Đào Mai tương ngộ

Đào Mai tương ngộ
TP – Bão lũ phá vỡ kế hoạch 1.000 chậu mai xuân từ đất võ Bình Định ra tương ngộ với 1.000 cây đào Nhật Tân đúng ngày mồng Một Tết Canh Dần tại Hà thành, nhân 1.000 năm Thăng Long.

Nhưng với quê hương Quang Trung – Nguyễn Huệ, thực ra từ mấy trăm năm trước, Đào – Mai đã tương ngộ, để lại cho nhân gian những huyền kỳ say đắm...

Đào Mai tương ngộ ảnh 1
Nghệ nhân Đặng Xuân Hoàng - làng mai Háo Đức. Ảnh: V.H

Danh mai Háo Đức

Thật khó quên một hình ảnh đẹp trong lịch sử, rằng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, sau khi đại chiến quân Thanh tiến quân vào Ngọc Hồi, vua Quang Trung cho người mang cành hoa bích đào vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Cành bích đào đó được lấy trên chính vùng đất Nhật Tân - dinh Lẫm xưa.

Dù sự tích cành đào mà vua Quang Trung mang tặng Ngọc Hân công chúa có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho là truyền thuyết. Nhưng hãy khoan nói tới chuyện nó là chính sử hay huyền sử, vì ngay hình ảnh đẹp ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam thì tính chân của nó đã được khẳng định.

Riêng sắc bích đào đã gợi lên toàn bộ thế giới mơ mộng của tình yêu nguyên khai và đằm thắm nhất - Mối tình của Quang Trung và Ngọc Hân công chúa.

Người xưa bảo: Bích đào là hoa của trời. Cây bích đào trên trời sắc biêng biếc, còn xuống trần thì tựa hoa đào nhưng sắc rất hồng. Lá bích đào so với lá hoa đào cũng biếc hơn… 

Mai Xuân, cũng được người đời truyền nhau rằng “chọn đất để mọc” – làng mai Háo Đức (An Nhơn – Bình Định), nằm trên vùng đất kinh thành xưa.

Chỉ riêng Bình Định mới có những chậu mai xuân nổi tiếng, là loại mai có lộc đầu xuân và màu hoa rất đặc biệt, với kiểu cách tạo dáng khác thường, tượng trưng cho con người của vùng thượng võ.

Nghệ nhân trồng mai xuân Đặng Xuân Hoàng (làng Háo Đức), cho biết: “Xuất phát từ sự đam mê, sau khi tập kết ra Bắc, cụ Đặng Xuân Lan (cha nghệ nhân Đặng Xuân Hoàng, nay đã mất - NV) cảm được cái đẹp của bích đào, về Nam cụ thấy cây mai cũng không kém lại được lưu truyền và mọc trên đất vua ở nên cụ đã cố công gầy dựng từ đó.

Cụ Lan là người đầu tiên gầy dựng nên giống mai xuân đặc biệt ở đây”. Sau đó, anh em trong dòng họ cũng được cụ Lan truyền nghề trồng mai xuân từ đó. Để đến bây giờ, qua nhiều thế hệ, có được làng mai nổi tiếng Háo Đức.

Tương ngộ

Nhà nghiên cứu tuồng lừng danh đất Bình Định Vũ Ngọc Liễn nhận xét: “Mối tình của Quang Trung và Ngọc Hân công chúa hơi lạ. Ngọc Hân và Quang Trung ban đầu đơn thuần là một cuộc hôn nhân chính trị, nhưng rồi gặp và sống với nhau thì mới như đã có hẹn từ trước.

Ban đầu ông Nguyễn Huệ có thể nói, ừ, xem thử con gái Bắc Hà ra làm sao, chỉ thế thôi. Cái thuyết tài tử giai nhân là rất có lý. Ranh giới xã hội vùng miền đã được phá bỏ. Dù khi chưa có Ai Tư Vãn thì giữa hai con người này cũng đã có một tình yêu sâu đậm. Gặp nhau rồi đôi trai gái này xem hôn nhân, vợ chồng của họ là điều vĩnh cửu...”.

Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân chỉ sống hạnh phúc với chồng được trọn 6 năm và vua Quang Trung băng hà trong lúc tuổi đời còn nhiều hứa hẹn... Ngọc Hân đau xé lòng, khóc thương chồng bằng tác phẩm chữ Nôm “Ai Tư Vãn”:

Buồn thay nhẽ! Sương rơi gió lọt/ Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa!/ Tưởng lời di chúc thiết tha/ Khóc nào nên tiếng, thức mà cũng mê/ Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở!/ Mối sầu riêng ai gỡ cho xong? Quyết liều mang vẹn chữ tòng/ Trên rường nào ngại giữa dòng nào e!.

Tương truyền bà đã làm rất nhiều thơ văn, nhất là thơ Quốc âm, nhưng nay phần nhiều đều bị thất truyền, chỉ còn lưu lại hai áng văn với lời lẽ lâm ly thống thiết phơi bày nỗi lòng đau đớn, thương nhớ của bà đối với chồng. Đó là bài “Văn Tế Vua Quang Trung” và bài “Khóc Vua Quang Trung” tức Ai Tư Vãn theo thể song thất lục bát.

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, có thể nào quên công lao kỳ vĩ của vua Quang Trung năm Kỷ Dậu (1789) đã tiêu diệt hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược giải phóng Thăng Long.

Không có cách giải thích nào khác là từ sự nhất quán của tinh thần, ý chí. Vua Quang Trung là linh hồn của tinh thần, ý chí đó. Cuộc hôn nhân chính trị của Quang Trung với công chúa Ngọc Hân của vua Lê được người đời nhắc nhiều không hẳn chỉ vì anh hùng sánh với giai nhân, kỳ nữ.

Công chúa xinh đẹp, đa tài này đã để lại áng văn chương khóc chồng làm xúc động hậu thế thì đã hẳn, “Ai Tư Vãn” còn là tình cảm lớn dành cho vị vua đã có nhiều công tích với đất nước, dân tộc.

Người thực sự thay thế vương triều Lê tồn tại mấy trăm năm của nàng, đã là tinh thần và ý chí của muôn dân. Ngọc Hân được phong làm Bắc Cung Hoàng hậu, đủ thấy tình yêu của vua Quang Trung với cô gái Bắc Hà tài sắc.

Mối tình ấy như lương duyên tiền kiếp Đào – Mai của dân tộc Việt...

MỚI - NÓNG