Đánh đu với tử thần

Ngọc Ánh và Thu Thùy.
Ngọc Ánh và Thu Thùy.
TP - Sau ánh hào quang rực rỡ ấy là những câu chuyện nghề gắn với mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.

Đầu tháng 7 vừa qua tại Liên hoan Xiếc quốc tế ở thủ đô La Habana- Cu Ba, Thu Thùy và Ngọc Ánh đã trở thành hai cái tên sáng nhất, được trao những giải thưởng cao quý nhất mà bất cứ ai trong nghề cũng phải khao khát, tự hào. Nhưng sau ánh hào quang rực rỡ ấy là những câu chuyện nghề gắn với mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.

Kiếm củi ba năm để… cháy một giờ

Liên hoan Xiếc quốc tế Cuba 2017 là một trong 3 Liên hoan Xiếc quốc tế lớn và có uy tín nhất hiện nay. Vượt qua những đoàn xiếc rất mạnh đến từ 16 nước trên thế giới, hai thí sinh đến từ trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã mang vinh quang về cho nước nhà bằng giải Nhất của Hội đồng giám khảo và thêm giải “Mái bạt vàng” - giải thưởng riêng của Hội đồng chuyên môn.

Trên nền nhạc dân tộc du dương, cùng những đạo cụ là hình tượng cây tre, hai nghệ sĩ trẻ đã thể hiện các động tác kỹ thuật tốt, đẹp mắt nhưng không kém phần khỏe khoắn. Mỗi một động tác đều nhận được rào rào tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả.

Thế nhưng, ít ai biết câu chuyện “cười ra nước mắt” đằng sau những màn nhào lộn, đu dây... điêu luyện ấy.

Vốn dĩ ban đầu tiết mục “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và người chị song sinh thực hiện. Nhưng vì lý do cá nhân, sau nửa chặng đường, chị của Ánh phải dừng lại. Thu Thùy được chọn làm người thay thế. Nhưng vì Thùy nhỏ người hơn nên không thể làm trụ phía dưới. Vậy là tiết mục được “đập đi làm lại” từ đầu. Đó cũng là cái khó với Ngọc Ánh khi đang từ “làm con” lại phải chuyển sang “làm trụ”. “Làm trụ thì phải có đôi chân đủ cứng, cơ thể đủ dẻo dai và sức khỏe đủ để nâng đỡ bạn diễn. Vì thời gian gấp rút nên mình phải tập nhiều, có khi chân bật máu, đi tập tễnh,  phải băng bó nhưng vẫn tập” - Ánh kể.

Thu Thùy lại có “nỗi khổ” riêng. Thời điểm đoàn lên đường đi thi cũng là những ngày cô phải dốc sức cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên hết sức căng thẳng. Ban ngày cùng thầy hướng dẫn tập luyện, đêm về Thùy lại cặm cụi với đèn sách. Sáng ngày 24/6, Thùy mới hoàn thành kỳ thi THPT tại Việt Nam và tối 25/6 cô đã có mặt dự khai mạc Liên hoan ở Cuba. Không kịp nghỉ ngơi, ngay tối hôm đó, Thùy và bạn diễn Ngọc Ánh đã phải lên sân khấu.

Đánh đu với tử thần ảnh 1 Cặp đôi “Cánh chim Việt” nhận Huy chương Vàng và giải Mái bạt Vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế 2017. Ảnh: Nhã Khanh.

“Mãi đến khi nhận giải thưởng rồi, căng thẳng qua đi, mình vẫn nghĩ như một giấc mơ, mới biết bản thân đã mệt mỏi như thế nào. Sau đêm nhận giải, các thành viên trong đoàn vui vẻ tham quan mua sắm còn mình đã dành cả ngày để ngủ bù trong khách sạn” - Thu Thùy nhớ lại.

Sau 1 tháng trở về, nâng niu đặt chiếc cúp chiến thắng lên chỗ cao nhất, trang trọng nhất, hai cô gái nhỏ lại lập tức quay trở lại với những ngày tháng luyện tập không ngừng nghỉ.

“Một tiết mục xiếc thường chỉ diễn trong vòng 10 đến 15 phút nhưng các nghệ sĩ phải tập luyện trong mấy năm trời hay có khi cả cuộc đời, đổ bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt. Từng tiết mục có độ khó riêng, tiết mục nào càng hấp dẫn thì độ khó càng cao, độ khó càng nhiều. Đồng nghĩa với việc lịch luyện tập càng căng thẳng” - Ngọc Ánh cho biết. Để có một Ngọc Ánh và một Thu Thùy cho tiết mục “Cánh chim Việt” hôm nay, hai cô gái đã phải trải qua 5 năm dài miệt mài nỗ lực.

Để hoàn thành tiết mục, Ngọc Ánh và Thu Thùy phải tập những động tác treo người, treo tay, treo chân trên không. Thế nên, tay chân hầu như lúc nào cũng trong tình trạng sưng tím, chai sần. Riêng Thu Thùy, do phải sử dụng nhiều động tác bằng răng nên nhiều lần đau răng, nứt răng, không ăn được cơm.

Các tai nạn nghề nghiệp trong nghệ thuật xiếc nhiều đến nỗi, các diễn viên coi đó là chuyện thường ngày. Theo đuổi bộ môn đu quay nhào lộn trên không đầy nguy hiểm, đòi hỏi sự chính xác cao nên những lúc luyện tập, cả Ánh và Thùy đều luôn nghiêm khắc và đề cao tính kỷ luật với bản thân. Đã theo nghề thì phải có khả năng chịu đau, những lần phải xoạc chân, ép vai, gập háng… những lần phải làm chân trụ chống đỡ cả cơ thể của người khác phía trên, những lần bị ngã, chân tay tóe máu, vẹo cột sống, bong gân… nhẹ thì đứng dậy tập tiếp, nặng hơn thì nghỉ ngơi vài ngày sau lại tiếp tục.

Không từ bỏ

11 tuổi, Ngọc Ánh bắt đầu bước chân vào trường xiếc. Trong khóa, gần như Ánh là học sinh nhỏ con và non nớt nhất. Cô bé gầy gò, đen nhẻm nhập trường với niềm háo hức được đi biểu diễn, được mặc những bộ đồ lấp lánh và được “bay liệng trên không” đẹp mắt.

Dù gia đình ở Hà Nội nhưng Ánh vẫn phải sống nội trú ở trường để tiện cho việc luyện tập hàng ngày. Cô gái sinh năm 1995 nhớ lại: “Sau cảm giác vui sướng khi được nhập học, mình bắt đầu trải qua những ngày tháng nhớ nhà nên cứ đêm xuống lại khóc. Mỗi lần tập luyện bị ngã đau cũng khóc đòi về. Hầu như học sinh khóa mới ai cũng thế. Chỉ sau vài tháng mọi việc mới quen dần”.

Nếu như Ngọc Ánh thi thoảng còn được chạy về thăm nhà thì Thu Thùy thiệt thòi hơn. Cũng nhập học năm 11 tuổi, cô gái đến từ mảnh đất Tây Nguyên nắng gió xa xôi buộc phải chấp nhận hoàn cảnh xa gia đình, phải mạnh mẽ vượt qua những khó khăn khi không có cha mẹ ở bên.

“Gia đình mình không có ai theo nghề xiếc. Năm lớp 3, khi thấy mình có thể làm được những động tác uốn dẻo khó, bố đã hỏi mình có muốn đi học xiếc không, lúc đó mình cũng chưa hiểu xiếc là gì, chỉ thấy cả nhà cổ vũ nhiệt tình nên cũng rất phấn khích”- cô gái sinh năm 1999 chia sẻ cơ duyên đến với nghề.

So với nhiều nghệ sĩ của các bộ môn nghệ thuật khác, nghệ sĩ xiếc phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khắt khe. Học sinh được tuyển vào trường từ lúc mới 11 - 12 tuổi; ăn ở, học tập nội trú nên trường như là nhà, thầy cô như cha mẹ. Hai năm đầu, học sinh phải học hết 4 môn cơ bản, nếu yếu 1 môn sẽ không hoàn thành chương trình. Còn 3 năm chuyên ngành, học sinh có điều kiện chọn, tập trung cho môn học phù hợp với thế mạnh của bản thân.

Quyết định gắn bó với nghề xiếc, những diễn viên như Ánh và Thùy đều ý thức được sự cần thiết của việc thường xuyên luyện tập. Không có nhiều thời gian để đi chơi, mua sắm hay gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa, một ngày của Ngọc Ánh và Thu Thùy đều gần như kín lịch. Riêng Ánh, buổi sáng đi giảng dạy, chiều đi tập, tập xong lại chạy vù sang lớp học đạo điễn, tối về lại nhận dạy kèm cho các học sinh mới. Có những ngày, phải đi diễn 3 suất/ngày thì hôm sau lại quay cuồng sắp xếp thời gian dạy bù, học bù. Còn Thùy cũng bắt đầu ngày mới lúc 7h sáng với lịch luyện tập, giảng dạy, luyện tập và giảng dạy, cứ thế cho đến đêm.

“Lúc nào rảnh, hai chị em lại mở các clip xiếc nước ngoài để xem, có khi vừa xem vừa tranh thủ luyện theo động tác của họ. Chắc chỉ trừ lúc ăn cơm và ngủ là không phải tập”- Thu Thùy cười.

Đánh đu với tử thần ảnh 2 Đi du lịch cũng tranh thủ… luyện tập.

Sau 11 năm theo nghề xiếc, Ngọc Ánh đã đoạt được hàng chục giải thưởng lớn, nhỏ, trong đó có không ít huy chương từ các Liên hoan xiếc quốc tế như: HCB Liên hoan xiếc quốc tế lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội năm 2012; HCB Liên hoan ảo thuật toàn quốc; giải Đặc biệt Liên hoan xiếc quốc tế tại Ngô Kiều (Trung Quốc) năm 2013...

Dù nhỏ tuổi hơn nhưng Thu Thùy cũng đã có một bảng thành tích đáng nể: Huy chương Đồng tại Liên hoan xiếc quốc tế tại Trung Quốc năm 2014, Huy chương Vàng và giải Tài năng trẻ triển vọng tại Liên hoan xiếc 3 nước Đông Dương năm 2015, Huy chương Vàng và Huy chương Bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế tổ chức ở Huế năm 2016…

Giải thưởng tại Liên hoan xiếc quốc tế 2017 vừa qua là món quà quý giá bù đắp cho những mồ hôi, nước mắt, những nỗ lực của hai “cánh chim” không biết mệt mỏi của làng xiếc Việt Nam.

Ngọc Ánh bảo, những lúc mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, cô lại nhìn vào các anh chị, cô chú đi trước. Rất nhiều người đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề xiếc và vẫn say mê đến tận ngày cuối cùng, dù trên cơ thể là bộ sưu tập của sẹo lồi, sẹo lõm, chấn thương. Nhìn họ, cô lại thêm động lực phấn đấu. Được nhà trường tin tưởng giữ lại làm giảng viên đồng thời cử đi học lớp đạo diễn xiếc ở trường ĐH Sân khấu điện ảnh,  Ánh càng quyết tâm trở thành một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp.

“Nếu như ngày xưa chính mẹ là người động viên mình đi học thì càng về sau, nhìn thấy con vất vả, chân tay con đầy chấn thương và sẹo, thu nhập thì thấp, mẹ đã xót xa hỏi có muốn dừng lại nghỉ ngơi rồi chọn con đường khác không. Mình lại phải động viên mẹ. Mình nghĩ nghề nào cũng có khó khăn riêng, đã chọn thì sẽ theo đến cùng, bao giờ không thể đứng trên sân khấu được nữa, mình mới dừng lại”- cô gái trẻ tâm sự.

Người bạn diễn ngồi bên cũng gật gù: “Mọi người nhìn vào đôi khi khiếp sợ nhưng với những người đã trót yêu xiếc như mình, như chị Ánh và các bạn học sinh trong trường thì vất vả ấy không là gì. Chỉ cần lên sân khấu biểu diễn thành công, được nghe tiếng vỗ tay hò reo của khán giả là tất cả mồ hôi và nước mắt đều tan biến. Thế nên, nếu hỏi có muốn bỏ nghề không thì câu trả lời chắc chắn là không”.

MỚI - NÓNG