Đất cát sinh… chạch vàng

Đất cát sinh… chạch vàng
Vượt qua nỗi đau gia đình tan vỡ, vượt qua cái nghèo, cái khó để tìm đường đến với giảng đường đại học, nhưng khi đã đỗ thủ khoa Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, Lê Minh Thắng lại không biết lấy đâu ra tiền nhập học.

Ước mơ vào đại học của em có nguy cơ “đứt gánh giữa đường”…

Phận nhà nghèo

Nhà của Thắng ở xóm Hòn Tượng B, thôn Thọ Tân Bắc, xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách Quy Nhơn chừng 60 cây số.

“Ở vùng quê cát trắng này, quanh năm chỉ trông chờ vào mỗi cây điều. Nhưng 2 năm rồi điều mất trắng, đã nghèo càng nghèo thêm, chẳng có ai giúp đỡ nhau được cái gì.

“Thắng thủ khoa” ở đâu à? Có khi nó ở với ông bà nội ở Trường Tiểu học Nhơn Tân, có khi ở căn lều trong vườn điều của Hợp tác xã Nhơn Tân, hay nó đã theo cha đi phụ hồ ở Gia Lai cũng nên. Ba mẹ ly dị hơn 5 năm nay, Thắng và em gái ở với ông bà nội từ đó”, ông Hà Văn Năng, cán bộ UBND xã Nhơn Tân ngậm ngùi kể với chúng tôi.

Theo lời ông Năng, chúng tôi tìm đến Trường Tiểu học Nhơn Tân - nơi ông nội của Thắng, ông Lê Đức Hùng (78 tuổi), đang làm người giữ trường. Ông Hùng đã đi làm đồng, chỉ có bà Trần Thị Ngư (vợ ông) đang ở trong căn lều lụp xụp cạnh trường.

Không cầm được nước mắt, bà Ngư kể chuyện về đưa cháu nội: “Nhà có 3 sào ruộng cạn, hai ông cháu cùng làm kiếm cơm qua ngày. Vợ chồng tôi làm bảo vệ trường, mỗi tháng kiếm được khoảng 150.000đ lo mua thức ăn. Tiền của ba nó gửi về để dành lo chuyện học phí.

Lúc bánh mì còn 1.500đ/ổ, chúng tôi cho nó 2 ngày một ổ, nhưng khi bánh mì lên 2.500đ/ổ thì phải 4 ngày mới có. Nhưng nó chẳng ăn đâu mà để dành mua mắm muối phụ tôi. Nó học ở Trường THPT An Nhơn 3, cách nhà 5 cây số, 6g sáng phải đạp xe đi học rồi vậy mà bụng thì luôn nhịn đói.

Có những buổi trưa đi học về, không có đồ ăn, nó ra vườn hái chuối non vào xào ăn tạm… Khi nghe tin nó đỗ thủ khoa, ai cũng mừng nhưng rồi lại lo. Mấy hôm nay, giữa đêm, ông nội nó cứ thức giấc ngồi thở dài…”.

Con đường đất ngoằn ngoèo, qua những ao cá rồi chạy sâu vào vườn điều của HTX Nhơn Tân, nhà của Thắng lọt thỏm giữa vườn. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là căn lều nhỏ, rộng chừng hơn 10m2, thấp lè tè, nóng đến khô người.

Góc học tập của Thắng là chiếc bàn tròn cùng vài ba tập sách, cạnh đó là chiếc gường cũ kỹ chiếm hết nửa căn nhà. 5 năm nay, Thắng đã ở một mình trong căn nhà này, em gái ở với ông bà nội.

Bà nội Thắng cho biết: Khu vườn điều này là của HTX, chúng tôi chỉ được phép ở tạm để trông coi. Nhưng 2 năm gần đây, điều mất mùa, HTX đang tiến hành thanh lý vườn điều này, chúng tôi sắp thành những kẻ không nhà.

Đất cát sinh… chạch vàng ảnh 1

Lê Minh Thắng và ngôi nhà của mình tại vườn điều của HTX Nhơn Tân

 

Tiền đâu lo học phí?

Nhận được tin con mình đã đỗ thủ khoa Trường ĐH GTVT cơ sở 2 TPHCM, anh Lê Văn Hưởng (bố của Thắng) đang làm thợ hồ từ Gia Lai tức tốc về nhà. Những ngày qua, anh Hưởng tìm liên hệ với bạn bè đồng hương đang làm thợ hồ ở TPHCM để tìm cho mình một việc làm tại đó.

Anh quyết tâm theo Thắng vào thành phố để làm nuôi con ăn học. Ngồi nói chuyện với chúng tôi về đứa con trai của mình mà anh Hưởng mãi suy tư, trong đôi mắt anh (và trong cả đôi mắt của Thắng) đậm nét u buồn.

Anh Hưởng kể: “Thắng là đứa có chí trong học tập. Từ năm học lớp 8, hai anh em Thắng đã sống thiếu tình thương của mẹ. Nó bị “sốc”, đang là học sinh giỏi của trường rớt xuống học sinh tiên tiến cho đến bây giờ. Từ năm lớp 8, nó đã làm thay việc bố mẹ chăm sóc em gái, làm ruộng đồng giúp ông nội, vậy mà nó chăm học lắm.

Lúc đầu, cháu có ước mơ thi ĐH Y khoa TPHCM nhưng sợ không đủ tiền theo học nên chuyển sang thi vào ngành giao thông vận tải. Nghe nó đỗ thủ khoa mà tôi cứ tưởng như mình đang nghe chuyện cổ tích”.

Không có điều kiện cùng bạn bè lên thành phố ôn thi, Thắng “ẩn mình trong lều” để “dùi mài kinh sử”. Bạn bè trong lớp đến nhà chơi thường trêu Thắng là “ẩn sĩ cô đơn, trốn đời luyện công”.

Đạt được 24,5 điểm trong kỳ thi đại học là một thành tích đáng nể nhưng Thắng vẫn rất khiêm tốn: “Em chỉ nghĩ mình sẽ trên điểm sàn nhưng không ngờ là đạt đến mức điểm như thế. Chắc là do may mắn thôi.

Trong quá trình ôn tập, em cứ tập trung học thật vững lý thuyết, đi sưu tầm và xin các đề thi của mấy năm trước về giải thật nhiều, từ đó tìm ra cách giải nhanh và các phương pháp giải các dạng toán khó…”.

Khi chúng tôi hỏi về những chuẩn bị để bước vào giảng đường đại học, không khí trong nhà bỗng chùng xuống nhưng Thắng khẳng định: “Em sẽ học chứ, mình con nhà nghèo, nếu không học làm sao đổi đời. Khi vào Sài Gòn, em sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học tập và gửi tiền về phụ giúp ông bà nội”.

Anh Hưởng cũng động viên Thắng rằng: “Vào được giảng đường đại học đâu có dễ dàng gì, khi đã đậu làm sao không theo học được! Khi vào TPHCM, bố sẽ làm việc nuôi cho con học tập đường hoàng…”.

Tiễn chúng tôi ra về, anh Hưởng tâm sự: “Một đời cha đã là người thất bại (anh Hưởng đã đỗ tốt nghiệp THPT nhưng không có điều kiện học đại học) thì chỉ còn cách lo vun vén cho con.

Vừa rồi nói “cứng” cho nó yên tâm chứ thật tình tôi cũng lo lắm. Ngày làm giấy nhập học cũng đã đến gần mà  trong nhà cũng chẳng được mấy đồng...”.

Theo Hoàng Trọng
Sài Gòn giải phóng

MỚI - NÓNG