển khai mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, dù có nỗ lực nhưng thực tế cho thấy, biến tướng trong buôn lậu hàng giả, hàng cấm ngày càng tinh vi và cũng liều lĩnh hơn. Đặc biệt khi các đối tượng buôn lậu tận dụng mạng xã hội để tạo lập các hội nhóm kín cũng như hình thức bán hàng mới để tiếp cận người dùng. Sự biến chuyển của hàng giả, hàng cấm giờ không chỉ gói gọn trong việc lưu hành tại các quầy, cửa hàng bán hàng như trước đây. Việc chốt đơn mua bán nay đã được triển khai cả trên các gian hàng ảo, thông qua mạng xã hội ngang nghiên hơn.

Một lãnh đạo Bộ Công Thương, trong cuộc chia sẻ với PV Tiền Phong thừa nhận: Cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái là cuộc chiến lâu dài. Những vòi bạch tuộc hàng giả, hàng cấm bị chặt đứt sẽ nhanh chóng có “biến thể” mới. Lực lượng QLTT, bên cạnh những vấn đề nội tại được nhắc đến nhiều năm qua như bảo kê hàng giả, hàng kém chất lượng…, sẽ không thể mãi đứng ngoài cuộc trước những “biến thể” mới của những kẻ buôn lậu.

Các cơ quan chức năng công an, biên phòng nếu không mạnh mẽ vào cuộc chống hàng giả, hàng cấm, sẽ khiến các đối tượng buôn lậu ngày càng ngông nghênh hơn. Chỉ chừng nào các cơ quan chức năng chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và các chuyên án thường xuyên nhằm triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu quốc tế, chừng đó cuộc chiến chống hàng giả, hàng cấm trong nước mới nhẹ gánh. Nếu không, sẽ vẫn chỉ là những cuộc bắt bớ, xử lý phần ngọn của buôn lậu. Hàng giả, hàng cấm vì thế sẽ tiếp tục tràn ngập thị trường, bóp chết hàng hóa trong nước.              

MỚI - NÓNG