Dắt nhau vào tù

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những ngày qua, liên tiếp cha và con, anh và em trong một gia đình bị khởi tố bắt giam với danh nghĩa là những tội phạm kinh tế cộm cán.

Ông Đỗ Anh Dũng chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và con trai là phó tổng giám đốc một công ty con của tập đoàn này vừa bị bắt để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó mấy ngày, ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch Tập đoàn FLC cùng hai cô em gái cũng bị khởi tố bắt giam về tội thao túng thị trường chứng khoán. Cựu chủ tịch Tổng công ty 3/2 ở Bình Dương cùng con gái và con rể hồi tháng trước trở thành bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại doanh nghiệp này mà khung hình phạt của tội danh tới mức tử hình. Hai năm trước là trường hợp cha con ông Trần Bắc Hà,... Những cuộc hội ngộ tương tự trước vành móng ngựa của những "gia tộc" kiểu này có lẽ còn chưa dừng?

Xót xa, vì hậu duệ ấy, có người còn chưa đầy 30 tuổi lại có thực lực học hành giỏi giang ở nước ngoài, thừa khả năng có con đường đi riêng để tạo lập sự nghiệp riêng. Nay lại "dính chùm" với cha với anh để rồi sẽ ra tòa về cùng một tội danh.

Nhớ lại chỉ mấy năm trước, con cái nhiều quan chức dù tuổi tác còn măng sữa đã được vù vù bổ nhiệm, thăng chức tót vời, sau đó thay nhau bị kỷ luật "rớt đài" một cách đau đớn. Cái kịch bản bổ nhiệm "đúng quy trình" đã không qua được các cơ quan giám sát và tai mắt của nhân dân. Nay chuyện ấy vợi hẳn, lại chuyển sang cảnh cha con dắt nhau trở thành tội phạm kinh tế.

Để nghĩ về những người trẻ. Với trình độ học hành, nhận thức bài bản và có thực lực, không khó để hiểu việc làm của cha của anh mình, từ chiêu thức kinh doanh làm ăn, cho đến việc vẽ ra quy trình bổ nhiệm thần tốc đều rất có vấn đề. Việc đối diện với pháp luật hoặc kỷ luật chỉ là vấn đề thời gian. Vậy tại sao họ không từ chối, để chọn con đường đi sáng sủa cho mình? Cũng như với bậc phụ huynh kể trên, với độ lão luyện trường đời, và rõ hơn ai hết về những việc làm rất gần với nhà tù của chính mình, cũng đều hiểu không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ", sao lại sẵn sàng lôi hết những người thân thiết nhất của mình cùng vào vòng lao lý?

Có không ít lý giải về điều này. Như cho rằng với kinh tế tập đoàn mô hình gia đình sẽ không dám tin tưởng người ngoài, mà chỉ có thể huy động con cái, anh em làm "sân sau". Rằng tham sân si khiến ai cũng mờ mắt, rằng nhiều tiền bạc, lắm quan hệ nên nghĩ không ai làm gì được mình, rằng con cái luôn lấy cha, anh làm "thần tượng" để học theo,...

Không phải ngẫu nhiên các tỷ phú nổi tiếng phương Tây luôn "gạt" con cái của mình ra khỏi quyền lực và tiền bạc của gia đình. Không phải ngẫu nhiên chủ một chaebol (tập đoàn gia đình) lừng lẫy của Hàn Quốc từng tuyên bố sẽ không "truyền ngôi" cho con cái. Tất nhiên đó là sau khi lần lượt cả cha và con chaebol này đều đã dính vào tù tội.

Những câu hỏi vì sao nêu trên hẳn nhiên sẽ khó có lời giải đáp thấu đáo. Nhưng có lẽ trên hết là do quán tính/quan niệm một thời gian dài pháp luật còn lơi lỏng, rằng hễ có tiền có quyền là "không ai làm gì được mình" chăng?

MỚI - NÓNG