Đang tiềm ẩn quốc nạn trẻ em thất học

Đang tiềm ẩn quốc nạn trẻ em thất học
TP - Thời nay, trẻ em dưới 15 tuổi chưa đạt trình độ phổ cập mà còn ở ngoài nhà trường thì không được coi là trẻ em bình thường, hiện tượng này đang tiềm ẩn nguy cơ về quốc nạn nếu như nó không được ngăn chặn kịp thời.
Đang tiềm ẩn quốc nạn trẻ em thất học ảnh 1
Trẻ em cần phải được đến trường  Ảnh: photo.vn

Theo con số thống kê không chính thức, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu học sinh phổ thông bỏ học, chủ yếu là học sinh tiểu học và trung học cơ sở (cấp học phổ cập).

Số đang ngồi trên ghế nhà trường có nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” (hiện tượng “sáng sáu, chiều một” - buổi sáng ngồi ở lớp 6, đến buổi chiều phải học lại lớp 1, hoặc đi học 4, 5, 6 năm mà vẫn chưa đọc thông viết thạo… Đó là một hiện tượng không bình thường, lại lặp lại hiện tượng như những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Thời nay, trẻ em dưới 15 tuổi chưa đạt trình độ phổ cập mà còn ở ngoài nhà trường thì không được coi là trẻ em bình thường, hiện tượng này đang tiềm ẩn nguy cơ về quốc nạn nếu như nó không được ngăn chặn kịp thời.     

Nguyên nhân của hiện tượng này được các nhà quản lý, nhà chuyên gia, nhà giáo nói đến nhiều như: cuộc sống của người dân còn nghèo, không ít trẻ em thiếu sự quan tâm từ phía gia đình, phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa thích hợp, v.v. và v.v…

Trong nhiều nguyên nhân đó chúng tôi muốn nói đến một nguyên nhân chính yếu mà nhiều người còn né tránh, còn ngại nói ra, đó chính là sự quản lý chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

Chương trình và sách giáo khoa không đạt chuẩn

Xét theo mục tiêu đổi mới giáo dục thì đây là giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập - phổ cập bắt buộc ở tiểu học và phổ cập trung học cơ sở (THCS), nhưng chương trình và bộ sách giáo khoa  (SGK) duy nhất của Bộ GD&ĐT  hiện đang bắt buộc phải dùng trên phạm vi cả nước lại chưa đạt chuẩn (vừa bất hợp lý, vừa thấp  vừa quá tải  đối với học sinh và cả giáo viên).

Vì vậy mà khi triển khai thay sách đại trà đã gặp nhiều khó khăn, tình hình dạy và học ở các trường ngày càng sa sút. Trước thực tế đó, Đảng đã kịp thời đưa ra giải pháp : “Kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở” (NQ 9 BCH TƯ IX). Bộ GD & ĐT ngay sau đó đã có Chương trình hành động thực hiện NQ 9, nhưng rất đáng tiếc là cho đến ngày hôm nay  Bộ vẫn chưa thực hiện được việc xử lý giảm tải (cũng dễ hiểu, vì “sửa chữa còn khó hơn làm mới”).

Các loại lệnh

Đó là chính những “Lệnh” chỉ đạo quản lý phát đi từ Bộ, những “Lệnh”  thiếu chuẩn xác được truyền từ cấp trên xuống cấp dưới, rồi đến từng giáo viên. Đó là lệnh “phải cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 lên lớp 100 %” (từ năm học 2002-2003).

Từ đó đã dẫn đến tình trạng nhiều trẻ em học hết năm học lớp 1 mà chưa đọc được, chưa viết được mà vẫn phải lên lớp, các bậc cha mẹ thương con đã xin cho con học lưu ban cũng không được và họ đã nảy sinh “sáng kiến” là làm lại giấy khi sinh cho con để con mình được học lại, để vẫn đảm bảo đúng độ tuổi, để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của trường, của lớp.

Và đến năm 2006 lại có lệnh mới - lệnh “Chống ngồi nhầm lớp”. Thế là ngay năm học đó số học sinh lưu ban bỏ học gia tăng, học sinh khá giỏi giảm rõ rệt. Trong tình thế này vẫn có những trường luôn đạt thành tích, thành tích về học sinh lên lớp 100 %, rồi lại thành tích về sự dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, còn trẻ em đã thành những nạn nhân (“thành tích kép”).

Những việc kể trên đã khiến các nhà giáo chân chính, tâm huyết cảm thấy đau lòng và mong ước “Bao giờ cho đến ngày xưa” - cái ngày mà nhà giáo sống và làm việc “tất cả vì học sinh thân yêu” với phong trào “Dạy tốt - Học tốt”.

Trước những  “sự đã rồi” như thế, việc cần làm lúc này là đừng để xẩy ra nạn trẻ em thất học, mà phải lấy lại sự ổn định và từng bước phát triển của giáo dục, trước hết là giáo dục phổ cập (cả về số lượng và chất lượng). Để chấn hưng giáo dục cần hệ thống đồng bộ nhiều giải pháp, ở đây chúng tôi chỉ đề xuất một vài giải pháp được coi là cấp thiết:  

1. Tinh giản và đa dạng hóa sách giáo khoa ở các cấp học phổ cập (tiểu học và THCS). Trước hết cần xác định rõ mục tiêu cụ thể cho từng lớp học, cấp học, xác định rõ chuẩn kiến thức và kỹ năng từng môn học cho từng lớp học, trên cơ sở đó thực hiện đa dạng hóa SGK cho phù hợp tính đa dạng của điều kiện kinh tế-xã hội từng địa phương (Đa dạng trong sự thống nhất về mục tiêu và chuẩn).  

2. Thực hiện Quy chế dân chủ ở trường học. Giải pháp này hướng tới thực thi quyền dân chủ và các quyền khác của nhà giáo, đồng thời mỗi nhà giáo thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình được quy định trong Luật Giáo dục.

Trước hết cần đảm bảo để mọi công việc giáo dục, mọi công việc ở trường học đều được công khai, minh bạch, cần giao quyền tự chủ tự chịu tách nhiệm cho giáo viên và nhà trường đồng thời tạo điều kiện để họ thực hiện.        

3. Chăm lo giáo viên về đời sống tinh thần và vật chất.  Giáo viên phải tự chăm lo đời sống của mình, nhưng chưa đủ mà rất cần sự quan tâm, cần có chế độ chính sách cụ thể của Nhà nước. Trong khi chưa giải quết được tốt những việc cũ thì cần tránh đưa ra những việc mới làm quá tải thêm cho giáo viên.

Tháng 12/2007

Nguyễn Kế Hào
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.