Đạo diễn sân khấu giỏi ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay

0:00 / 0:00
0:00
TPO - NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - nêu thực trạng thiếu vắng đội ngũ sáng tạo của sân khấu, trong đó không thể không nhắc tới sự thiếu hụt đáng kể lớp đạo diễn trẻ kế cận giỏi nghề.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (NSSKVN) khai mạc Lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nghệ thuật đạo diễn sân khấu cho các đạo diễn trẻ năm 2022, từ 3-10/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ. Gần 20 học viên đăng ký theo học.

NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết Ban chấp hành Hội NSSKVN tổ chức thành công một số trại sáng tác kịch bản, đợt này quan tâm hơn tới bồi dưỡng đạo diễn sân khấu - lĩnh vực giữ vị thế quan trọng. Cả nước có hơn 200 đơn vị nghệ thuật biểu diễn, 70% nghệ sĩ thuộc lĩnh vực biểu diễn, 90% nghệ sĩ có danh hiệu NSND, NSƯT hoạt động trong lĩnh vực sân khấu.

Đạo diễn sân khấu giỏi ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay ảnh 1

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam mở lớp bồi dưỡng cho đạo diễn trẻ. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH.

“Ban chấp hành mong muốn quan tâm đến đội ngũ sáng tạo - tác giả, họa sĩ, đạo diễn, lý luận phê bình, nhạc sĩ... Nếu có tác giả hay, kịch bản hay mà không có đạo diễn giỏi chắc chắn không thể có vở hay được”, NSND Thúy Mùi nói. Hội NSSKVN mời các đạo diễn, nghệ sĩ gạo cội và đặc biệt có đạo diễn Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama (Cậu Vanya, Hedda Gabler) đứng lớp.

NSƯT Trịnh Mai Nguyên (Nhà hát Kịch Việt Nam) bất ngờ đăng ký làm học viên, dù anh có kinh nghiệm dàn dựng một số vở diễn, tuổi nghề hơn nhiều học viên trẻ khác. “Sân khấu đứng trước tất cả phương thức giải trí khác và gần như bị lép vế. Sân khấu vẫn sống lay lắt, có lẽ chúng ta nên tìm hướng xác định lại hướng đi, trả lời câu hỏi khán giả đến với sân khấu vì điều gì. Sân khấu có nên giải trí đơn thuần như các giải trí khác không? Đặc trưng riêng cuốn hút khán giả rõ ràng vì những điều khác. Sân khấu phải giải trí ở tầng nấc khác”, Trịnh Mai Nguyên nói.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama - một trong những đạo diễn tài năng của sân khấu Nhật Bản đương đại - nói rằng anh và các học viên có những điểm tương đồng, có nhiều thứ thú vị để trao đổi với nhau. “Đạo diễn phải hiểu và tìm ra con đường để dàn dựng một kịch bản. Nếu họ không có con đường và cách dàn dựng thì họ không tìm được chìa khóa tốt nhất, dễ dẫn tới vở diễn thất bại”, anh nói. Anh lấy kịch bản Vườn anh đào của Chekhov để giảng dạy, bởi đó là tác phẩm tốt để đạo diễn tìm tòi và tư duy.

MỚI - NÓNG