Đánh thuế nhà ở: Phải phù hợp!

Nếu nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thì người dân ở các đô thị đều khó thoát Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nếu nhà ở từ 700 triệu đồng trở lên phải đóng thuế thì người dân ở các đô thị đều khó thoát Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song, hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP.

Ngày 13-4, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự án Luật Thuế tài sản để trình Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà (gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…) có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Thuế chồng thuế

Cụ thể, mức thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra là 0,4% cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Với căn hộ chung cư, giá để tính thuế theo luật này là giá tính theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà. Còn với đất ở, sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Phương án 1 là theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Phương án 2 là tính theo giá 1 m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Theo tính toán, nếu áp dụng mức thu thuế nói trên, hằng năm, ngân sách sẽ thu về khoảng 31.000 tỉ đồng và là loại thuế thu hằng năm.

Ngay sau khi thông tin nói trên được công bố, dư luận xôn xao và hầu hết ý kiến đều phản đối đề xuất của Bộ Tài chính.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP HCM cho biết đề xuất của Bộ Tài chính đang giống như một cách "tận thu" thuế trong nhân dân, bất kể người giàu hay nghèo.

Các chuyên gia đa phần đồng thuận với nguyên lý có thể nghiên cứu việc thu thuế để bù đắp phần ngân sách thiếu hụt bởi nhiều lý do. Song, cách đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính hoàn toàn không hợp lý.

Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh: "Mức sàn đánh thuế nhà là 700 triệu đồng hoàn toàn không phù hợp khi xét trên mặt bằng thu nhập, chi tiêu của người dân". Thực tế, chưa kể đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM mà ngay các đô thị cấp 2, cấp 3 thì giá nhà cũng "loanh quanh"1 tỉ đồng/căn. Như thế, nếu đánh thuế thì mọi đối tượng đều phải chịu, trái với nguyên lý chỉ thu thuế với người có thu nhập cao.

"Tôi cho rằng kể cả đặt mức sàn thu thuế là 2 tỉ đồng cũng vẫn là mức chưa thực sự thỏa đáng chứ đừng nói đến 700 triệu đồng. Chưa kể đến Bộ Tài chính lý giải cách đánh thuế như này là bởi chưa có cơ sở dữ liệu, chưa có số liệu cụ thể để quản lý căn hộ thứ 2, thứ 3, tức là đẩy cái khó về phía người dân. Đó là vấn đề của ngành thuế và của quản lý địa phương chứ không phải của người dân" - ông Đồng nêu.

Giám đốc một công ty tư vấn thuế phân tích rõ cái gốc của việc cho ra đời các sắc thuế mới là bởi Việt Nam đã cắt giảm thuế quan quá mức trong quá trình hội nhập. Do đó, buộc phải tìm cách tăng thu nội địa từ phía người dân thông qua thuế, kéo theo tình trạng "thuế chồng thuế".

"Đối với nhà ở, trước đây chỉ bị đánh thuế thu nhập cá nhân khi có chuyển nhượng, giờ tính cố định trên giá trị nhà và phải nộp hằng năm. Đây là cách thu giống với thu thuế quyền sử dụng đất. Thế nhưng, áp dụng thu với nhà ở lại sai vì nhà ở là tài sản thuộc sở hữu của người dân, họ đã phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi tạo ra tài sản đó rồi. Tài sản cá nhân mà phải đi nộp thuế là không hợp lý. Hay như người dân khi mua xe, họ đã phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt rồi, giờ đòi đánh thêm nữa là thuế chồng thuế" - vị này chỉ rõ.

Thu thế nào cho đúng?

Là chuyên gia giàu kinh nghiệm, TS Lê Đăng Doanh đưa ra góc nhìn khách quan khi cho rằng về nguyên tắc, thu thuế tài sản là phù hợp thông lệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thuế bất động sản của Việt Nam còn thấp so các nước trong khu vực. Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh việc thu thuế phải tính toán sao cho hợp lý, vừa sức dân và phù hợp những nguyên tắc vĩ mô.

Cụ thể, TS Lê Đăng Doanh chỉ rõ với một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, vào khoảng 2.200 USD/người như ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới khuyến cáo chỉ nên thu thuế khoảng 18% GDP, không nên thu cao hơn để khoan sức dân, để người dân có lợi nhuận tái đầu tư. Song, hiện nay chúng ta đã thu thuế lên đến khoảng 32% GDP rồi, tức là rất cao so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới.

"Trong kinh tế học, khái niệm đường cong Laffer nêu lên mối quan hệ giữa các mức thuế suất với mức thu ngân sách nhà nước được tạo ra từ đó. Theo đó, nếu không thu thuế thì sẽ không được đồng nào, nhưng nếu thu đến 100% thuế thì không ai làm gì để nhà nước thu cả. Như thế, thu thuế tối đa không có nghĩa là áp thuế suất cao nhất mà thu thuế tối đa là ở mức thuế thấp vừa phải để người dân có thể kinh doanh được. Nếu nâng mức thuế quá cao thì người dân sẽ không kinh doanh để nhà nước thu thuế nữa, thậm chí trốn thuế" - ông Doanh góp ý và bày tỏ rất bức xúc với việc áp đặt mức sàn tính thuế nhà ở là trên 700 triệu đồng. Theo ông, đây là cách tính toán rất lỗi thời, không có giá trị thực tiễn.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng trong bối cảnh chi tiêu công chưa được quản lý, bộ máy quản lý còn tiếp tục phình ra, chi hành chính còn lớn… thì không người dân nào muốn đóng thuế để nuôi bộ máy đó. "Muốn thu thuế, chính quyền phải chứng minh được việc cắt giảm chi thường xuyên, việc tinh gọn bộ máy đã hiệu quả, chi tiêu minh bạch" - ông Đồng lưu ý.

Ngoài ra, trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, buộc phải thu thuế thì cách tốt nhất không phải là "đẻ" ra các sắc thuế mới mà làm tốt hơn việc thu từ những sắc thuế hiện có, quản lý được tình trạng trốn thuế…

"Nhà nước hoàn toàn có thể tìm nguồn bù đắp bằng cách nâng cao năng lực cán bộ thuế để giảm được phần gian dối về thuế trong doanh nghiệp. Thu được phần này thì sẽ nhiều hơn so với cách đánh thuế lên người dân. Trong bối cảnh hiện tại, "đẻ" thêm bất cứ sắc thuế nào đều là điều không nên" - vịgiám đốc công ty tư vấn thuế nói.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG