Đằng sau vụ Iran trục xuất nhà ngoại giao Đức

Đằng sau vụ Iran trục xuất nhà ngoại giao Đức
TP - Ngày 6/1, Bộ Ngoại giao Iran cho biết Tehran đã trục xuất một nhà ngoại giao Đức vì đã có “hành vi phi ngoại giao”. Bộ Ngoại giao Iran không tiết lộ tên của nhà ngoại giao Đức bị trục xuất lần này.
Đằng sau vụ Iran trục xuất nhà ngoại giao Đức ảnh 1
Cảnh sát Iran bên ngoài Đại sứ quán Đức ở Tehran

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Mohammad Ali Hosseini nói với các phóng viên rằng “các cơ quan có trách nhiệm đã nhận thấy rằng con người này can dự vào một việc làm phi ngoại giao và vì thế phải rời Iran”.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức xác nhận rằng một nhà ngoại giao Đức đã rời Iran nhưng không làm rõ các thông tin liên quan.

Công bố nói trên của Iran được đưa ra sau khi báo chí tại Đức đưa tin về một Tùy viên lãnh sự Iran bị Đức trục xuất hồi tháng 7/2007.

Tuần báo Đức Der Spiegel (tấm gương), không  dẫn nguồn tin nào, nói rằng một Tùy viên lãnh sự của Iran đã bị trục xuất khỏi Đức. Tên của nhà ngoại giao này là Mohraramali D. và ông này đã tiếp xúc với một công ty chuyên ngành ở bang Bavaria rõ ràng là với hy vọng mua được một thiết bị có thể sử dụng trong quá trình làm giầu uranium.

Đức là một trong những nước đang đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của Tehran trong khi Mỹ và những nước khác lo sợ rằng chương trình đó có thể dẫn đến việc giúp Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Cho đến nay Iran luôn khẳng định rằng chương trình hạt nhân của mình là chỉ phục vụ các mục đích hòa bình.

Kể từ cuộc Cách mạng 1979 của Iran đến nay, quan hệ giữa Đức và Iran đã trải qua nhiều thời kỳ căng thẳng.

Hai nước này đã từng có một thời là những đối tác thương mại lớn của nhau nhưng mối quan hệ đó bị đóng băng sau khi một tòa án Đức năm 1997 đưa ra phán quyết rằng vụ án mạng xảy ra tại Berlin năm 1992 trong đó 4 người  Kurd Iran bất đồng chính kiến bị bắn chết là theo lệnh của các cấp cao nhất từ Tehran.

Hai người bị kết án trong vụ giết 4 người Kurd Iran nói trên bị phạt tù tại Đức đến tháng 12/2007 mới được trả lại tự do.

Một vụ án khác liên quan đến công dân Đức Helmut Hofer-một nhà kinh doanh tại Iran hai lần bị chính quyền Tehran phạt án tử hình vì có mối quan hệ với một nam sinh viên y khoa Iran 26 tuổi. Sau này Helmut Hofer được ân xá và được phóng thích khỏi nhà tù Iran năm 2000.

Mối quan hệ giữa Iran và Đức được cải thiện đáng kể sau chuyến thăm Đức của cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami năm 2000. Ông Mohammad Khatami được coi là nhà lãnh đạo Hồi giáo có đầu óc cải cách.

Nhưng chỉ 4 năm sau đó, tức là vào năm 2004, quan hệ giữa hai nước lại trở nên căng thẳng do phía Đức cho dựng tại Berlin một tấm bia tưởng niệm vụ giết chết 4 người bất đồng chính kiến người Kurd Iran nói trên trong đó qui kết Iran phải chịu trách nhiệm.

Để trả đũa hành động này của phía Đức, các cựu chiến binh Iran đã cho dựng ngay bên ngoài Đại sứ quán Đức ở Tehran một tấm bia buộc tội Đức đã cung cấp vũ khí hóa học cho Iraq trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq 1980-1988.

Đ.P
Theo AP

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.