Đấu đối kháng giữa các nhóm hacker tại Việt Nam

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav (người cầm micro) trả lời về cuộc thi
Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav (người cầm micro) trả lời về cuộc thi
TPO - Tại cuộc họp báo ngày 19/8, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav cho biết, công ty sẽ tổ chức một cuộc thi thi đối kháng giữa các nhóm hacker tại Việt Nam mang tên “WhiteHat Grand Prix 2014”.

Các đội thi phải thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ gồm tấn công vào hệ thống của đội khác và bảo vệ hệ thống của đội mình trước sự tấn công của các đội khác. Đội nào ghi nhiều điểm trên hệ thống của đối phương, đưa thông tin của mình lên website của đối phương sẽ thắng.

Bên cạnh đó, ở vòng chung kết cuộc thi WhiteHat Grand Prix 2014 sẽ bổ sung thêm một nội dung mới là An ninh hạ tầng, trong đó, các đội thi phải thực hành cấu hành thiết bị mạng, thiết bị security, và muốn làm tốt phần thi này thì phải có kiến thức thực tế.

Đại diện BKAV cho biết, cuộc thi được tổ chức trong bối cảnh tình hình an ninh mạng thế giới vẫn rất phức tạp, thiếu nhân lực an toàn an ninh thông tin. Những nội dung chính của cuộc thi đều là những kiến thức, kỹ năng mà những người làm an toàn thông tin, an ninh mạng đều phải biết và phải tiếp xúc như lỗ hổng phần mềm, dịch ngược, mã hóa, web security… bất kỳ nhân viên an ninh mạng cũng phải tiếp xúc. Đặc biệt, những nội dung mới như thi đối kháng sẽ khuyến khích các bạn trẻ làm trong lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin tăng tính chủ động và kỹ năng ứng phó khi xảy ra các tình huống sự cố an ninh mạng.

Ông Ngô Tuấn Anh cho biết, thực tế an ninh mạng trên thế giới cũng như tại Việt Nam đều đang diễn biến rất phức tạp. Nhiều cuộc tấn công mạng vào các quốc gia như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Pháp... đã gây thiệt hại nặng nề. Tại Việt Nam, liên quan tới vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên lãnh hải Việt Nam đã phát sinh một số vụ tấn công qua lại giữa các hacker Việt Nam và Trung Quốc. Các cuộc tấn công này dù chưa phải quy mô lớn nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo rằng chúng ta cần chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

“Theo kinh nghiệm của Bkav, bên cạnh sự chuẩn bị tốt về nhân lực, trang thiết bị thì việc điều phối ứng phó an ninh mạng cũng là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta có người có thể làm về security, có thiết bị an ninh mạng nhưng trong trường hợp xảy ra sự cố mà không huy động được thiết bị, huy động được con người và không có kịch bản để ứng phó thì toàn bộ hệ thống về con người, thiết bị đó đều không có giá trị. Cần thường xuyên tổ chức diễn tập với kịch bản cụ thể về phương án ứng cứu sự cố an ninh mạng, giống như các cuộc diễn tập về cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy định kỳ thường niên", ông Ngô Tuấn Anh cho biết.

MỚI - NÓNG