Số ca mắc bệnh và tử vong đều giảm
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ đầu năm đến nay toàn thành phố có 1.253 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 365/484 xã phường của 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó số trẻ dưới 5 tuổi chiếm 58,1%; trên 15 tuổi chiếm 32,4%.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội từ ngày 26/3 đến 11/4, dịch sởi đã đạt đỉnh và đang giảm. Riêng ngày 26/3 có số bệnh nhân mắc sởi cao nhất với 27 trường hợp và từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 14 trường hợp tử vong do sởi phân bố ở 11 quận, huyện.
“Trong 3 ngày gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện Trung ương và Bệnh viện Hà Nội có chiều hướng giảm. Đặc biệt, từ ngày 14/4 đến nay không ghi nhận thêm trường hợp tử vong do sởi”, ông Hiền cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, TP Hà Nội đang quyết tâm khống chế dịch bệnh.
“Cuối buổi chiều hằng ngày, Sở Y tế đều phải báo cáo với lãnh đạo UBND TP về diễn biến bệnh sởi trên địa bàn để từ đó có chỉ đạo cụ thể. Ngoài ra, hằng ngày chúng tôi cũng yêu cầu Sở Y tế phải nắm rõ số lượng bệnh nhân trên địa bàn vào các bệnh viện Trung ương điều trị”, bà Ngọc nói.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho biết, đến nay Hà Nội đã quyết định chi 75 tỷ đồng để mua thuốc, nguyên vật liệu, máy móc để phục vụ cho công tác điều trị và phòng chống dịch.
San tải vì lo lây chéo
Sau khi thị sát tình hình tại một số bệnh viện và nghe UBND TP Hà Nội báo cáo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dịch sởi trên địa bàn Hà Nội nặng nhất trong cả nước vì chiếm 1/3 số ca mắc và trên 50% số bệnh nhân tử vong.
“Trong 4 tuần gần đây dịch sởi ở Hà Nội có xu hướng giảm và 2 tuần lại đây không có tử vong. Như vậy có nghĩa là dịch bệnh ở Hà Nội tương đối lắng dịu”, bà Tiến đánh giá.
Lãnh đạo một số bệnh viện cho rằng, một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở bệnh nhân mắc sởi nặng tập trung ở bệnh viện nhi Trung ương là do lây nhiễm chéo chứ không phải trực tiếp do vi rút sởi. Hiện nay, một số bệnh viện của Hà Nội đang tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi Trung ương để giảm tải.
“ Việc 3 cháu nằm một giường rất dễ dẫn đến lây chéo. Vấn đề sàng lọc cần phải bác sĩ thật tốt để phân loại bệnh nhân nào cần điều trị tại nhà, bệnh nhân nào điều trị tại bệnh viện và phải tiếp tục san tải bệnh nhân cho các bệnh viện”, một vị cán bộ cho biết.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, những bệnh nhân nhẹ thì chuyển về các bệnh viện của Hà Nội điều trị, bệnh nhân nặng thì chuyển về Bệnh viện lớn như Xanh Pôn; Nhi Trung ương...