Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và phim Ranh giới: Ám ảnh để sống mạnh mẽ, tử tế hơn

0:00 / 0:00
0:00
“Ranh giới” ghi lại hành trình cứu chữa, giành giật sự sống cho các sản phụ là F0 Ảnh: NVCC
“Ranh giới” ghi lại hành trình cứu chữa, giành giật sự sống cho các sản phụ là F0 Ảnh: NVCC
TP - Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư một lần nữa lại trở thành trung tâm của những luồng ý kiến trái chiều với phim tài liệu VTV Đặc biệt Ranh giới. Một nửa người xem sốc, cảm động khi chứng kiến những thước phim chân thực, đau đớn về hành trình giành giật sự sống cho sản phụ là F0 ở tâm dịch, một số khác lại lấn cấn về quyền riêng tư của bệnh nhân.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư trao đổi với Tiền Phong về Ranh giới và những trải nghiệm sốc tới tận cùng.

+ Chúc mừng anh có thêm một tác phẩm gây tiếng vang. Anh đặt tên phim là “Ranh giới”, và có lẽ trong những ngày này anh đang sống giữa ranh giới hai luồng cảm xúc: Sự cảm động và bên kia là những chê trách chưa tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân? Tâm trạng của anh lúc này thế nào?

- Không phải tâm trạng bây giờ đâu, thực ra tôi xác định ngay từ trước khi phim lên sóng. Từ khâu hậu kỳ tôi cân nhắc rất kỹ giữa chuyện có nên che mặt, làm mờ gương mặt bệnh nhân hay không. Thế nhưng một tác phẩm với mục đích tuyên truyền chống dịch cần tạo hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ nhất nên tôi quyết định để khán giả xem những hình ảnh chân thực nhất.

Khán giả thấy có hai tuyến nhân vật, một số bệnh nhân còn tự thở được, ngồi được tôi để rõ mặt, còn những thai phụ không có khả năng phản kháng tôi dùng thủ pháp quay qua vai, quay chút lưng hoặc lia máy từ xa xa không rõ mặt.

Tôi không chỉ quay phim họ trong một vài giờ, mà cả hai tuần liền đồng hành với nhau. Nhân vật xuất hiện trên phim giờ người còn, người mất, nhưng ở thời điểm ghi hình họ đều đồng ý chia sẻ câu chuyện, dù hình ảnh ở những giây phút cận kề có thể khiến người xem sốc, ám ảnh.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và phim Ranh giới: Ám ảnh để sống mạnh mẽ, tử tế hơn ảnh 1

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

+ Một số khán giả cho rằng không nên đụng chạm nỗi đau tận cùng của người cha tới bệnh viện làm thủ tục nhận lại di vật của người con gái phải ra đi vì COVID. Anh nói gì về điều này?

- Chúng tôi theo chân người cha ấy từ khi ông bắt đầu vào viện làm thủ tục, tất nhiên nếu không được phép làm sao có thể ghi hình được. Tôi quyết định không khai thác tận cùng nỗi đau của người cha ấy, chỉ chắt lọc hình ảnh ông bật khóc muốn gặp mặt con lần cuối. Dịch bệnh khắc nghiệt thế đấy, ngay nguyện vọng bình thường vào thời khắc ấy đều không thể.

Người cha còn may mắn được nhìn hình ảnh con gái lúc còn tỉnh táo và lúc qua đời do nhân viên y tế chụp lại, trong khi nhiều người không có cơ hội đó. Khi phim lên sóng, nhân vật người còn người mất. Tôi tin rằng những hình ảnh ấy là sợi dây gắn kết, gia đình có thể lưu giữ được chút hình ảnh cuối cùng của người thân.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và phim Ranh giới: Ám ảnh để sống mạnh mẽ, tử tế hơn ảnh 2

Một cảnh trong phim Ảnh: NVCC

Sau hơn hai tuần ở khu K1 bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), chúng tôi làm được hai phim Ranh giới và Ngày con chào đời (phim về những đứa trẻ có mẹ F0). Trong phim thứ hai, có rất nhiều câu chuyện chúng tôi đành bỏ dở. Ban đầu gia đình đồng ý cho quay, nhưng sau đó lại từ chối, họ sốt ruột khi thấy đứa trẻ khóc quá.

Chúng tôi phải bỏ toàn bộ tư liệu quay trong ngày. Trong quá trình làm phim, tôi không hề cố thuyết phục nhân vật bằng mọi giá. Tôi chỉ ngỏ ý làm phim, một số người đồng ý ngay, một số khác từ chối thì tôi buông máy. Nhiều bệnh nhân gật đầu chia sẻ câu chuyện, một phần cũng do họ cảm động trước sự hi sinh của y, bác sĩ, họ tin câu chuyện của mình sẽ có ích trong cuộc chiến đấu này.

Chuyện che mặt, làm mờ mặt nhân vật là chuyện trong tầm tay, chỉ là vấn đề kỹ thuật. Nhưng tôi nghĩ, mọi người cần nhìn thấy thực tế khắc nghiệt đó để biết sợ, có ý thức hơn trong cuộc chiến trường kỳ vượt đại dịch. Tác phẩm nhận được các luồng ý kiến trái chiều là điều không thể tránh khỏi.

Đối với những lời chê trách, góp ý tôi vẫn lắng nghe, nhưng tôi luôn biết cân nhắc sứ mệnh của một phóng viên khi ra tuyến đầu làm phim chống dịch. Còn ai đó nói chúng tôi “dàn dựng” là phát ngôn của họ. Cường độ lao động của bác sĩ, sự cầu cứu của bệnh nhân, sự giành giật lại hơi thở trong khoảnh khắc làm sao có thể dàn dựng?

+ Anh có bị ngợp giữa kho tư liệu ngồn ngộn của hơn hai tuần ghi hình, làm sao để cân bằng giữa cảm xúc và lí trí trong quá trình dựng phim?

- Đúng là cảm xúc, lí trí đan xen nhau. Có những lúc tôi không thể tiếp tục công việc vì xúc động, khóc, đau thương quá, nhưng sau đó xác định phải cân bằng, cần lí trí hơn từ góc độ người quan sát.

Có nhiều lúc tôi phải buông máy không thể tiếp tục vì tiếng thét đau đớn của bệnh nhân. Nghề nghiệp thôi thúc mình ghi lại những khoảnh khắc đắt giá, nhưng lương tâm và tình cảm khiến tôi dừng tác nghiệp và chạy đi gọi bác sĩ giúp họ khi bệnh nhân cạn ô-xy. Có tình huống khác, khi tôi đang theo một ca nặng, nhưng do thiếu người khiêng bệnh nhân nên tôi cũng đành buông máy để hỗ trợ.

+ “Ranh giới” tác động rất lớn tới người xem, có thể khiến họ vì sợ hãi mà ý thức hơn, có thể là sự biết ơn sâu sắc hơn dành cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu. Anh thì sao, có sự thay đổi nào sau quá trình đi hết “Ranh giới”?

- Trước lúc nhận nhiệm vụ vào tâm dịch tác nghiệp, tôi hiểu biết về dịch bệnh COVID-19 chung chung lắm. Biết rằng, bệnh nhân sẽ không thở được, nhưng tới khi tận mắt chứng kiến mới hiểu nỗi khổ không thở được là thế nào. Tôi sốc, ám ảnh với tình cảnh bệnh nhân thèm thở mà không thể hít thở được, chỉ trong tích tắc có thể không giữ được tính mạng.

Tôi cảm nhận được sự hi sinh của y bác sĩ, họ giành giật lại hơi thở cho bệnh nhân, trong tích tắc giữa ranh giới sinh tử đó không còn là bác sĩ-bệnh nhân nữa. Tôi có động lực, có niềm tin hơn ở đội ngũ y tế, có nhiều suy nghĩ mới về cuộc sống. Mình đang được thở nên càng cần trân trọng cuộc sống hơn, sống mạnh mẽ và tử tế hơn.

Cảm ơn anh!

Ranh giới phát sóng tối 8/9 trong khung VTV đặc biệt, dài khoảng 50 phút. Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư chọn thể loại tài liệu hiện thực kể lại cuộc chiến ở “chiến trường” K1, bệnh viện Hùng Vương-khu điều trị đặc biệt đón tiếp sản phụ mắc COVID-19 tại TPHCM. Không có lời bình, chỉ có tiếng nhân viên y tế gấp gáp trao đổi trong những phút chạy đua giành lại sự sống; là không gian căng thẳng, bức bối đến nghẹt thở với tiếng chuông báo động, monitor, máy đo nhịp tim, hình ảnh người bệnh đi dần tới phút xa rời sự sống.

Hiện thực có thể còn khốc liệt hơn Ranh giới, nhưng lát cắt đó cũng đủ tác động mạnh mẽ tới người xem. Câu chuyện ở bệnh viện Hùng Vương với những giây phút cam go, hiện thực thiếu thốn cả trang thiết bị y tế lẫn nhân lực chính là điều mà bất cứ cơ sở y tế nào cũng phải đối diện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.