Theo Bộ GD&ĐT, tại cuộc họp, các trường ĐH Y dược phía Nam, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, hai ĐH quốc gia và một số trường ĐH tốp đầu đã thống nhất tìm giải pháp xét tuyển thí sinh không thể dự thi 2 đợt của kỳ thi tốt nghiệp THPT và được xét đặc cách tốt nghiệp. ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM sẽ hỗ trợ bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trên cơ sở khảo sát đầy đủ điều kiện và nhu cầu của thí sinh khi được phép. Về phương án tuyển sinh, các trường cơ bản áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết sẽ phối hợp 2 ĐH quốc gia để có dữ liệu kỳ thi đánh giá năng lực dùng chung. Các trường sử dụng kết quả của kỳ thi này, có thể tham gia xét tuyển chung. Ông Sơn lưu ý, cần tính đến điểm ưu tiên đối với thí sinh xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Các trường cũng cần tính đến trường hợp thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, nên cần chủ động có phương án xét tuyển cho các em.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay, trường sẽ tạo điều kiện cho thí sinh không dự thi được 2 đợt thi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, lấy kết quả để trường xét. Tuy phương thức này không có trong đề án tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội đã công bố trước đó, nhưng là giải pháp tình thế để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Điểm chuẩn sẽ tăng
Ngày 29/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, cho biết điểm chuẩn xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của các trường phụ thuộc nhiều yếu tố, như kết quả thi tốt nghiệp THPT, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào một ngành, một chương trình đào tạo. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tăng ở nhiều môn thi.
rong đó, số lượng bài thi đạt điểm cao cũng tăng khá nhiều ở các môn như Tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học... Điểm trung bình cao, nhiều bài thi đạt điểm 8 trở lên, dải điểm rộng hơn nên việc xét tuyển sẽ thuận lợi hơn. Theo bà Thủy, ngoài điểm một số môn thi cao hơn so với năm 2020, các trường ĐH đã dành lượng chỉ tiêu tương đối cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỉ lệ xét điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào ĐH năm nay có thể sẽ nhỉnh hơn các năm trước.
Bà Thủy cho hay, qua thống kê, có khoảng 26.000 thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Các em sẽ tham dự kỳ thi đợt 2 dự kiến được tổ chức vào ngày 6-7/8. Hôm nay, dự kiến Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn phương án điều chỉnh lại kế hoạch và đề án tuyển sinh để đủ thời gian cho các thí sinh này điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và các trường xét tuyển tất cả thí sinh trong cùng một đợt. Các trường cũng xét tuyển bằng nhiều phương thức khác, nên thí sinh hoàn toàn yên tâm để thi và xét tuyển vào các trường như dự kiến.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay cao hơn năm trước, một số em đạt 25-26 điểm vẫn có thể không trúng tuyển ĐH nếu không cân nhắc khi lựa chọn nguyện vọng. Các em tự tin với mức điểm cao thì nên bổ sung nguyện vọng, có thể chọn một ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.