Đất đai và văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Có lẽ hiếm một bộ luật nào sửa đổi mà thu hút được nhiều ý kiến góp ý như Luật Đất đai. Nghe tin Quốc hội thảo luật về Luật Đất đai sửa đổi, một nhà sư tu trên núi cao cũng nhắn tin với tôi, nói rằng: “Thầy muốn góp một vài ý kiến!”.

Theo các con số chính thức, đến nay các cơ quan chức năng đã tổng hợp được khoảng 11,6 triệu lượt ý kiến đối với 8 nhóm vấn đề lớn được quan tâm xung quanh Luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có gần 1,16 triệu ý kiến. Vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cũng nhận được hơn 1 triệu ý kiến. Về tài chính đất đai, giá đất cũng có đến gần triệu ý kiến…

Nhà sư nói với phóng viên: “Thầy muốn góp ý rằng Luật Đất đai sửa đổi phải hướng làm sao giải phóng được tiềm lực của đất đai, thay vì chỉ chú trọng đến quản lý, nhiều khi nặng về trói buộc đất đai mà một vài nơi vẫn thường quen làm”.

Nhà sư ví dụ cho tôi: “Chùa của thầy có miếng đất, không rộng lắm, nếu canh tác theo kiểu xưa thì chẳng đủ rau đậu ăn, nên quyết định đầu tư trồng rau thủy canh. Nhưng khi đi làm thủ tục, chùa không được cấp phép, lý do làm nhà thủy canh là xây dựng công trình xây dựng hiện đại, kiên cố, kèm theo nhiều máy móc hiện đại trên đất nông nghiệp, không phù hợp với quy định chung. Mãi về sau, chùa được cấp phép nhưng chỉ được làm thủy canh trong 5 năm thôi, vậy sau đó thì dỡ công trình hay sao?”.

Gia đình nhà chị Bé, ở Đồng bằng sông Cửu Long, có 8 sào đất tốt, trồng cây, nuôi thủy sản đều triển vọng, chỉ tội là miếng đất quá xa nhà. Chị Bé nói: “Nhà chúng tôi ở xa ruộng, khi hoa trái tới mùa bị người ta ra hái trộm hết, nuôi trồng thủy sản bị họ tháo nước bắt không còn con gì. Bố mẹ chúng tôi ở trong làng xa, muốn ra ruộng trông nom canh giữ thì phải làm nhà, phải có chỗ nấu ăn, nghỉ lại đêm, rồi phải kéo điện, kéo nước ra ruộng. Nhưng, địa phương nói trên đất nông nghiệp không được làm công trình kiên cố, gia đình đành bỏ hoang. Con cái kéo lên thành phố, trai làm phu hồ, gái làm hớt tóc đã chục năm nay rồi”.

Dù rằng nhiều nơi xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất nông nghiệp, xây nhà, phân lô để bán kiếm lời, song đó là thiểu số và có sự buông lỏng, tiếp tay của một vài cán bộ địa phương. Trong thực tế, nhiều hộ, nhóm, hợp tác xã… rất cần được phép xây dựng các công trình hỗ trợ để phát triển nông nghiệp trong thế kỷ 21. Rõ ràng ngày nay, người ta không thể hiện đại hóa nông nghiệp bằng các lều lán tạm bợ giữa ruộng đồng đang hứng chịu sự khắc nghiệt của thiên tai do nước biển dâng, ngập mặn, biến đổi khí hậu.

Nhiều người thành phố cũng tham gia góp ý cho Luật Đất đai sửa đổi. Khác với nông thôn có đất ở và đất canh tác, người thành phố chỉ có nhà ở (hiện nay chủ yếu là căn hộ chung cư). Trước đề xuất về việc quy định sở hữu chung cư có thời hạn, nhiều người góp ý không đồng tình. Cô Phương, đến ba thế hệ sống trong một chung cư, nói: “Chúng tôi chỉ có căn hộ để lại cho con cháu, nếu mình chết mà chung cư cũng hết thời gian sở hữu thì con cháu nương tựa vào đâu. Theo văn hóa truyền thống của chúng ta, người sống và thậm chí cả người chết nữa, cũng cần có một mái nhà để đi về”.

Một kiến trúc sư nói: “Của bền tại người. Ở châu Âu có những chung cư tồn tại hàng trăm năm, vậy quy định thời gian sở hữu cụ thể sẽ bất cập. Một thành phố đẹp về văn hóa thường có các công trình cổ, càng cổ càng tốt, và điều đó phụ thuộc vào kỹ thuật duy tu, bảo dưỡng, bảo tồn. Không phải cứ cũ là đập đi hết cả”.

Đất đai với con người, với cộng đồng không chỉ đơn giản là tư liệu sản xuất làm ra của cải vật chất tiền bạc, mà đất đai còn là một yếu tố cốt lõi, sâu sắc, thiêng liêng về văn hóa, về tinh thần dân tộc.

Người ta còn nhớ hình ảnh Bác khi trở về đất nước sau nhiều năm bôn ba hoạt động:

“Biên giới còn xa/Nhưng Bác thấy đã đến rồi/Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.