Phú Yên:

Đập dâng xây xong, đồng ruộng vẫn thiếu nước

Đập dâng xây xong, đồng ruộng vẫn thiếu nước
TP - Đầu năm 2001, bằng nguồn ngân sách cấp, UBND huyện Đồng Xuân đã đầu tư gần 800 triệu  đồng để xây dựng đập dâng Suối Cối, xã Xuân Quang 1. Thế nhưng, đến nay công trình vẫn không phát huy tác dụng như mục đích đã đề ra….
Đập dâng xây xong, đồng ruộng vẫn thiếu nước ảnh 1
Hệ thống kênh mương hư hỏng, biến thành đường

Theo thiết kế, công trình đập dâng Suối Cối gồm có 2 phần: Đập chính dài 39,3m, rộng 1m; hệ thống kênh mương có tổng chiều dài 2.715,6m. Mục đích của công trình nhằm giúp người dân phát triển diện tích cây lúa nước, thâm canh, tăng vụ, thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, sau hơn 4 năm đưa vào sử dụng, công trình này chỉ tưới  được 8 ha, không đạt hiệu quả 60ha như báo cáo nghiên cứu khả thi triển khai dự án. Công trình lại kém chất lượng, hàng loạt đoạn kênh vừa xây xong bị sụt mái, hư hỏng nặng. Kênh cấp nước đã biến thành kênh thoát nước.

Theo ông So Minh Tá, Trưởng thôn Suối Cối 2, trong lúc triển khai thực hiện dự án,  phía chủ đầu tư  không nghiên cứu kỹ địa hình và tính toán phương án khả thi nên chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng, nhiều tuyến kênh mương bị bồi lấp, cống hộp chứa nước đã đổ sụp hoàn toàn và biến thành đường đi.

Đập dâng xây xong, đồng ruộng vẫn thiếu nước ảnh 2
Đập dâng chỉ là một bờ kênh chặn dòng nước

Qua xem xét hồ sơ xây dựng, phần lớn công trình không có biên bản nghiệm thu mẫu vật liệu, thi công sai so với thiết kế được duyệt, nhưng vẫn quyết toán đầy đủ như dự toán ban đầu. Tình trạng thiếu khối lượng bê tông lót đáy kênh, thiếu khối lượng đá xây và tự ý thay đổi vật liệu sản xuất dẫn đến công trình không đảm bảo độ kết dính ở phần mặt bằng các tuyến kênh mương, chỉ cần bằng mắt thường cũng phát hiện ra.

Người dân sở tại theo dõi, biết và rất bất bình trước việc làm cẩu thả của đơn vị thi công, trước việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Lỗi này thuộc về cách làm của chính quyền huyện, xã. Khi triển khai dự án làm đập dâng và kiên cố hóa kênh mương, người dân ở xã Xuân Quang 1 không được trực tiếp phổ biến, bàn cách quản lý và sử dụng công trình  hợp lý. Chủ yếu do chính quyền và đơn vị thi công tùy tiện làm rồi bắt dân nhận bàn giao công trình.  

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Tạ Đức Kính  thừa nhận công trình không hiệu quả. Ông nói: Thực tế công trình này chỉ tưới 6 ha. Đặc biệt, do không có Ban quản lý nên công trình đã không phát huy tác dụng như mục đích đề ra. Hiện nay, do nguồn ngân sách xã eo hẹp nên không thể đầu tư thêm để san ủi,  nạo vét và tu bổ lại  các tuyến kênh mương để giúp người dân có nước tưới.

MỚI - NÓNG