Đào tạo một bác sĩ tốn nửa tỷ đồng: Có đủ không?

Đào tạo một bác sĩ Răng, hàm, mặt phải tốn hơn nửa tỷ đồng
Đào tạo một bác sĩ Răng, hàm, mặt phải tốn hơn nửa tỷ đồng
TPO - Theo đề án tuyển sinh mới công bố, học phí nhiều trường đại học y, dược dự kiến tặng mạnh. Thậm chí, có trường tăng từ 3- 5 lần, mức học phí trung bình dao động từ 30- 70 triệu đồng/năm học, tương đương với trên dưới nửa tỷ đồng để đào tạo một bác sĩ song nhiều trường vẫn phải bù lỗ …

Trường ĐH Y Dược TPHCM một trong những cơ sở hàng đầu về đào tạo ngành y khu vực phía Nam là trường có mức tăng học phí mạnh nhất. Cụ thể, ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng có mức đào tạo thấp nhất với 30 triệu đồng/năm/ sinh viên, tiếp theo là ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dược học… có mức học phí dao động từ 38- 50 triệu đồng; ngành Y khoa có mức học phí 68 triệu đồng và cao nhất là ngành Răng Hàm Mặt với mức 70 triệu đồng.

Đề án tuyển sinh của trường cũng đưa ra mức tăng học phí các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng 10%. Lấy ví dụ sinh viên học ngành Răng - Hàm - Mặt, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.

Với tổng thời gian học 6 năm, một sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ phải đóng khoảng 540 triệu đồng học phí. Tương tự, với sinh viên Y khoa với mức 68 triệu đồng năm thứ nhất, tổng học phí sau 6 năm là 524 triệu đồng. Trong khi đó, mức học phí trung bình của trường này với khóa 2019 trở về trước vào khoảng 13- 15 triệu đồng/năm/sinh viên.

Trao đổi với PV, PGS- TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, những năm trước, sinh viên đóng trung bình khoảng 13-15 triệu đồng/năm chỉ đáp ứng được một phần kinh phí đào tạo. Còn lại, nhà nước phải rót kinh phí thêm.

“Từ năm 2020, do trường thực hiện tự chủ, không nhận kinh phí từ nhà nước nên buộc phải tăng học phí để đầu tư cho giảng dạy. Tuy nhiên, tăng học phí chỉ dành cho sinh viên khóa mới, đối với sinh viên các năm trước không thay đổi”, ông Khôi nói.

Dù tăng học phí song ông Khôi cũng khẳng định mức thu vẫn không đủ bù chi bởi đào tạo ngành y rất tốn kém.

Đào tạo một bác sĩ tốn nửa tỷ đồng: Có đủ không? ảnh 1

Sinh viên ngành y trong một buổi học lý thuyết

Ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, trường cũng đã đề xuất UBND TPHCM tăng học phí từ mức 13 triệu đồng/ năm/ sinh viên lên mức 30 triệu đồng song chưa được phê duyệt. Theo ông Xuân, mặt bằng chung ở quốc tế, đào tạo một sinh viên ngành y tốn gấp 5 lần chi phí so với sinh viên các ngành khác và Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Mức học phí ngành y 30 triệu/ năm/ sinh viên là mức tối thiểu để trường tồn tại và may mắn lắm là tạm thời phát triển”, ông Xuân nói.

Tương tự, học phí một số trường đào tạo Y khoa có mức thu học phí năm học 2020-2021 ở mức cao. Cụ thể, Trường ĐH Tân Tạo có học phí ngành Y đa khoa là 150 triệu đồng/năm và không thay đổi trong 6 năm của khóa học; Học phí Khoa Y - ĐHQG TPHCM khóa tuyển sinh 2020-2021 (dự kiến): Y khoa chất lượng cao 60 triệu đồng/ năm, Dược học chất lượng cao 88 triệu đồng/ năm, Răng-Hàm-Mặt chất lượng cao 55 triệu đồng/ năm. Các trường tư thục khác có đào tạo các ngành liên quan đến y, dược… như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng có mức học phí từ 30 đến 70 triệu đồng/ năm.

MỚI - NÓNG
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
Sáng mai, tọa đàm về quản lý tài chính cá nhân, cơ hội việc làm ngành ngân hàng
TPO - Nhằm mang đến cho sinh viên bức tranh tương đối toàn diện về cơ hội việc làm trong nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Báo Tiền Phong phối hợp cùng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức tọa đàm “Quản lí tài chính cá nhân, cơ hội việc làm trong ngành Tài chính ngân hàng” vào sáng 4/10 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024.