Thanh niên hư vì quá nhiều quán nhậu?
Đoạn phim ngắn với con số hơn 50% đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn là thanh niên trong độ tuổi từ 18-30 kết thúc, anh Nguyễn Mạnh Dũng (Bí thư Quận Đoàn Hải Châu) nêu thực tế khắp các quán nhậu, cà phê, hầu như ngày nào, giờ nào cũng có thanh niên la cà giết thời gian, từ đó sinh ra nhiều tệ nạn như cờ bạc, số đề, ẩu đả... Anh kiến nghị lãnh đạo thành phố cần phải có biện pháp cụ thể giúp thanh niên có công ăn việc làm để không phí phạm thời gian, đồng thời có thêm không gian, môi trường giải trí lành mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, chia sẻ: “Tôi cũng từng bị chất vấn Đà Nẵng có nhiều quán nhậu, quán cà phê quá, không chỉ buổi sáng, buổi tối mà ngay cả giờ hành chính cũng thấy thanh niên la cà quán xá quá nhiều. Đây là vấn đề tôi trăn trở bấy lâu, bởi không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính mà cần phải kết hợp với công ăn việc làm, đạo đức, ý thức. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ở thái độ nhận thức của thanh niên.
Mỗi cá nhân cần phải điều chỉnh lại mình, không nên đốt thời gian vô nghĩa, thay vào đó tìm tòi, học hỏi những cái hay, cái mới trong xã hội”. Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, tiếp lời: “Các bạn cần một môi trường giải trí lành mạnh, vậy thì sắp tới đây chúng ta có con đường sách, quán cà phê sách, liệu các bạn có chịu ngồi không? Và có thêm các câu lạc bộ giải trí thì bao nhiêu người chịu tham gia? Tôi nghĩ câu trả lời trước hết ở ý thức của các bạn”.
Từ con số trên, ông Thơ còn đề nghị thanh niên phải mạnh dạn đứng ra tố giác tội phạm. “Tố giác cá nhân thì lo sợ bị trả thù, nhưng tố giác trong một tổ chức, đoàn thể thì không sợ. Khi đoàn viên, thanh niên của mình có ý kiến thì tổ chức đoàn phải có báo cáo với công an, chính quyền địa phương”, ông nói. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Công an thành phố lập trang Facebook tương tự như trang Quản lý đô thị Đà Nẵng để kêu gọi người dân cùng tham gia tố giác tội phạm một cách thuận tiện hơn.
Thanh niên thẳng thắn đặt câu hỏi cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong buổi đối thoại. Ảnh: Thanh Trần.
“Có dám giao nhiệm vụ cho thanh niên chậm tiến?”
Anh Lương Tài (ĐH Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng) kể tại nơi anh sinh sống có hai thanh niên chậm tiến, khi thuyết phục sinh hoạt Đoàn thì thường xuyên lẩn trốn. Tuy nhiên khi được mời tham gia dân quân tự vệ thì họ lại vô cùng nhiệt tình, từ bảo vệ các hoạt động đến đi tuần đều rất năng nổ. “Thành phố có dám giao cho thanh niên chậm tiến công tác dân quân tự vệ không?”, anh hỏi. Ông Huỳnh Đức Thơ đáp lời ngay: “Tham gia tuần tra, hướng dẫn giao thông, bảo đảm trật tự…thanh niên chậm tiến thích những công việc mạnh mẽ này. Một ý kiến rất hay, thành phố hoan nghênh và ghi nhận đóng góp của bạn”.
Anh Hà Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đà Nẵng, chất vấn: “Lãnh đạo thành phố đã đọc kỹ kế hoạch hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên trong năm chưa? Đánh giá như thế nào? Lãnh đạo có ý định tham gia, đồng hành với thanh niên trong các hoạt động không? Và lãnh đạo thành phố dành bao nhiêu phần trăm thời gian cho Đoàn thanh niên?”. Ông Thơ thẳng thắn thừa nhận thực sự chưa có thời gian để đọc kế hoạch hoạt động của Đoàn Thanh niên. Tuy nhiên ông luôn sẵn lòng giúp đỡ nếu thanh niên cần. “Tôi chờ các bạn “rủ”, nhặt rác, vệ sinh môi trường, hay bất cứ phong trào nào cũng sẽ nhiệt tình tham gia, có đề xuất gì hay cũng sẵn lòng hỗ trợ”, ông nói.
Trong buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố cũng đã đồng ý với đề xuất được thành lập Quỹ Nghiên cứu khoa học cho HSSV, được vận hành Cung văn hóa thiếu nhi và dự án đào tạo kỹ năng sống cho thanh thiếu niên của Thành Đoàn Đà Nẵng. Anh Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn, nói: “Chúng tôi sẽ nhận trách nhiệm nếu không hoàn thiện được những đề xuất trên khi đã nhận sự hỗ trợ của thành phố”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chia sẻ: “Các bạn trẻ phải tin tưởng thành phố dành rất nhiều cơ hội cho các bạn, kỳ vọng vào các bạn. Các bạn phải cố gắng hết sức, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân, có đức, có tài chắc chắn sẽ được trọng dụng”.
160 ngàn đồng/tháng thì Đoàn xã hoạt động thế nào?
Sáng 23/3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cùng đại diện sở, ban, ngành đã có buổi đối thoại với cán bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh.
Theo anh Lê Văn Trung - Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh Hóa công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tập hợp đoàn kết thanh niên ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số cơ sở, cấp ủy chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng đến công tác thanh niên. Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động Đoàn, nhất là ở cơ sở còn thấp…
Tại buổi đối thoại, nhiều cán bộ Đoàn cơ sở đã có ý kiến trao đổi, chia sẻ, kiến nghị xung quanh các vấn đề việc làm cho thanh niên, kinh phí hoạt động Đoàn, vốn vay phát triển thanh niên, triển khai các dự án sân chơi cho trẻ… Một trong những nội dung Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa quan tâm là theo quy định, mỗi năm mỗi cơ sở Đoàn xã được cấp kinh phí 2 triệu đồng để chi cho các hoạt động Đoàn trong năm. Như vậy, mỗi tháng mỗi cơ sở Đoàn xã chỉ có hơn 160.000 đồng để chi cho hoạt động Đoàn thì hoạt động thế nào? Trả lời thắc mắc của Bí thư Tỉnh ủy, một cán bộ Đoàn cơ sở cho biết, mỗi khi có hoạt động trên địa bàn xã, cán bộ Đoàn phải làm tờ trình xin kinh phí UBND xã, huyện.
Ngoài ra, đại diện các ban, ngành, UBND tỉnh cũng đã có trao đổi, góp ý, “hiến kế” cho hoạt động Đoàn trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học, phát triển kinh tế, rèn luyện thủ lĩnh thanh niên, xây dựng phương án bố trí công việc cho cán bộ khi hết tuổi Đoàn…
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến chia sẻ: “Lực lượng thanh niên trên địa bàn Thanh Hóa lớn (hơn 1 triệu thanh niên). Nếu quan tâm đúng mức đến công tác thanh niên thì lực lượng này sẽ có đóng góp rất lớn cho phát triển của tỉnh. Tôi đề nghị Tỉnh Đoàn đánh giá lại hoạt động một cách chi tiết, cụ thể trên các lĩnh vực để đề ra các chính sách sát với tình hình…”.
Tại đối thoại, ĐVTN Đà Nẵng vinh dự đón nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới tham dự. Ông chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi được dự buổi đối thoại này, một buổi đối thoại với chủ đề rất hay về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Văn hóa, văn minh thể hiện ở mỗi người. Người Hà Nội được nhắc đến với sự thanh lịch, thì Đà Nẵng cũng nên xây dựng cho mình một nét văn minh đặc trưng. Tôi cũng rất ấn tượng với phong trào thanh niên ở Đà Nẵng, mạnh cả về phong trào, đội ngũ, tinh thần, và dưới sự lãnh đạo của các cán bộ trẻ, năng nổ. Đà Nẵng là thành phố xanh, sạch, đẹp được nhiều địa phương noi theo, vì vậy nhiệm vụ của các bạn thanh niên là làm thế nào để giữ được hình ảnh này và đưa thành phố ngày càng đi lên nữa”.