Đằng sau vụ hỗn chiến trên sân Vinh, nỗi đau ở lại

Đằng sau vụ hỗn chiến trên sân Vinh, nỗi đau ở lại
TP- Có thể VFF sẽ tìm ra một khung hình phạt quyết liệt nhất hoặc giống như “truyền thống”, vụ hỗn chiến trên sân Vinh lại có một bản án kỷ luật ở mức vừa phải.

Nhưng bất chấp mức án kỷ luật đưa ra thế nào, dư vị để lại sau vụ hỗn chiến làm đổ máu, thậm chí chừng mực nào đó là một cái chết bi thương của CĐV xứ Nghệ Hà Huy Thành, là nỗi đau khôn nguôi…

1. Động thái cụ thể nhất của VFF và 2 “đương sự” Xi măng Hải Phòng, TCDK.SLNA là liên tiếp các cuộc họp. Cũng đã có sự day dứt, dằn vặt và lời xin lỗi được đưa ra, nhưng đấy chỉ là một tuyên bố cá nhân của ông Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi.

Vấn đề mấu chốt là kiểm điểm, trách nhiệm của những người đứng mũi chịu sào về sự cố được ví như vết nhơ khó gột của bóng đá Việt Nam thì chưa thấy ai dám dũng cảm đứng ra.

Sự kỳ lạ ấy thể hiện ở việc biến mất đến lạ lùng của vị Chủ tịch lẫn Tổng thư ký VFF. Người phát ngôn VFF Nguyễn Lân Trung đã biện bạch cho lý do vắng mặt ấy của 2 nhân vật quan trọng nhất VFF là do lịch họp đã có kế hoạch từ trước.

Hơn nữa, vụ hỗn chiến trên sân Vinh dù có nghiêm trọng vì tổn hại hình ảnh nhưng suy xét đến cùng, “thương vong” của nó không đến mức quá khủng khiếp.

Có thể số lượng CĐV bóng đá bị sứt đầu, mẻ trán và đổ máu trên sân Vinh là ít. Nhưng khó ai tưởng tượng, 4 tháng đầu năm 2008, bóng đá Việt Nam chịu liên tiếp 4 cuộc hỗn chiến.

Đấy là chưa kể một loạt đốm lửa nhỏ, bị dập đi hoặc ít nhất là BTC giải cố gắng dập đi với lời giải thích “sự cố ấy chưa đến mức phải kỷ luật”.

Thế thì nguyên nhân ở đâu khiến nạn hooligan sân cỏ đang bùng phát dữ dội đến mức gần như không thể kiềm tỏa?

2. Khi vụ hỗn chiến trên sân Vinh tái phát, VFF đã bị chất vấn rằng, phải chăng hooligan xứ Nghệ đã bị nhờn thuốc vì án phạt từ vụ bạo loạn lần 1 chỉ là cú gãi nhẹ, không đủ làm liều vắc-xin chống dịch.

Sự dung túng, dĩ nhiên, theo cảm nhận của dư luận là có. Nhưng đối với VFF, người ta lý giải thật khéo léo: “Thời điểm ấy, VFF cho rằng án như vậy là đủ. Còn bây giờ mới thấy, án kỷ luật như thế là chưa đủ”.

Đúng là trong từng thời điểm, án kỷ luật chỉ có tác dụng và được xem là mạnh ở một khoảng thời gian nhất định. Nhưng đằng sau mức kỷ luật ấy là hàng loạt khoảng trống: khả năng chỉ đạo, giám sát, quản lý của BTC giải trước những biểu hiện lơ là, chủ quan từ BTC sân.

Cái cách “san sẻ” trách nhiệm và bao trùm lên cuộc hỗn chiến kinh hoàng ấy bằng một loạt lỗi của BTC sân Vinh hay CĐV Hải Phòng chỉ là bề nổi. Nói đúng hơn, đấy là một cách lẩn tránh trách nhiệm khéo léo, dựa trên cái gọi là truy tìm gốc rễ của nạn hooligan vừa bùng phát. Bởi nếu VFF thực sự trách nhiệm, có tầm nhận thức, V-League đã không phải chịu liền 5-6 sự cố kinh hoàng liên tiếp về an toàn, an ninh theo kiểu cấp số nhân về số lượng và “chất lượng” như vậy!

3. Ở thời điểm này, dư luận đang hồi hộp chờ đợi bản án mà VFF dường như đã tìm cách hé lộ nhằm thăm dò, tìm phản ứng của dư luận.

Sâu xa hơn, đằng sau vụ hỗn chiến ấy, có thể một hoặc 2 quan chức VFF sẽ phải nhận trách nhiệm, thậm chí là bay ghế, cho những sự cố ngày càng nghiêm trọng ấy.

Vấn đề quan trọng: bóng đá Việt Nam được gì? Một hình ảnh xấu đến mức cực kỳ khó gột rửa là điều người ta phải tìm cho ra biện pháp làm sạch.

Đấy không thể là lớp sơn bôi vẽ bằng một vài án kỷ luật hay một cái ghế bị bay ở một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF.

Sự cần thiết ở VFF là cách điều hành, quản lý bằng cái đầu và cái tâm cầu thị chứ không phải một cách cố gắng giải quyết, tồn tại cho có trên lý thuyết.

Và nói gì đi nữa, nỗi đau vẫn ở lại, dày vò cơ thể bóng đá Việt Nam!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.