“Đảo chính lụa”

“Đảo chính lụa”
Đây là cuộc đảo chính lần thứ 17 kể từ sau Thế chiến thứ 2. Thái Lan lại chứng minh rằng khi tình thế đòi phải đổi thay, họ biết cách đổi thay và trả giá ít nhất...

Ông Thaksin Shinawatra bước chân vào vũ đài chính trị sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997-1998. Ông có cách lãnh đạo chính trị quyết đoán. Ông thực hiện những chính sách dân tộc để bảo vệ doanh nghiệp Thái khỏi sự thôn tính của các công ty nước ngoài.

Ông cũng áp dụng các chính sách trong nước theo chủ nghĩa dân túy, giải quyết tình trạng nghèo đói của nông dân nghèo và hỗ trợ chăm sóc y tế giá rẻ.

Làm sao một thủ tướng được tái bầu chọn một cách dân chủ lại có thể bị phế truất chỉ một năm sau đó bằng một cuộc đảo chính êm thắm, mà có nhà bình luận đã gọi là “đảo chính lụa” (silken - coup)?

Ông Thaksin đã lạm dụng quyền lực dân chủ của mình bằng cách điều chỉnh hiến pháp để có thể chuyên quyền điều hành đất nước. Ông làm suy yếu tính độc lập của thượng viện và sử dụng đa số của mình trong quốc hội để đàn áp mọi sự chống đối.

Ông Thaksin đã dùng tài sản của mình để kiểm soát, sở hữu truyền thông và dùng ảnh hưởng của mình để bổ nhiệm người thân tín vào các cơ quan. Ông đã xem thường có hệ thống các ủy ban độc lập được lập nên để giám sát chính phủ. Hành động của ông dẫn tới sự xói mòn dân chủ và dẫn tới sự phản đối của tầng lớp trung  lưu thành thị.

Vào tháng giêng năm nay, ông Thaksin dính líu đến thương vụ bán công ty viễn thông của mình với giá cao mà không chịu thuế. Hành động của ông đã làm dấy lên làn sóng phản đối. Tầng lớp trung lưu thành thị xuống đường biểu tình.

Vào tháng tư, để dập tắt mọi lời chỉ trích, ông Thaksin kêu gọi tiến hành một cuộc bầu cử sớm. Ba đảng đối lập đã tẩy chay kết quả bỏ phiếu và dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Dù Đảng Người Thái yêu người Thái (TRT) giành chiến thắng, nhưng Tòa án hiến pháp đã ra phán quyết kết quả bầu cử không hợp lệ vì số cử tri đi bỏ phiếu không đủ theo yêu cầu luật pháp.

Dưới sự lãnh đạo của ông, xã hội Thái Lan đã bị phân cực giữa những người dân nghèo ở nông thôn, chủ yếu ở phía bắc và đông bắc, với tầng lớp trung lưu thành thị ở Bangkok.

Cuộc đảo chính là kết quả xung đột giữa một bên là ông Thaksin với bên kia là quốc vương và quân đội. Thaksin đã bội ước những cam kết mà ông đưa ra với quốc vương là sẽ bước ra khỏi vũ đài chính trị và ông đã phớt lờ những tín hiệu không hài lòng của quốc vương. Ông Thaksin đã khiêu khích quân đội khi tố cáo họ đứng sau âm mưu đánh bom ám sát ông. Căng thẳng giữa ông Thaksin và tư lệnh Sonthi Boonyaratglin gia tăng sau những bất đồng trong xử lý tình trạng bạo loạn Hồi giáo ở miền nam Thái Lan.

Vậy thì tương lai sắp tới sẽ ra sao? Quân đội đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận với lãnh đạo các trường đại học về tương lai của đất nước. Quân đội đã cam kết sẽ chỉ định một thủ tướng dân sự trong vòng hai tuần. Cuối cùng, quân đội đã hứa rằng sẽ tiến hành bầu cử trong tương lai, có thể là vào tháng 10-2007. Từ giờ đến đó quân đội sẽ gián tiếp kiểm soát quá trình sửa đổi hiến pháp và thi hành luật pháp nhằm đảm bảo hiệu quả cho việc kiểm tra và cân bằng quá trình hành pháp mới.

Ít có khả năng Thái Lan sẽ xảy ra thêm bất ổn chính trị lớn nếu quân đội giữ lời hứa. Tầng lớp trung lưu thành thị đã thể hiện sự ủng hộ của họ đối với cuộc đảo chính. Những người ủng hộ ông Thaksin ở khu vực nông thôn sẽ không bạo động để ủng hộ một nhân vật chính trị mất niềm tin của quốc vương.

Theo CARLY A THAYER (giáo sư Đại học New South Wales)
Tuổi trẻ

Đổi thay ở đất Thái thanh bình

Một cuộc đảo chính có tư lệnh lục quân cầm đầu, có xe tăng bao vây dinh thủ tướng. Thế nhưng, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở chừng mực thay đổi một thủ tướng bị kết tội tham nhũng và vi phạm các định chế dân chủ. Thêm một ít phiền hà vì vài kênh truyền hình bị cắt trong vài giờ, vài chuyến bay không đến đúng lịch, khách du lịch giảm...

Tất nhiên, ở tận chiều sâu hẳn có sự lên xuống, thay đổi vị thế của các nhóm quyền lực. Ở đó, trước hết là những được mất của các nhóm lợi ích khác nhau, kéo theo mối quan ngại về sự lấn thế của cánh nhà binh và sự an toàn luật pháp.

Mọi chuyện còn đang ở buổi lâm thời. Tướng Sonthi còn đến hai tuần để kịp trả lại trạng thái bình yên theo kiểu Thái, trao quyền cho một chính phủ dân sự và tiến hành những cuộc bầu cử vào năm sau. Diễn biến thế nào thì cuối cùng vương quốc Thái Lan, xứ sở của đạo Phật, cũng đã vượt qua một cuộc khủng hoảng chính trị dằng dai bằng một cuộc đảo chính nhẹ nhàng, không tiếng súng và không đổ máu.

Đây là cuộc đảo chính lần thứ 17 kể từ sau Thế chiến thứ 2. Thái Lan lại chứng minh rằng khi tình thế đòi phải đổi thay, họ biết cách đổi thay và trả giá ít nhất cho những thay đổi để tạo dựng cuộc sống trong hòa bình và gìn giữ hình ảnh một đất nước thanh bình.

Huỳnh Sơn Phước (Tuổi trẻ)

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.