Đánh bại IS ở Ramadi, Iraq giải cơn khát chiến thắng

Iraq giành lại quyền kiểm soát Ramadi. Ảnh: Reuters
Iraq giành lại quyền kiểm soát Ramadi. Ảnh: Reuters
Việc đẩy lùi IS ra khỏi Ramadi là thắng lợi quan trọng vì quân đội Iraq đã tự mình chiến đấu chứ không cần dân quân trợ giúp, đồng thời tiếp tục là dấu hiệu cho thấy IS ngày càng thất thế. 

Theo CNN, việc tái chiếm Ramadi, nơi IS đã kiểm soát suốt 7 tháng, là dấu hiệu cho thấy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa lực lượng Iraq và không quân của liên minh đang đem lại kết quả. Chiến thắng cũng sẽ khiến IS khó gây sức ép lên thủ đô Baghdad.

Quân đội Iraq tự mình làm nên chuyện

Hầu hết các chiến thắng trước IS tại Iraq từ đầu năm đến nay là nhờ các chiến binh người Kurd Peshmerga và dân quân người Hồi giáo dòng Shiite. Lực lượng người Kurd đã đẩy lùi IS khỏi phần lớn tỉnh Nineveh ở phía bắc, và hồi tháng trước đã giành lại thị trấn Sinjar, chặt đứt tuyến đường tiếp tế chính của IS vào Mosul.

Dân quân Shiite, do Iran hậu thuẫn và cố vấn, chính là lực lượng đi đầu trong nỗ lực tái chiếm Tikrit hồi tháng ba. Trong khi đó, Lực lượng An ninh Iraq (ISF) chỉ giữ vai trò hỗ trợ tại Tikrit và Baiji. Còn tại Ramadi, ISF hồi mùa hè đã thất bại nặng nề, sau khi IS đẩy mạnh tấn công.

Sau thất bại lớn của ISF tại Mosul tháng 6/2014, Mỹ đã huấn luyện lại cho các lữ đoàn bộ binh Iraq. Tháng 6 vừa qua, Mỹ điều thêm 450 sĩ quan tới đào tạo cho các chiến binh bộ tộc Sunni, cũng như chú ý nhiều hơn tới việc đối phó với chiến thuật dùng thiết bị nổ tự chế (IED) và đánh bom xe mà IS sử dụng. 

Ramadi chính là liều thuốc thử lớn cho ISF, và việc tái chiếm thành phố này là thành công đầu tiên đáng ghi nhận vì chiến thắng này không dựa vào lực lượng dân quân Shiite. Nhưng CNN cũng đánh giá, phải có sự yểm trợ của không quân và các thiết bị chuyên biệt do Mỹ cung cấp, Iraq mới đạt được thành công.

Thêm thất bại cho IS

IS chiếm đóng Ramadi hồi tháng 5 sau nhiều tháng tấn công và đánh bom. Đây được xem như đòn trả đũa sau khi nhóm này để mất Tikrit, đồng thời tăng cường kiểm soát tỉnh Anbar, khu vực có đông người Sunni. IS đã thể hiện được rằng nhóm này có khả năng tác chiến cơ động cao và chiến thuật đánh bom xe tự sát hiệu quả.

Nhưng kể từ đó, IS nhiều lần thất thủ ở Iraq. Ở phía bắc, nhóm này mất dần kiểm soát với khu lọc dầu tại Baiji. Điều kiện sống tại Mosul, nơi được coi là thành trì của nhóm ở Iraq, cũng trở nên khó khăn, khi các lực lượng người Kurd bao vây từ ba hướng.

Tại Syria, IS có bước tiến tại tỉnh Homs, khi chiếm đóng thành phố Palmyra hồi tháng 6. Dù vậy, ở phía bắc, chúng lại bị liên minh của người Kurd tại Syria và các bộ tộc Arab đẩy lùi. Chính liên minh này mới đây đã chiếm đóng con đập Tishreen chiến lược, cách Raqqa, nơi được coi là thành trì của IS ở Syria, khoảng 60km. Một thị trấn chiến lược IS kiểm soát gần biên giới Iraq cũng đang bị bao vây.

Thất thủ tại Ramadi là một đòn giáng vào "thanh thế" mà IS luôn phô trương, vốn dựa vào khả năng kiểm soát lãnh thổ, và cai quản như một quốc gia thực sự. Việc mất Ramadi khiến lực lượng IS tại Fallujah, cách đó 65 km về phía đông, dễ trở thành mục tiêu tiếp theo của ISF.

Theo đánh giá của tạp chí quân sự IHS Janes, diện tích lãnh thổ IS kiểm soát đã giảm 14% so với đầu năm, trong đó có nhiều khu vực đông dân cư, tại các vị trí chiến lược như Eski Mosul và cửa khẩu giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Abadi được 'giải vây'

Chỉ một tháng trước, một số nhà bình luận nước ngoài cũng như Iraq cho rằng chính quyền của Thủ tướng Abadi không thể cứu vãn tình hình. Sau khi giá dầu lao dốc, chính phủ trung ương về cơ bản đã phá sản. Việc thay đổi hàng ngũ tướng lĩnh cũng không đem lại nhiều kết quả.

Ông Abadi phải đối diện với những thách thức khó khăn như giải quyết nạn tham nhũng, cải cách kinh tế, cố gắng duy trì sự ủng hộ của cộng đồng người Shiite trong khi tiếp cận các bộ tộc Sunni. Chặng đường phía trước còn đầy chông gai, nhưng ít nhất, chiến thắng Ramadi đã giúp ông có thêm chút không gian để xoay xở.

Thủ tướng Abadi trước đó đã hứa sẽ giành lại Ramadi, và chấp thuận để dân quân Shiite đứng ngoài chiến dịch, do lo ngại có thể làm người Sunni địa phương phật ý. Cách tiếp cận mạo hiểm này cuối cùng lại thành công. Giờ ông sẽ phải tranh thủ thắng lợi này bằng cách hứa hẹn giải phóng Mosul, cũng là nơi có đông người Sunni sinh sống.

Tuy vậy, các nhà phân tích xem đây là nhiệm vụ khó khăn hơn Ramadi rất nhiều. Mosul vẫn còn 1,5 triệu cư dân sinh sống, và được IS phòng vệ kỹ lưỡng suốt 18 tháng qua. Ngoài ra, các chiến binh Shiite vốn đóng góp lớn trong nỗ lực đẩy lùi IS, có thể không muốn bị qua mặt bởi lực lượng chính quy.

Đánh bại IS ở Ramadi, Iraq giải cơn khát chiến thắng ảnh 1

Quân đội Iraq có thể sẽ tiến đến Mosul sau khi giải phóng Ramadi. Đồ họa:BBC

Thách thức phía trước

IS vẫn đang cố gắng tăng nhuệ khí cho phiến binh. IS sở dĩ có thể chiếm đóng và kiểm soát lãnh thổ bởi nhóm thực hiện chiến thuật chiến tranh bất đối xứng, dưới dạng du kích. Nhóm này được tổ chức tốt, chiến đấu bền bỉ và vẫn kiểm soát một phần lớn đất phía tây Iraq.

Dù quân đội Iraq khẳng định đã tiêu diệt hàng trăm chiến binh IS tại Ramadi từ tháng 7 đến nay, việc IS rút lui, chứ không phải bị tiêu diệt hoàn toàn, giúp chúng có cơ hội tổ chức lại lực lượng tại ngoại ô Ramadi và có thể thực hiện các vụ đánh bom liều chết và phục kích. Điều này có thể khiến cư dân chưa dám trở về nhà.

Từ những diễn biến trước đây tại Iraq, có thể thấy đẩy lùi IS khỏi các thành phố chưa phải là nhiệm vụ khó nhất. Phần việc nặng nề và tốn kém hơn đó là tái thiết các khu sinh sống của người Sunni, đưa người dân trở về và khôi phục các dịch vụ thiết yếu.

Những bức ảnh và video quay tại Ramadi cho thấy nhiều khu vực bị hư hại. Một số cây cầu trong khu vực bị IS phá hủy khi tìm cách ngăn chặn quân chính phủ tiến công.

Hồi tháng 7, Ngân hàng Thế giới từng công bố lập quỹ tái thiết Iraq với quy mô 350 triệu USD, nhằm khôi phục điện, nước, nhà ở, và cầu đường tại hai tỉnh Salahdin và Diyala. Tuy nhiên, chương trình này kéo dài tới 5 năm. Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng tham gia nỗ lực tái thiết các khu vực được giải phóng khỏi IS như Tikrit.

Dù vậy, lượng người dân phải rời bỏ nhà cửa là rất lớn, khiến nhiệm vụ rất nặng nề. Tính tới tháng 9, gần 3,2 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó có 1,3 triệu người tại tỉnh Anbar.

Trong lời chúc mừng Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nhấn mạnh nhiệm vụ tái thiết cuộc sống cho dân địa phương. "Bây giờ điều quan trọng đối với chính phủ Iraq là phối hợp với chính quyền tỉnh và địa phương, nắm bắt cơ hội này để duy trì hòa bình ở Ramadi, ngăn chặn sự trở lại của IS và các nhóm cực đoan khác, tạo điều kiện để cư dân Ramadi trở lại thành phố", ông nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG