Nhiều xe đắt tiền
Chiều 22/11, phóng viên Tiền Phong đến một số điểm trông giữ PTVPGT ở Thủ đô. Tại bãi trông giữ xe số 1 thuộc Tổng Cty Vận tải Hà Nội ở Mỹ Đình, khuôn viên trông giữ PTVPGT chiếm diện tích tương đối lớn. Đây là bãi trông giữ PTVPGT cho Đội CSGT số 2 và số 6, thuộc PC67.
Các loại PTVPGT, chủ yếu là xe máy, được phân ra nhiều khu khác nhau. Xe mục, nát, xe máy Trung Quốc, được xem là “đống sắt vụn” để ngay bãi ngoài sát bờ rào phơi mưa, phơi nắng, ai đi qua cũng có thể thấy. Chỉ khi tiến sâu vào trong, mới thấy có nhiều loại xe khác đắt tiền hơn, đa số là xe tay ga như SH, Spacy, PS, Vespa, Liberty..., thậm chí có những loại xe mô tô phân khối lớn có giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Do lâu ngày không ai đến nhận, bụi bám dày trên các bộ phận của xe, có xe bị xuống hơi, xẹp lốp, vành hoen gỉ, bạc màu. Tuy nhiên, một thợ xe tại chợ xe phố Chùa Hà (Cầu Giấy) nói rằng, chỉ cần bỏ công 1-2 triệu đồng là “vịt giời hóa thiên nga”, những chiếc xe này lại bóng loáng như mới và bán rất được giá.
“Chỉ cần bỏ công 1-2 triệu đồng là “vịt giời hóa thiên nga”, những chiếc xe này lại bóng loáng như mới và bán rất được giá”.
Một thợ xe tại chợ xe phố Chùa Hà (Cầu Giấy)
Một nhân viên tại bãi xe PTVPGT tư nhân cho rằng, cứ đến đợt bán (đấu giá), xe sẽ được chuyển đi nơi khác, nhưng không rõ đi đâu. Theo nhân viên này, hầu hết PTVPGT bị thu giữ tập kết tại bãi mắc lỗi: không có giấy đăng ký, phương tiện không gắn biển số, liên quan các tội về ma túy, nồng độ cồn… Song cũng có không ít chiếc xe nhập lậu, lắp biển giả có giá trị lớn.
Điều tương tự cũng diễn ra ở các bãi xe trông giữ PTVPGT khác tại Nam Trung Yên, Nghĩa Tân, Đền Lừ, Vĩnh Tuy, Bồ Đề... Theo thống kê, PTVPGT do PC67 tạm giữ được lưu giữ tại 10 kho nằm rải rác khắp thủ đô.
Không ai quản đấu giá?
Với PTVPGT là xe máy, nếu không xác định được chủ sở hữu hoặc không ai đến nhận lại và phương tiện không phải là tang vật vụ án, PC67 sẽ tiến hành thủ tục tịch thu sung quỹ nhà nước và thực hiện đấu giá nộp tiền vào ngân sách nhà nước.
Trước đây, việc đấu giá cùng có sự tham gia của 2 ngành tài chính và tư pháp, nhưng với quy định mới (Nghị định số 29 có hiệu lực từ tháng 6/2014), việc đấu giá PTVPGT do PC67 phụ trách thông qua ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng này.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp thành phố Hà Nội), ông Trần Mai Long cho hay: Trước đây, các lô tài sản là PTVPGT được chuyển về các kho của trung tâm để thực hiện đấu giá. Tuy nhiên, với quy định mới, trung tâm không còn “nguồn hàng” loại này nữa. Các kho vốn chứa hàng xử lý vi phạm của các ngành công an, thị trường… nay gần như bỏ không. Ông cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm chỉ thực hiện đấu giá 1 lô PTVPGT, thu về hơn 300 triệu đồng, nhưng chủ yếu là xe nát, xe Trung Quốc.
Điều tương tự diễn ra với ngành tài chính. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Công sản (Sở Tài chính thành phố Hà Nội), ông Mai Văn Vinh, nói rằng, theo Nghị định số 29 (2014), đơn vị gần như không còn tham gia quá trình đấu giá tài sản bị tịch thu là PTVPGT. Khi được hỏi về số tiền nộp vào ngân sách của PC67, vị này bảo không nắm rõ do đơn vị thực hiện đấu giá tự nộp.
Tiền Phong gửi giấy giới thiệu và câu hỏi trước tới PC67, khi làm việc, nhân viên đội Tham mưu cho biết năm 2014, PC67 quyết định tịch thu và chuyển giao cho tổ chức bán đấu giá thành công hơn 2.000 PTVPGT các loại, thu về gần 5 tỷ đồng. Số tiền này sau khi trừ các khoản chi phí liên quan được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, khi hỏi rõ doanh nghiệp nào đứng ra đấu giá, đơn vị lại không cung cấp cụ thể theo yêu cầu trước, mà chỉ nói chung chung là lựa chọn từ khoảng 30-40 doanh nghiệp trên địa bàn có chức năng rồi gọi đến để ký hợp đồng. PC67 cũng chưa cung cấp số tiền thực nộp vào ngân sách.