Đâu là giới hạn

Đâu là giới hạn
TP - Nếu Phạm Anh Khoa không gạ gẫm Phạm Lịch, quấy rối tình dục bằng những lời nói và cử chỉ thô thiển, thì anh phải chứng minh được rằng cô dối trá, vu khống. Nếu không làm được như vậy, anh chẳng những không còn là “quý ông hát Rock” như lời nhạc sĩ Nguyễn Cường ca ngợi tại cuộc thi Sao Mai Điểm hẹn 2006, mà sự nghiệp và cuộc sống có thể tụt dốc đến nơi.

Bị tố sàm sỡ, gạ tình, không chung thủy với vợ, khi không đạt mục đích (gạ tình) thì ứng xử thất thố kiểu trả đũa... Nghe khá kinh khủng. Thế nhưng ca sĩ Anh Khoa không vội phản ứng mà tỏ một thái độ thản nhiên, nói những câu trời ơi đất hỡi trên trang cá nhân trong khi biết thừa rằng bàn dân thiên hạ đang để ý nhất cử nhất động của mình. Mấy ngày sau mới dám bật lại.

Anh giải thích: “Thời gian qua, tôi bận tập trung thực hiện các dự án riêng và ngoài ra tôi cũng không muốn người khác lợi dụng mình tạo scandal để nổi tiếng nên chưa lên tiếng về vụ việc”. Không hiểu được ai tư vấn mà Rocker tỏ ra thiếu khôn ngoan thế, một cách nói không “thật” lại trịch thượng. Kiểu nói bị ai đó lợi dụng “tạo scandal để nổi tiếng” Minh Béo cũng đã dùng rồi. Cho dù sự thật đúng như thế đi nữa cũng chả nên nói thế huống hồ chắc gì.

Cho đến nay, thực hư thế nào chưa rõ nhưng xem các đoạn phim Phạm Lịch trả lời các báo, thấy cô khá biết cách mô tả các chi tiết. Trong động thái phản pháo, liệu Anh Khoa có thể cho công chúng biết, có phải anh không hề nói những câu mà Phạm Lịch đang phơi bày trước công chúng. Và rằng không phải có ba lần cô đến nhà anh tập, anh đều như vừa từ buồng tắm bước ra đến nỗi cô phải hỏi “sao anh lúc nào cũng tắm lúc em đến tập vậy”. Ăn mặc lúc quần đùi lúc mỗi cái khăn tắm, trong bối cảnh nhà chả có ai ngoài hai người họ. Giờ tập thì oái oăm, toàn vào buổi tối muộn.

Nếu đúng như thế, thì là quấy rối thật đấy. Cả cách mà Anh Khoa gọi cô là “Lịch ch...” ở chỗ công cộng, kiểu nói lái nói ngược hàm nghĩa thô bỉ, làm người ta khó chịu và xấu hổ nữa.

Báo Việt Nam dịch bài báo Tây đưa phát ngôn của minh tinh Pháp Catherine Deneuve : “Phong trào chống quấy rối tình dục đã đi quá xa. Hiếp dâm là tội ác, nhưng hành động ve vãn người khác - dù dai dẳng và sống sượng- thì không phải. Đàn ông thể hiện sự hào hoa phong nhã cũng không thể bị xem là tấn công người khác...”

Đúng là phong trào này bị nhiều người lợi dụng. Nhưng minh tinh Pháp có đơn giản quá không với hành động “ve vãn người khác dai dẳng và sống sượng”.

Đối mặt những phát ngôn ám chỉ tình dục, cử chỉ thì sàm sỡ, có độ thúc ép, có người coi là bình thường- “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, có người phản ứng. Nếu không đồng tình, người phụ nữ nên cảnh báo, răn đe, đại ý nếu còn tiếp tục thì sẽ thế nào đó. Chừng đó mà vẫn không dừng thì thôi đừng trách người ta nặng tay. Bạn nên biết rằng không phải ai cũng thích người khác động chạm cơ thể, cư xử suồng sã cho dù bạn hào hoa phong nhã, nổi tiếng đến đâu.

Hôm trước đọc bài một nhà báo trẻ tả cô bị quấy rối tình dục với đủ mọi đối tượng, có chi tiết đến nhà một tiến sĩ để viết bài, ông hiện ra với độc chiếc khăn tắm trên người (giống Harvey Weinstein). Tôi đoán đó là vị tiến sĩ mình biết.

Chả là hơn hai chục năm trước tôi đến báo nọ, đang trong phòng của một nhà văn thì tiến sĩ này bước vào (ông là một cán bộ của báo) với chiếc quần đùi, khoe cặp chân trắng nhợt như vừa ngâm dưới nước lên. Ông cười cười nói nói còn tôi ngầm hạ điểm của ông khi vận quần cộc thay vì hình ảnh hào nhoáng mọi khi. Ông có gương mặt khá đẹp nhưng nay mặc chiếc quần tun ngủn ở cơ quan, bất ngờ lộ ra cặp chân bị bé, dân gian gọi là “thượng đa hạ thiểu”.

Lúc đó tôi không nghĩ gì nhưng đọc bài của cô gái kia, tôi đoán hồi đó ông cố tình mặc như vậy là có mục đích. Phải nói thêm rằng hồi đó báo này có nếp sinh hoạt khá thoáng, một số người hay tắm tại cơ quan.

Chỉ một cặp chân trần xuất hiện không đúng lúc mà nhớ đến giờ, đủ biết nó gây “hiệu ứng” gì. Cho nên, cẩn thận với hành vi cử chỉ lời nói của bạn. Nó có thể gây cho người khác sự ghê tởm hoặc gì gì nữa mà bạn có khi không biết đâu. Hoặc biết thì đã muộn.

MỚI - NÓNG