> Chiếm dụng đất của Bộ Quốc phòng đem bán
Nhiều bộ ngành đã và đang lên kế hoạch di chuyển trụ sở ra ngoại thành với một nhịp độ khẩn trương nhằm giảm áp lực về dân số, ùn tắc giao thông cho nội thành cũng như hình thành khu hành chính tập trung theo chủ trương của Chính phủ và quy hoạch chung Hà Nội.
Song liệu sau khi các bộ này di chuyển, thì những khu đất vàng trong nội thành sẽ vào tay ai, được sử dụng vào mục đích gì để mục tiêu giãn áp lực dân số, ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô có hiệu quả, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước?
Khác với việc di dời các trường đai học ra ngoại thành: chậm chạp và nhiều vướng mắc thì việc di dời trụ sở các bộ ngành trung ương ra khỏi nội đô đang được thực hiện với một nhịp độ khá khẩn trương và nhận được sự đồng thuận của nhiều bộ ngành liên quan.
Cuối tháng 10 vừa qua, bộ Xây dựng đã lấy ý kiến về việc trình Thủ tướng chủ trương triển khai đầu tư xây dựng mới trụ sở mới của bộ Giao thông vận tải tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Việc chuyển đổi trụ sở tại 80 Trần Hưng Đạo khoảng 8000 m2 lấy trụ sở mới-tòa nhà MITEC tại khu Yên Hòa, Cầu Giấy theo hình thức mua bán, hoán đổi cơ sở nhà đất hiện có.
Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói rằng, có sự nhầm lẫn ở đây, Bộ Giao thông Vận tải không đổi trụ sở hiện tại lấy tòa nhà MITEC. Tuy nhiên, ông Thăng lại không tiết lộ việc di chuyển trụ sở như thế nào. Ông này chỉ nói rằng, Bộ Giao thông Vận tải làm đúng theo chủ trương của Chính phủ và chịu trách nhiệm, nếu có gì sai sót trong việc này, thì chính lãnh đạo Bộ này sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, để có được trụ sở mới là một tòa nhà với quy mô 3 tầng hầm và 21 tầng nổi (khỏang 7.000m2) mà không phải bỏ tiền ra xây dựng, bộ Giao thông sẽ nhượng lại khu đất vàng 80 Trần Hưng Đạo với diện tích hơn 8.000m2 cho Công ty Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành theo hình thức "chìa khóa trao tay". Chứ bộ này không tổ chức đấu giá để lấy tiền xây trụ sở mới như một số cơ quan khác.
Trước đó, bộ Xây dựng cũng thống nhất về chủ trương di chuyển trụ sở hiện nay của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ra khỏi trung tâm Hà Nội. Tuy nhiên, thay vì đổi đất lấy trụ sở mới, thì khu đất gần 20.000m2 tại số 2 Ngọc Hà sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất.
Tương tự, chính bộ Xây dựng cũng xin di dời và trụ sở cũ tại 37 Lê Đại Hành với diện tích hơn 13 nghìn m2 dự kiến cũng sẽ được đấu giá.
Còn nhớ, vào năm 2010, để lấy kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới cho 3 tổng của mình tại Mai Dịch (huyện Từ Liêm), bộ Công an cũng đề xuất và được Thủ tướng đồng ý cho phép bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường của hai khu đất tại số 40 Hàng Bài và 54 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với tổng diện tích hơn 13.300 m2.
Cũng thời gian này, trụ sở của một loạt bộ như: bộ Ngoại giao, bộ Nội vụ, bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã được khởi công xây dựng và chuẩn bị cho việc di dời các bộ này vào những năm tới đây.
Thực ra, việc di chuyển trụ sở các bộ, ngành đã trở thành xu hướng từ khi Hà Nội mở rộng. Nhiều kiến trúc sư và chuyên gia về quy hoạch đô thị nhìn nhận, việc di dời này hoàn toàn phù hợp với định hướng quy hoạch chung Hà Nội vừa được Thủ tướng phê duyệt: những công sở cấp trung ương phải di dời khỏi khu vực nội đô sẽ được xây dựng mới tại Mễ Trì, Mỹ Đình hoặc Tây Hồ Tây, quy mô đáp ứng được yêu cầu làm việc hiện đại, tiện nghi theo mô hình khu tập trung, liên cơ quan. "Tuy nhiên, hai vấn đề quan trọng của quá trình "hậu di dời" là: thanh lý, bán đấu giá các khu đất vàng ra sao và chủ mới sẽ sử dụng nó như thế nào để vừa hợp quy hoạch vừa thực hiện được mục tiêu giảm áp lực dân cư và giao thông. "Bởi thực tế, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã từng di chuyển, ngoài tránh ô nhiễm môi trường thì áp lực về giãn dân và giao thông ùn tắc không những giảm mà còn gia tăng khi chính trên khu đất vàng lại mọc lên hàng chục tòa nhà cao tầng, thậm chí cả khu đô thị mới. Cho nên phải theo quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch", TS Phạm Sỹ Liêm, phó chủ tịch tổng hội xây dựng Việt Nam lo ngại
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói rằng, các vụ việc cụ thể thì ông chưa nắm được song nguyên tắc chung là cả cơ qua di dời đi lẫn chủ mới được trao quyền sử dụng "đều phải tuân thủ quy hoạch".
Cục trưởng Cục Quản lý công sản (bộ Tài chính) Phạm Đình Cường cũng nhìn nhận, chủ trương bán công sở chật chội, không đáp ứng nhu cầu sử dụng là rất tốt. Điều quan trọng là, bên mua lại trụ sở sẽ phải sử dụng khu đất theo đúng quy hoạch. "Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cao cho các cơ quan di dời theo tinh thần quy định 86 của Thủ tướng", ông Cường nói. (Quyết định 86 là quyết định về Quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị - PV). Theo quy định này, toàn bộ số tiền thu được từ vị trí cũ (sau khi trừ các khoản chi phí theo quy định) được sử dụng để hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải di dời để ổn định hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đời sống người lao động và thực hiện dự án đầu tư tại vị trí mới.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, theo ông Cường là việc tránh thất thoát khi cơ quan di dời tổ chức bán, đấu giá các khu đất cũ. "Trong trường hợp này, cần thuê các tổ chức tư vấn định giá độc lập để có đánh giá phù hợp, tránh thất thoát", ông Cường nhấn mạnh.
Theo Nguyên Hà
Vietnamnet