Vùng Nham Biền từ bao đời nay vẫn lưu giữ một truyền tích: Ngày xa xưa, khi trời đất mở mang, ở vùng đất này nổi lên 99 ngọn núi liền thành một dãy, gọi là dãy núi Neo. Trên dãy núi ấy, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội.
Có một vị quân vương muốn chọn đất lập đế đô nên đã tìm về dãy núi Neo xem ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quít nên đức vua cũng hài lòng lắm. Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn, vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo.
Nhìn thấy đàn chim thiêng “tỏ ý” như thế, nhà vua thầm thở dài, biết là vùng đất tuy đẹp nhưng không phải là “cuộc đất” dành làm nơi đế đô nên buộc phải chọn nơi khác.
… thang mộc ấp Thái sư
Nhưng, rất ít người biết rằng chính vùng đất có truyền tích đầy huyền ảo ấy lại nằm trong phạm vi thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ thời nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…Tháng 8 năm Bính Tuất (1226) giáng Huệ hậu (tức vợ vua Lý Huệ Tông) làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, lấy châu Lạng làm ấp thang mộc…”.
Châu Lạng, chính là vùng đất nằm giữa sông Thương và sông Cầu trong đó có dãy Nham Biền và non Vua, thuộc về lộ Lạng Giang. Theo PGS, TS Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), năm 2007, Đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học đã về nghiên cứu thực địa đình Hương Tảo và đền Thanh Nhàn thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng và phát hiện, ngôi đình thờ Thái sư Trần Thủ Độ làm Thành hoàng và có phối thờ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.
Theo tiền nhân truyền lại, một lần, Thái sư về vùng này thấy dân tình khốn khổ vì nạn mãng xà hoành hành đã ra tay diệt trừ giúp dân (Ngày nay, khi tổ chức tế lễ, người dân trong vùng vẫn diễn lại tích chém rắn lớn ngày xưa để tỏ lòng nhớ ơn Thái sư.) Vùng này sau đó lại nằm trong vùng đất thang mộc ấp của Linh Từ Quốc mẫu. Thuở sinh thời, Thái sư cùng Quốc mẫu đã nhiều lần về đây và đền Thanh Nhàn chính là nơi trước kia dựng phủ đệ của hai ông bà, làm nơi nghỉ ngơi mỗi khi về thăm.
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nay mai…
Đặc biệt hơn, vùng Nham Biền từ thời Lý – Trần đã là vùng đất Phật với nhiều chùa như chùa Hang Chàm, chùa Nguyệt Nham, chùa Liễu Đê, chùa Kem v.v…Cách đỉnh Đền Vua 15km về phía Đông Bắc là chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La) thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII – nơi Trúc Lâm Tam tổ từng trụ trì và thuyết pháp, đào tạo tăng ni.
Nhận thấy những giá trị đặc biệt về lịch sử truyền thống, nơi địa linh của vùng đất Nham Biền mà đặc biệt là nơi có hai ngôi đình, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, huyện Yên Dũng và tỉnh Bắc Giang mới đây đã quyết định lập dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trong khu vực núi Đền Vua. Tâm tưởng của nhân dân và chính quyền nơi đây chính là nhằm khôi phục lại tinh thần tu học theo thiền phái Trúc Lâm, tôn vinh giá trị tinh thần Phật giáo đời Trần đã góp phần tạo nên sức mạnh cho dân tộc đánh thắng ngoại xâm.
Ngày 4/8/2011, Đại đức Thích Kiến Nguyệt – trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên Tam Đảo – đã có văn bản sô 177/VT – TVTLTT xin phép các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương cho chính thức hưng công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Ngày 16/9/2011, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản số 800/TGCP-PG trả lời UBND tỉnh Bắc Giang, khẳng định: “ Việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, đồng thời lưu giữ và khẳng định những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân; là việc làm phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc”.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản số 111/CV.HĐTS nêu rõ: “ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn ủng hộ việc xây dựng các cơ sở tự viên Phật giáo để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh Phật giáo cho tín đồ Phật tử, đồng thời lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đạo đức của Phật giáo, của dân tộc.
Đại đức Thích Kiến Nguyệt là tu sĩ sinh hoạt trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đủ điều kiện làm chủ đầu tư, kết hợp cùng các doanh nghiệp, Phật tử và nhân dân địa phương đứng ra tổ chức thi công xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.”
Việc xuất hiện Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân.
Đặc biệt, Thiền viện cũng “nối liền” du khách bốn phương với một hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như Đền Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm và non thiêng Yên Tử…Công trình này có tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng thông qua phương thức xã hội hóa. Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/11 năm Tân Mão (tức ngày 26/11/2011).
Tin tưởng rằng, trong một thời gian ngắn nữa, trên đỉnh dãy Nham Sơn tú khí sẽ sừng sững một ngôi Thiền viện bề thế, uy nghi, góp phần hoàn chỉnh hệ thống du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang, kết nối với hệ thống di tích Tây Yên Tử, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Yên Dũng nói riêng, của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc nói chung.