> Phải qua tiểu học học sinh mới được học thêm
Môn phụ - từng là môn gỡ điểm trung bình cho học sinh. Ảnh: Quý Hiên. |
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nói: “Tách các môn Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật ra để có đánh giá riêng bằng nhận xét là đúng. Trong trường phổ thông những môn này không đòi hỏi cao học sinh về kiến thức, kỹ năng mà chỉ khích lệ các em tham gia vào các lĩnh vực tương ứng. Gộp chúng chung với các môn văn hóa khác vào một mối, bắt gánh điểm để đánh giá học lực của học sinh là không khoa học”.
K.K, học sinh lớp 8 một trường THCS quận Ba Đình, Hà Nội, kể, sau khi cô giáo chủ nhiệm phổ biến thông tin trên, phần lớn các bạn trong lớp tiu nghỉu: “Học kỳ I điểm môn Mĩ thuật của cháu được 10, các môn Âm nhạc và Thể dục đều được 9,0. Nhờ vậy điểm tổng kết bình quân các môn của cháu được 8,5. Không có ba môn đó, chắc cháu chỉ được trên dưới 8,0”.
Cô Kiều Thị Thư, giáo viên Thể dục trường THCS Khương Thượng, quận Đống Đa, cho biết: “Điểm cao ở các môn phụ sẽ giúp các em kéo điểm trung bình cộng lên”.
Riêng môn Giáo dục Công dân, đánh giá học sinh bằng cách vừa cho điểm vừa nhận xét. Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, yêu cầu này chứng tỏ Bộ GD&ĐT chưa xác định rõ mục tiêu giáo dục của môn Giáo dục Công dân.
“Nếu xem đó là một môn học cần đánh giá kiến thức của học sinh thì tiếp tục cho điểm. Nếu xem như đó là một nội dung giáo dục nhằm khuyến khích học sinh có thái độ, hành vi đúng thì phải có cách đánh giá phù hợp hơn. Nếu cứ tiếp tục cho điểm thì học sinh vẫn phải nói theo thầy theo cô mới được điểm cao mà không quan tâm đến việc xây dựng ý thức cho bản thân”.
Theo cô Hồ Thanh Diện, giáo viên môn Giáo dục Công dân, trường THPT dân lập Hà Nội, đây lại là một chủ trương được giáo viên môn này đón đợi từ lâu: “Môn giáo dục công dân cần có sự giáo dục toàn diện, đương nhiên đánh giá cũng cần toàn diện. Ngoài kiến thức, học sinh còn cần có kỹ năng, ứng xử, thái độ, phẩm chất đạo đức. Cái chúng ta cần là sự chuyển biến từ nhận thức sang thái độ, hành động”.