Đặt bẫy người nghèo

Đặt bẫy người nghèo
TP - Nhiều lao động từ các miền quê nghèo bỗng dưng mất một lượng tiền quá lớn vì một giấc mơ đi lao động. Khi phát hiện mình bị lừa thì tiền của họ đã chuyền qua tay nhiều cò. Không ít người phải li tán gia đình, anh em bất hòa vì sức ép của khoản nợ khổng lồ đang lãi mẹ đẻ lãi con.

Sau hai tháng chờ đợi tại Indonesia, 21 lao động mới tin giấc mơ sang Úc làm giàu đã tan tành. Họ về nước cùng nỗi bức xúc và lo lắng tột độ. 

Đặt bẫy người nghèo ảnh 1
Ảnh minh họa

Dại

Tháng 3/2009, một nhóm lao động quê Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Bắc Ninh… được một số người quen cho biết, có chương trình sang Úc tìm việc làm theo đường riêng, hợp đồng từ 3 đến 5 năm, lương khoảng 2.000 USD/tháng, chi phí trọn gói 22.400 USD/người. Nghe vậy, một số lao động thế chấp nhà, đất… vay ngân hàng nộp cho người quen, nhờ làm thủ tục xuất ngoại.

Số tiền chi phí lao động nộp thông qua cò tới bốn khâu mới được người cao nhất trong quy trình này (người lo thủ tục xuất ngoại) cung cấp cho lao động hợp đồng, cam kết… sẽ ký với một Cty có trụ sở tại Jakarta (Indonesia). Rồi người này hứa từ Cty Indonesia lao động sẽ được đưa sang Úc theo Chương trình du lịch tìm việc làm.

Giống tên gọi của chương trình này, visa cấp cho lao động cũng là visa du lịch. Lao động có thắc mắc nhưng được các cò giải thích rằng, phải đi bằng đường du lịch vì Úc không tiếp nhận qua kênh xuất khẩu lao động. Sang Úc sẽ có người lo công ăn việc làm, sau đó sẽ làm thủ tục cấp thẻ xanh.

Trên thực tế đã có một số người sang Úc theo đường này và đang ăn nên làm ra, tiền gửi về xây nhà cao cửa rộng. Lao động nghe và chấp nhận để các cò làm thủ tục xuất ngoại. Theo cam kết của những người lo vụ này, nếu không đi được sẽ trả lại tiền cho lao động.

Cuối tháng 3/2009, tất cả 21 lao động được đưa sang Indonesia. Tại đây lao động tạm lưu trú thời gian ngắn để Cty có trụ sở tại Jakarta, Indonesia làm thủ tục đưa họ sang Úc du lịch tìm việc làm. Thế nhưng, số lao động này phải đợi hai tháng tại đây.

Thấy bất ổn, một số lao động gọi điện về Việt Nam cầu cứu những người đã đưa mình đi. Khi lao động hết kiên nhẫn chờ đợi và có một số hành động thiếu kiềm chế, một người ở Hà Nội (tham gia đưa lao động sang Indnesia) bay sang Indonesia đưa số lao động này về nước.

Lý do lao động không đến được Úc theo giải thích của một nhân vật quan trọng trong vụ này là, người làm thủ tục xuất cảnh đã làm mất 21 hộ chiếu của lao động tại Indonesia.

Về nước, lao động đòi cò trả tiền. Nhưng qua cả chục lần hứa và thất hứa, đã sáu tháng trôi qua lao động vẫn chưa nhận lại số tiền đã nộp. Trong khi đó tại ngân hàng khoản tiền khổng lồ ấy đang đẻ lãi đều, còn lao động thì tiếp tục hao hụt tiền và sức lực khi phải thường xuyên đi từ quê ra Hà Nội để đòi tiền theo lời hứa của các cò.

Đặt bẫy người nghèo ảnh 2
Đặt bẫy người nghèo ảnh 3

Xã hội đen?

Rất khó khăn chúng tôi mới gặp được một số lao động trong nhóm. Điều bất ngờ là thái độ dè dặt, lo lắng bất an của một số lao động khi tiếp xúc với phóng viên. Họ từ chối nêu danh tính những người liên quan. Ban đầu chúng tôi nghĩ, có lẽ họ sợ báo chí vào cuộc thì một số người liên quan sẽ được cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm (có thể bị bắt) khiến việc đòi lại tiền sẽ khó khăn hơn. Nhưng còn có một lý do khác, khiến lao động lo lắng.

Đại diện cho một số lao động nói rằng, họ (những người liên quan đường dây) không ngại dùng võ xã hội đen để dằn mặt. Một người nhận tiền lo cho lao động (người này chỉ nhận tiền và chuyển cho người khác) nhận ra sai lầm nên tìm đến báo chí nhờ can thiệp mong đòi lại tiền cho lao động, sau khi phóng viên Tiền Phong vào cuộc đã hốt hoảng điện thoại: “Báo chí đã đánh động họ rồi, nghe nói nếu vỡ chuyện họ sẽ giải quyết chúng em đấy. Đừng làm lộ tên chúng em…”.

Phóng viên Tiền Phong đã gặp hai lao động có máu mặt nhất trong nhóm tại một quán cà phê trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội), nhưng họ nói chuyện rất dè dặt rồi, hẹn “sáng mai chúng em sẽ lên cơ quan kể hết với các anh”. Nhưng cuối cùng họ không đến.

Một số người làm môi giới bị lao động dọa giết, đập phá nhà đã dạt ra Hà Nội lánh nạn và âm thầm đi đòi tiền cho lao động. Còn lao động thì cũng không có tiền trả lãi, bỏ ra Hà Nội ăn nằm ở đây đợi tin từ người môi giới. Họ đã đợi nửa năm qua.

Một người môi giới hợp tác với báo chí (như đã nói ở trên) chua chát: Rất lạ là sau mỗi lần gặp, mỗi lần hẹn là lao động lại nghe lời hứa của các nhân vật đang cầm tiền của người lao động.

“Họ hứa nhiều lần rằng sẽ trả tiền, nhưng đều thất hứa. Tôi đã nhiều tháng nằm ở Hà Nội, chưa một lần về nhà mà vẫn chưa lấy được tiền cho lao động. Tôi sẵn sàng hy sinh (nếu bị công an triệu tập) để đòi lại tiền cho lao động. Nhưng chỉ ngại là vì chưa đòi được tiền mà một số lao động đến đập phá nhà tôi, mặc dù tôi không cầm đồng nào của lao động nữa. Tiền tôi nộp hết lên trên rồi (tức là người chịu trách nhiệm cao nhất đưa lao động sang Úc). Mấy lao động tôi nhận giúp đều là người quen cả. Xét cho cùng tôi và anh em cũng là nạn nhân. Tình cảm cũng tan nát hết rồi” -  Người này giãi bày.

Đề nghị xác minh Cty tại Indonesia

Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra một Cty liên quan việc đưa người sang Úc (ký hợp đồng trực tiếp với lao động) có trụ sở tại Indonesia là: PT.TUMPUAN JAYAPERSADA ABADI (điện thoại: 02518220323, địa chỉ JL.SMA48 No.40 Pinang Ranti Rt.12 RW.01 Jakarta Timur 13560. Người đại diện Cty này ký hợp đồng với lao động là ông SYAHRIL BACHRI NASUTION, người Indonesia, số hộ chiếu P629844.

Việc kiểm tra này sẽ xác định hai thông tin quan trọng. Một là, nếu không có thực tên người đại diện và Cty kể trên thì qua đó khẳng định cò mồi ở Việt Nam đã sản xuất giấy tờ giả, nhằm lừa lao động.

Hai là, nếu có chuyện Cty này ký hợp đồng với lao động đưa sang Úc tìm việc làm theo đường du lịch thì cũng cần can thiệp để xem xét trách nhiệm với lao động khi sự cố xảy ra. Hơn nữa cần làm rõ việc Cty Indonesia liên kết với một số cá nhân trong vụ này như thế nào.

Có nhiều người liên quan nhưng hai nhân vật được lao động cho là quan trọng quyết định việc đưa lao động sang Úc (có tên trong một số giấy tờ biên nhận tiền) là ông Dương Hoài Châu (số chứng minh nhân dân: 011809737, do Công an Hà Nội cấp ngày 17/4/2006) và bà Vũ Thị Thanh Thương (thường trú tại ngõ 126/62 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội). Dưới hai người này còn nhiều người nữa…

Khi được cung cấp hồ sơ, thông tin vụ việc này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, hiện chưa có Cty Việt Nam nào được phép đưa lao động sang Úc. Việc làm của một số cá nhân trong đường dây này là bất hợp pháp, nguy hiểm cho chính sách xuất khẩu lao động, cần được xử lý nghiêm. “Chúng tôi sẽ đề nghị công an vào cuộc làm rõ”-  Vị cán bộ này cho biết.

Tiền Phong sẽ chuyển hồ sơ vụ việc đến CA TP Hà Nội.

Tòa soạn Tiền Phong công bố số điện thoại phục vụ điều tra vụ việc này. Nếu lao động có hoàn cảnh tương tự nêu trong bài báo hãy gọi về số điện thoại: 01277082950 để cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra vụ việc. Có như vậy lao động mới có cơ hội đòi lại được số tiền đã nộp cho các cò.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG