Dấu hiệu nhận biết bị mắc lao

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Phát hiện sớm xem mình có bị mắc lao hay không và cách phòng tránh lây nhiễm bệnh lao là mối quan tâm của khá nhiều người khi căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng số người mắc với những biến chứng nặng nề.

Hàng xóm nhà em có người bị nhiễm lao, em rất lo lắng vì hai nhà sát vách, ra vào gặp nhau chào hỏi, nói chuyện thường xuyên. Con của anh chị ấy cũng thường xuyên sang chơi với con của em. BS cho em hỏi em cần phải làm những gì để tránh lây nhiễm lao cho mọi người trong nhà em và làm sao để phát hiện mình đã bị nhiễm lao?. Xin cảm ơn BS.

Để có thể phát hiện sớm bệnh lao, đặc biệt thường gặp lao phổi, những người có những triệu chứng sau nên tới cơ sở khám chữa bệnh để được làm xét nghiệm đờm trực tiếp.

Các triệu chứng bao gồm:

- Ho khạc đờm trên 2 tuần.

- Sốt về chiều, tối.

- Gầy sút cân, ăn ngủ kém, giảm khả năng làm việc.

- Có thể ho ra máu.

- Đau ngực.

Tại các cơ sở y tế người bệnh sẽ được xét nghiệm đờm và làm thêm các xét nghiệm khác nếu cần để chẩn đoán xác định hoặc loại trừ lao phổi.

Đối với các thể lao ngoài phổi: người bệnh cũng thường có triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân, các triệu chứng này không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn trùng lắp với những bệnh lý mạn tính khác. Ngoài ra còn có triệu chứng tại cơ quan bị bệnh như hạch sưng to, đau khớp, tức ngực, đái buốt đái rắt, bụng căng trướng, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nôn, buồn nôn….trường hợp các triệu chứng này kéo dài, không đáp ứng với các điều trị thông thường, người bệnh cần nghĩ tới nguyên nhân do lao và tìm đến các cơ sở chuyên khoa lao

Cách phòng bệnh lao

1. Giảm nguy cơ nhiễm lao

Kiểm soát vệ sinh môi trường bằng cách giảm đậm độ các hạt nhiễm khuẩn trong không khí bằng thông gió tốt.

Cửa sổ, cửa ra vào (đặc biệt là cửa phòng nơi bệnh nhân lao sinh hoạt) cần được mở cho thông gió tự nhiên hoặc dùng quạt điện đúng chiều để làm loãng các hạt nhiễm khuẩn và đẩy vi khuẩn ra ngoài, dưới ánh nắng mặt trời vi khuẩn lao sẽ dễ bị tiêu diệt.

- Thay đổi hành vi của người bệnh (vệ sinh hô hấp) nhằm làm giảm các hạt nhiễm khuẩn ra môi trường bằng cách dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho.

- Khạc đờm vào giấy hoặc ca cốc, bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.

2. Giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao

Tiêm vắc xin BCG (Bacille Calmette-Guérin) do Chương trình Tiêm chủng mở rộng thực hiện nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao.

Để có tác dụng cần:

- Tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng.

- Vắc xin phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây chuyền đến từng liều sử dụng cho trẻ.

Chú ý:Sau khoảng 3 đến 4 tuần tại chỗ tiêm sẽ có một nốt sưng nhỏ, rò dịch trong vài tuần rồi kín miệng đóng vảy. Khi vảy rụng sẽ để lại một sẹo nhỏ, màu trắng, có thể hơi lõm.

MỚI - NÓNG