Đất vàng đua nhau biến thành cao ốc

Hàng loạt cao ốc thi nhau mọc lên như nấm tại các nút giao thông trong nội thành Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng loạt cao ốc thi nhau mọc lên như nấm tại các nút giao thông trong nội thành Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trong phiên chất vấn sáng qua tại HĐND thành phố Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trong nội đô là do tăng dân số cơ học, nhất là khi hàng loạt nhà máy sau di dời đã biến thành căn hộ cao tầng tại các điểm nút giao thông quan trọng.

> 'Tăng phí trước bạ ôtô không thể giảm ùn tắc'
> Hà Nội giữ nguyên phí trông giữ xe máy
> Chuyện không của riêng ai

Hàng loạt cao ốc thi nhau mọc lên như nấm tại các nút giao thông trong nội thành Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Hàng loạt cao ốc thi nhau mọc lên như nấm tại các nút giao thông trong nội thành Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhà máy di dời, cao ốc lấp đầy

Những tranh luận, mổ xẻ về nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trong phiên chất vấn sáng qua đã thật sự làm nóng hội trường. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về chống ùn tắc giao thông, Hà Nội đã di dời nhiều nhà máy ra ngoài. Tuy nhiên, sau di dời tại đây đã biến thành hàng loạt các khu căn hộ, văn phòng, khách sạn cao tầng với mật độ dày đặc.

Điển hình như vị trí di dời nhà máy Dệt 8-3 trên phố Minh Khai lại biến thành khu đô thị Times City, Nhà máy công cụ số 1 tại Ngã Tư Sở lại biến thành khu Royal City, nhà máy rượu Hà Nội trên phố Lò Đúc, Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà trên đường Phan Chu Trinh...trong khi từ lâu thành phố đã có chủ trương giảm mật độ dân số nội đô, tăng diện tích đất công cộng?

Cũng theo đại biểu Nam, trong 10 năm qua Hà Nội chưa di dời được bệnh viện, trường đại học nào ra khỏi nội đô. Trong khi đó tại khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai đã mở ra thêm Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Tim mạch; Bệnh viện Việt Đức thêm Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba thêm bệnh viện Mắt và nhiều bệnh viện lớn khác xây dựng thêm các khu cao tầng...Cơ quan nào chịu trách nhiệm cấp phép xây cao tầng, điều chỉnh quy hoạch các khu vực nêu trên và Hà Nội đã kiến nghị gì với Chính phủ về vấn đề này?

Trả lời đại biểu Nam, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi cho rằng, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nhà máy biến thành cao ốc, chung cư vì một là phải tuân theo quy hoạch và hai là giúp các doanh nghiệp di dời có thêm nguồn vốn để xây dựng tại địa điểm mới. Còn sau này khi di dời các trụ sở bộ ngành, cơ quan theo quy hoạch chung sẽ ưu tiên dành đất cho các mục đích công cộng đô thị. Từ 2009 trở lại đây thành phố đã rà soát các dự án nhà cao tầng.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh không thỏa mãn: "Vậy trong 10 năm qua khi di dời nhà máy kèm với việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng có phải đều theo quy hoạch?" Ông Khôi khá chung chung: "Trong Quy hoạch chung Thủ tướng mới phê duyệt, trong 4 quận trung tâm nội thành thì không xây nhà cao tầng nữa".

"Khu vực vành đai 4 đã ken dày các dự án bất động sản, vậy quy hoạch các trường đại học, bệnh viện sẽ bị đẩy ra khu vực nào?" - đại biểu Nguyễn Xuân Diên chất vấn. Theo ông Khôi, nguyên nhân chậm di dời các trường đại học, bệnh viện còn do quy hoạch mạng lưới của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Y tế triển khai chậm.

Phân cấp nhưng thả nổi trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Chưa rõ trách nhiệm trong quản lý lòng đường, vỉa hè

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi-người phụ trách giao thông là chưa giải quyết phần liên quan xử lý trách nhiệm trong quản lý hè đường, vỉa hè. Có những vấn đề liên quan đến vốn, giải phóng mặt bằng nhưng rõ ràng trong chỉ đạo điều hành thực hiện chưa quyết liệt nên các đường vành đai, đường xuyên tâm làm chậm và chưa tốt.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam: Từ 2008 thành phố phân cấp cho các quận, huyện sử dụng hè đường nhưng thực tế đã để cho kinh doanh dịch vụ lấn chiếm tràn lan lòng đường, vỉa hè? Thành phố đã xử lý trách nhiệm của chính quyền cơ sở được giao, phân cấp quản lý về việc này ra sao? Giải pháp lập lại trật tự lòng đường vỉa hè thời gian tới ra sao? Ông Nguyễn Văn Khôi cho hay, thành phố đã giao thanh tra kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường vỉa hè.

Trước những câu trả lời thiếu thông tin và chưa rõ vấn đề của ông Khôi, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt nhắc: "Cần làm rõ trách nhiệm của thành phố khi cấp phép xây nhà cao tầng tại các địa điểm di dời nhà máy và trách nhiệm chính quyền trong việc để lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Ngay từ trước đây Hà Nội đã có chủ trương ưu tiên đất cho mục đích công cộng, vậy thành phố đã kiến nghị gì với trung ương? Không thể phân cấp trách nhiệm quản lý vỉa hè rồi lại thả nổi được"?

Ông Nguyễn Văn Khôi cho rằng, thành phố đã báo cáo Chính phủ và nội dung kiểm soát nhà cao tầng đã được đưa vào Quy hoạch chung. "Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tràn lan, vậy có phường nào, xã nào, quận nào bị xử lý trách nhiệm chưa?" - ông Hoạt hỏi lại. "Xử lý trách nhiệm chính quyền thì chưa, nhưng đã xử phạt 5.450 trường hợp vi phạm" - ông Khôi thừa nhận.

Một số đại biểu cho rằng, địa điểm nhà máy di dời đều nằm ở các nút cửa ngõ giao thông quan trọng vào nội thành nhưng nay đã biến thành các khu đô thị. Riêng dự án Times City có quy mô dân số bằng một phường, dự án Royal City có quy mô không kém một quận.

Dự án tại Nhà máy rượu Hà Nội sau di dời cũng có quy mô đô thị tương đương 1 phường...dẫn đến tăng dân số cơ học, phương tiện đột biến. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông nội đô.

Bế mạc kỳ họp HĐND TPHCM: Giảm 10% tai nạn, ùn tắc năm 2012

Sáng 9-12, tại phiên bế mạc, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội năm 2012 với 30 chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu được quan tâm nhiều nhất là thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm 10% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đồng thời giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông trên 30 phút.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân thay mặt UBND TPHCM nhận trách nhiệm về những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý, điều hành, đồng thời khẳng định sẽ phấn đấu để GDP của thành phố trong năm 2012 tăng trưởng từ 10% trở lên, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, cải thiện dân sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.