Đặt cột mốc số 0 ở Hồ Gươm là cần thiết

Hà Nội đang nghiên cứu vị trí đặt cột mốc số 0 ven hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: TTVH
Hà Nội đang nghiên cứu vị trí đặt cột mốc số 0 ven hồ Hoàn Kiếm - Ảnh: TTVH
TPO - KTS Trần Huy Ánh và nhiều chuyên gia đánh giá, phương án kè hồ Gươm bằng bê tông cốt sợi, cùng với việc lát lại vỉa hè, bổ sung cột mốc số 0, sẽ tạo cho hồ Gươm một diện mạo mới, đáp ứng kỳ vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước.

Cột mốc số 0 là việc khó

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Trần Huy Ánh cho biết, bản thân ông và các đồng nghiệp trong Hội Kiến trúc sư rất quan tâm đến việc kè Hồ Gươm. “Ban đầu tôi cũng lo ngại khối nặng, kích thước lớn có thể ảnh hưởng tới các điều kiện kỹ thuật cũng như không đảm bảo yếu tố cảnh quan tự nhiên. Nhưng sau nhiều lần khảo sát, trao đổi, thậm chí tranh luận với các chuyên gia xây dựng, thủy lợi, kiến trúc, môi trường, văn hóa lịch sử... các ý kiến khá thống nhất cho đây là giải pháp phù hợp”, ông Ánh nói.

Liên quan đến việc cải tạo vỉa hè quanh hồ Gươm, ông ánh cho biết, chất lượng đá lát rất tốt về kỹ thuật, mỹ thuật, dày dặn, màu sắc trang nhã, được thiết kế công phu, giám sát thi công thận trọng. Những điều này tạo nên độ bền vững lâu. Ông Ánh cho biết, đã đề nghị Chủ đầu tư cần tiết kiệm, tận dụng các khối đá cũ, trân trọng tài sản chung, cần lập hồ sơ quản lý tài sản điện tử ngay từ lúc thi công, ứng dụng công nghệ để quản lý, duy tu công trình.

Về công trình cột mốc số 0, ông Ánh cho biết, đây là một công việc khó, đã nhiều lần đưa ra bàn thảo nhưng chưa làm được. Hiện nay, đang trong thời điểm thi công lớn quanh Hồ Gươm, cũng cần xác định quy mô hình thức để chuẩn bị hạ tầng cho đồng bộ. Quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam , Hội Di sản Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế... triển khai cuộc thi.

Đặt cột mốc số 0 ở Hồ Gươm là cần thiết ảnh 1 KTS Trần Huy Ánh

“Cá nhân tôi cho rằng thời điểm này là cần thiết tổ chức cuộc thi. Các tổ chức cá nhân tham gia, nêu ý tưởng đều quý, với mong muốn chọn được tác phẩm hay ý tưởng giá trị nhất”, KTS Trần Huy Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, chưa bao giờ Hồ Gươm được đầu tư bài bản, giá trị đầu tư lớn và giải quyết nhiều tồn tại như vậy. “Hy vọng sẽ đạt được kết quả tối ưu. Tôi hy vọng Chủ đầu tư lắng nghe những ý kiến đóng góp một cách chân tình, hết lòng, hết sức vì Hồ Gươm không chỉ là một khối vật chất tầm thường mà là nơi gửi gắm, hy vọng, là bộ mặt của Hà Nội và của cả nước”, ông Ánh lưu ý.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Hoàng Đạo Kính cũng đồng tình với phương án xây dựng cột mốc số 0 đặt cạnh Hồ Gươm.

“Tôi rất ủng hộ quận Hoàn Kiếm đầu tư có cân nhắc, có chiều sâu vào việc chỉnh trang phố xá. Cái đẹp ở khu vực phố cổ, phố cũ, ở khu trung tâm nên thể hiện ở sự kỹ càng, cẩn thận, chu đáo. Ở đây không hy vọng cái gì kỳ vỹ , lộng lẫy. Trên cái gì có sẵn thì nên làm có ý tứ, cân nhắc. Cũng như cuộc thi làm cột mốc số 0, đó cũng là cách làm thận trọng. Kể ra có thể giao cho một ai đó, một hai tổ chức thiết kế rồi lựa chọn. Nhưng làm một cuộc thi là một cách làm rất cầu thị, thận trọng. Cột mốc số 0 không phải là tượng đài, cũng không phải là cột cây số trên đường quốc lộ. Đây là cột đặt ở giữa trái tim của thủ đô, đặt ở bờ hồ, nên mang ý nghĩa sâu xa, mang ý nghĩa biểu tượng dù rất khiêm tốn. Nên chọn một hình ảnh nào đó nó không xa lắm với hình ảnh cột mốc cây số, nhưng nó vẫn phải có ý nghĩa biểu tượng”, ông Kính tư vấn.

Đặt ở đâu?

Bày tỏ quan điểm về việc xây dựng Cột mốc số 0 ở Hà Nội, KTS Nguyễn Luận cho rằng, với hệ thống cảnh quan hiện tại, phần đông các nhà chuyên môn chọn vị trí ở Quảng trường Tượng đài Lý Thái Tổ. Thuận lợi ở không gian rộng thoáng và hiện đại, khách du lịch dễ tiếp cận. Nhưng Cột mốc phải nằm trong không gian quảng trường, và chắc phải nằm ở trục ảo trực đạo đối diện với tượng Lý Thái Tổ. Cột mốc là một vật kiến trúc dù không lớn, đặt trong quảng trường, trực đạo với Tượng đài Lý thái Tổ, và được đặt sau khi quảng trường đã hình thành tạo cảm giác “không sạch” cho quảng trường, không đua điểm nhấn cảnh quan với tượng Vua Lý được, khó tạo phông cho biểu tượng cột mốc; và điều không hay là “Biểu tượng chồng biểu tượng”.

Ông Luận cho rằng, nếu liên kết Cột mốc với hình ảnh của Bác Hồ là một liên tưởng tuyệt vời. “Điều này có được ở vị trí bây giờ là chiếc đồng hồ hoa, ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng, trước đây là Quán hoa Bờ Hồ. Ở vị trí này, toàn phần tự nhiên, thuận lợi cho việc kiến tạo điểm nhấn và tư duy hình tượng khi sáng tạo hình ảnh Cột mốc. Đặc biệt ở đây có một phông rất ý nghĩa cho Cột mốc, đó là bức tranh Bác Hồ bế em bé, có tiêu đề “Độc Lập – Thống Nhất – Hòa Bình – Hạnh Phúc” đã tồn tại hơn 40 năm qua của họa sĩ Trần Tử Thành. Độ tinh tế của một biểu tượng không chỉ là tự thân của hình tượng mà phông cảnh quan làm tăng thêm rất nhiều giá trị của biểu tượng, phông cảnh quan là bà đỡ của biểu tượng. Ở một góc cảnh quan nào đó khi lên ảnh, Cột mốc gắn liền với hình ảnh Bác Hồ bế em bé, là một liên cảnh tuyệt vời.

Trong khi đó, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, “Km số 0” vốn là một thuật ngữ của quy hoạch đô thị phổ biến của các nước phương Tây. Đó là tọa độ xác định điểm khởi đầu hệ thống giao thông đường bộ, điểm đi của đô thị đó tới những nơi khác và cũng là điểm từ các nơi khác đến để tính độ dài quãng đường. Theo ông Quốc, Tổng trú sứ Paul Bert là người đầu tiên triển khai chủ trương quy hoạch đô thị Hà Nội theo phương cách châu Âu và lựa chọn không gian đầu tiên để chỉnh trang là khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Nhờ vậy, khu vực quanh Hồ Gươm đã trở thành trung tâm của thành phố, tạo điểm xuất phát cho việc mở rộng về phía Đông là khu “phố cổ” 36 phố phường và xây mới phía Nam hồ (nay là trục Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ).

Đặt cột mốc số 0 ở Hồ Gươm là cần thiết ảnh 2 Nhà sử học Dương Trung Quốc

 Về việc xác lập vị trí đặt Cột mốc số 0, ông Quốc cho rằng, nên lưu ý thêm về nơi đặt bức tượng Paul Bert trước đây là cửa Tòa thị chính, nay là trụ sở UBND Thành phố, khi đó mở cửa chính về phía đường Lê Lai chứ không phải phía đường Đinh Tiên Hoàng như ngày nay. Và điểm đặt tượng nhìn sang phía đối diện là cửa Nhà Giây Thép (Bưu điện), 2 kiến trúc thường được coi là tiêu biểu nhất trong cấu trục đô thị, luôn được coi là trung tâm của thành phố và thường được xây dựng sớm nhất. Cũng cần nói thêm là chính tại điểm này, trước đó, trong một thời gian rất ngắn nó được sử dụng làm nơi đặt tạm bức tượng “Bà Đầm Xòe”, tên gọi dân gian bức tượng “Nữ thần Tự do” của Pháp tặng Hoa kỳ.

“Cho đến nay, ta chưa tìm thấy trong lưu trữ của người Pháp để lại, tài liệu nào xác định “Km số 0” của Hà Nội. Nhưng vị trí đặt tượng người khởi đầu cho việc xác lập và xây dựng thành phố Hà Nội lại rơi vào tọa độ thường thấy tại nhiều thành phố hay Thủ đô của thế giới luôn là ở vị trí phía trước Tòa thị chính hay Nhà Bưu điện. Đương nhiên có nhiều nơi đặt ở các vị trí khác như Paris đặt trước Nhà thờ Đức Bà hay Washington đặt dưới vòm Tòa Nhà Quốc hội trên đồi Capitol…”, ông Quốc nói

Ông Quốc cũng cho rằng, ngoài chọn địa điểm thích hợp thì cũng cần bàn tới cách thể hiện Cột mốc số 0. Số đông đều nhất trí cách thể hiện phải gây ấn tượng nhưng cũng lưu ý tránh dựng nên những hình khối kiến trúc mới quy mô không cần thiết tại một khu vực muốn bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và lịch sử nhiều hơn. Nhưng khá phổ biến trên thế giới, theo tôi biết, là nên thể hiện trên mặt phẳng để người ta dễ liên tưởng đến ý niệm “đã đặt chân tới” của du khách.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).