Dấu hiệu trù dập trong việc thay TGĐ Hapulico

Dấu hiệu trù dập trong việc thay TGĐ Hapulico
TP - Bức tâm thư của 27 cán bộ chủ chốt được cho là mong muốn làm cho Cty sớm ổn định, tìm được những lãnh đạo thực sự có năng lực và có uy tín. Thế nhưng, sự tâm huyết đó đã vi phạm nguyên tắc Đảng.

> Lùm xùm thay Tổng GĐ HAPULICO

Gặp họa vì dám ký đơn tập thể

Ngày 18-5-2012, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội ra quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ba đồng chí Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Cty là ông Phạm Hồng Thạch- Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Ban Quản lý dự án Hapulico; ông Nguyễn Anh Tuấn- UVTV Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Cty, ông Nguyễn Quốc Khánh- UVTV, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc.

Nội dung kiểm tra: Việc thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ và Hội đồng thành viên, Ban chấp hành Đảng bộ Công ty ngày 18-3-2012 về mô hình tổ chức và công tác cán bộ, việc quy định về những điều đảng viên không được làm.

Ngày 31-7-2012, UBKT Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội có kết luận số 33, trong đó có nêu: “Cuộc họp Ban Thường vụ và HĐTV, Ban Chấp hành Đảng bộ ngày 18-3-2012 được thực hiện công khai, dân chủ, có sự thống nhất cao về chủ trương với hai nội dung là tách mô hình và giới thiệu chức danh chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc Cty”.

Tuy nhiên, bản kết luận cũng cho rằng: “Việc giới thiệu chức danh chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc công ty tại cuộc họp Ban Thường vụ và HĐTV, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Cty ngày 18-3-2012 là chưa đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ”.

Bản kết luận cũng nêu, biên bản các cuộc họp ngày 18-3- 2012 chính là Nghị quyết của Ban Thường vụ- HĐTV, Ban chấp hành Đảng bộ Cty.

Và việc ký vào đơn trình bày và kiến nghị của ba đồng chí thường vụ được coi như không thực hiện các nghị quyết nói trên. Vi phạm Điều 9, Chương II Điều lệ Đảng CSVN khóa XI “Tổ chức Đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng…”.

Ở nội dung kiểm tra thứ hai, việc ký vào lá đơn trình bày và kiến nghị của ba đồng chí Khánh, Thạch và Tuấn có nội dung tố cáo đối với đồng chí Tiến và có nội dung không đúng.

Vì vậy, UBKT Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội yêu cầu: Đảng ủy Cty Chiếu sáng có hình thức kỷ luật với ba ông Khánh, ông Thạch, ông Tuấn.

Dấu hiệu trù dập?

Thứ nhất, đó là sự bất thường trong việc ra quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ba đảng viên.

Như đã đề cập, trong đơn của tập thể cán bộ chủ chốt có nêu lên việc làm sai về công tác tổ chức cán bộ của ông Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Phạm Đức Tiến (sau này được kết luận là việc giới thiệu nhân sự chưa đúng quy trình...).

* “Tôi vẫn khẳng định đó là nghị quyết nhưng nghị quyết này chưa được thực hiện. Đáng lẽ ra phải thực hiện các bước tiếp theo nhưng đến đây đã có chuyện rồi thì cái này người ta không thực hiện nữa và phải được làm rõ từ đây”.

(Ông Kiều Quốc Uy - Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội - phát biểu tại cuộc làm việc với phóng viên Tiền Phong cuối tháng 1-2013)

* “Không chấp hành nghị quyết của Ban Thường vụ và HĐTV , nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ Công ty ngày 18-3-2012...”.

(Kết luận của UBKT Đảng ủy Khối về sai phạm của 3 đảng viên Thạch, Tuấn, Khánh do ông Kiều Quốc Uy ký)

Nhưng UBKT khối lại bỏ qua dấu hiệu này và không kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Tiến.

Đặc biệt, ông Phạm Tiến Bình- Phó Tổng giám đốc Cty, người trực tiếp soạn đơn và đưa cho mọi người ký tên cũng không nằm trong danh sách bị kiểm tra.

Có lẽ mục tiêu kiểm tra được nhằm vào hai ông Tuấn và Khánh? Có phải bởi vì họ nằm trong danh sách được hầu hết cán bộ chủ chốt Cty giới thiệu vào chức danh tổng giám đốc cùng ông Phượng?.

Thứ hai, bản kết luận khẳng định “Việc giới thiệu chức danh Chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc Cty tại cuộc họp Ban Thường vụ và HĐTV, hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Cty ngày 18-3-2012 là chưa đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ”.

Như vậy, một cuộc họp mà giới thiệu nhân sự không đúng quy trình thì liệu nó có được coi là hợp lệ, và có giá trị? Vậy thì nghị quyết cuộc họp đó (thực chất là biên bản) đã có thể nói là nghị quyết của Đảng theo đúng nghĩa? Khi phát hiện điều không đúng đó, các đảng viên có kiến nghị phù hợp đã bị quy kết “không thực hiện nghị quyết”. Điều đó thực sự đã công bằng, công tâm, khách quan?

Ông Kiều Quốc Uy - Chủ nhiệm UB Kiểm tra Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội - người ký kết luận kiểm tra và cũng là người ký quyết định kỷ luật ba đảng viên này, tỏ ra lúng túng.

Ông Uy khi thì nói, biên bản đó là nghị quyết nên phải thực hiện, lúc lại cho rằng nghị quyết này bị phát hiện “có vấn đề” nên đã dừng không thực hiện. Nếu chưa thực hiện thì căn cứ vào đâu kết luận các đảng viên không chấp hành nghị quyết?

Kế đó, việc kỷ luật ba cán bộ vẫn diễn ra khi mà tất cả đại biểu dự cuộc họp chi bộ xem xét kỷ luật đều bỏ phiếu không kỷ luật (cả ba cán bộ này đều dính án kỷ luật khiển trách).

Vì sao UBKT Đảng ủy khối Doanh nghiệp Hà Nội lại không xem xét sự việc cho thấu tình, đạt lý? Đằng sau án kỷ luật là gì? Ông Trần Hậu Phượng- Phó Tổng giám đốc Hapulico - người được giới thiệu sai quy trình trước đó - đương nhiên một mình thẳng tiến?

Việc được giới thiệu làm Tổng Giám đốc đối với ông Phượng là một bất ngờ. Ông Phượng nói: “Các anh phó tổng giám đốc của Cty giỏi hơn tôi nhiều. Nhưng do được sếp giao nhiệm vụ thì phải nhận”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG