Đặt đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng mạng tại Việt Nam

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt
TPO - Việc yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam nhằm bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Bỏ quy định đặt máy chủ

Sáng 29/5, Báo cáo với Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với quy định bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam.

Trong đó, có ý kiến cho rằng, quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải “xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật” là không hợp lý.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến không nhất trí với quy định này, vì cho rằng khó bảo đảm tính khả thi, không đúng với thực tiễn, gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên... nên đề nghị nghiên cứu phương pháp quản lý khác cho phù hợp.

Nêu quan điểm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên, ông Võ Trọng Việt cho hay, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam  và một số tổ chức có ý kiến góp ý.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, đồng thời tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số nước  là thành viên của WTO, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chỉnh lý theo hướng, không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Nhưng phải có cơ quan đại diện và lữu trữ dữ liệu người sử dụng

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định như vậy sẽ có những thuận lợi như sau: Một là, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.

Đồng thời bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.

Thứ hai là, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, các Hiệp định cơ bản của WTO ; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay .

Thứ ba là, tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này.

Thứ tư là, bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG