Đằng sau những trào lưu của người trẻ

Đằng sau những trào lưu của người trẻ
TP - Hiphop, cosplay, múa bụng, sân khấu Nháp, yoga, beatbox, DJ… là gì? Nếu đem câu hỏi này đố teen Hà thành, không ít bạn sẽ trả lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ đó là: những phong trào “hot” của người trẻ.
Đằng sau những trào lưu của người trẻ ảnh 1
Nhiều bạn nữ rất đam mê múa bụng. Ảnh: Phạm Tuyên

Đằng sau những “mốt chơi” đó là một lớp trẻ năng động, luôn sát cánh bên nhau vì một đam mê, sở thích.  

Tôi + Bạn = Chúng ta

Cho đến giờ, phong trào Hiphop đã ăn sâu, bám rễ vào thế hệ 8X, 9X ở Hà Nội. Từ những cá nhân ngẫu hứng nhảy vui ở hè phố, hành lang Cung Văn hoá Hữu Nghị…, một nhóm nhảy ra đời. Rồi, ngọn gió niềm đam mê ngày càng thổi mạnh để xâu chuỗi những cá nhân thành “bó đũa”.

Lần lượt Big Toe (Ngón chân cái), Halley Crew, C.O (COLD cũ), New Wave, New Zen, Stylish, Quetsion… xuất hiện với những điệu nhảy trẻ trung, mạnh mẽ.

Từ cái Tôi, cộng đồng Hiphop trẻ giờ đã có cái Ta “hoành tráng” khi kết hợp nhiều nhóm nhảy. Đó là lúc họ tổ chức những giải đấu ngẫu hứng, đẹp mắt, hàng năm như Crazy Hand, Halo, Hiphop for Teen. Trong những lần giao lưu ấy, nhạc nổi lên, những vận động viên lao ra sàn BBoying (thi đấu).

Đằng sau những động tác ke (chống một tay xuống đất, nâng người lên), freezstyle, powermove (chống tay đỡ rồi quay tít người như chong chóng)... thăng hoa trên sàn gỗ là những cái bắt tay kết bạn, kết nối những người trẻ.

Cũng bắt đầu từ cá nhân, mốt chơi… “nhạc mồm” nhanh chóng “lây lan” trong giới trẻ. Người ta gọi cái “trò” dùng miệng, giọng để mô phỏng âm thanh của bộ gõ để… chơi nhạc là beatbox. Teen Hà thành truyền miệng nhau rằng, Nguyễn Mạnh Kiên (MK) là người được coi đi đầu trong trào lưu “nhạc mồm” đang hấp dẫn không ít bạn trẻ.

Đáng tiếc là beatboxer số một Việt Nam (cái tên giới hâm mộ quen gọi là Kiên) đã “chuyển nghề”, nhưng những bạn cùng đam mê với chàng trai MK đa năng đã kịp duy trì lớp học Beatbox.

Những cái tên như: Nguyễn Hùng (Hùng K.A), sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân; Đạt (Đạt béo), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Chu Quất Tùng (Tùng “con”), sinh viên một trường cao đẳng nghệ thuật đã được đặt lại bên nhau để tạo thành một cái tên lớn hơn: lớp tập Beatbox tại phòng tập Sông Hằng (109 đường Quan Nhân, Hà Nội) vào những tối Ba, Năm, Bảy trong tuần…

16 tuổi sang học tại Ấn Độ. 19 tuổi làm việc cho Liên Hợp Quốc với tư cách nhân viên dự án xóa đói giảm nghèo tại Hà Giang. 23 tuổi sang Anh học với học bổng Chevening của Chính phủ Anh, ngành nghệ thuật nhằm phát triển cộng đồng (Art for development). Một mình lọ mọ đến “xóm liều” châu Phi... Đó là Phan Ý Ly (sinh năm 1981).

Trở về Việt Nam, một trong những việc đầu tiên Ly bắt tay thực hiện và cũng chính là “đầu tàu” là sân khấu Nháp. Phong cách mới, trẻ của những tác phẩm được biểu diễn bằng phương thức nghệ thuật không lời nói, bằng các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật biểu diễn như chuyển động hình thể, rối, bóng, mặt nạ thạch cao…, kích thích cảm xúc, trí tưởng tượng đã nhanh chóng hút hồn nhiều công dân trẻ. Song hành cùng cái tôi “Phan Ý Ly”, lại một “đội” khác được thành lập để thay đổi đại từ nhân xưng: Chúng tôi.

Khởi nguồn: Đam mê. Nơi học: Internet (hoặc bạn bè). Công thức: Tôi + Bạn = Chúng ta. Bí quyết: chăm chỉ luyện tập + sáng tạo = sản phẩm. Có lẽ, đó là đặc điểm chung của những phong trào của người trẻ như DJ (viết tắt của Disc Jockey, là người chỉnh nhạc), cosplay (ăn mặc giống thần tượng), múa bụng…, cũng như biết bao trào lưu khác.

Một lớp trẻ năng động

Đằng sau những trào lưu của người trẻ ảnh 2
Phan Ý Ly

Nếu nghĩ rằng những người trẻ này “đú” lên chơi theo phong trào, chơi chỉ để… chơi thì xin hãy nghĩ lại. Từ chỗ tìm hiểu, học hỏi trên mạng và tạo ra những diễn đàn để liên kết online, các chàng trai, cô gái nhảy Hiphop đã đi diễn kiếm tiền.

Với các tác phẩm được dựng công phu, mới lạ, mạnh mẽ…, những nhóm nhảy lớn như Ngón chân cái, Halley Crew, C.O… đã quá quen thuộc với nhiều sân khấu.

Thậm chí, bằng sự năng động, “ông anh cả” Ngón chân cái còn nhiều lần ra nước ngoài biểu diễn và thi đấu, khởi đầu cho quá trình đặt dấu ấn người Việt trẻ trên “bản đồ” Hiphop thế giới. 

Còn Phan Ý Ly, sau khi Nháp, tiếp tục cùng “đồng nghiệp” cho ra lò lớp học… Điên (Creative Living - Sáng tạo với cuộc sống), và lớp Cuồng (Creative Movement - Sáng tạo với chuyển động) dành cho các bạn trẻ.

Nghe có vẻ lạ? Mục đích ư? Câu trả lời là làm cho người trẻ tự do hơn, sáng tạo hơn với chuyển động, cũng như tự do hơn trong suy nghĩ về mọi vấn đề. Từ đó, các bạn trẻ tự tin hơn và tự giải toả stress trong cuộc sống.

Với phong trào “chơi” thời trang của thần tượng, “đội” thích truyện tranh lại có cơ hội kề vai sát cánh “lôi” nhân vật trong thế giới truyện ra đời sống thật. Phan Hồng Nhung - Trưởng nhóm Zodiac Group và những thành viên khác khẳng định: Được hoá thân vào nhân vật mình thần tượng cũng không ngoài mục đích sống tốt hơn, cũng như luôn giúp đỡ nhau trong cuộc sống… 

Khó có thể phủ nhận được một điều, sự sáng tạo, năng động, khả năng thích nghi với những điều mới mẻ trong những phong trào mà thế hệ 8X, 9X mang lại.

Đằng sau những phong trào ấy, họ dám sống thật với bản thân, dám sát cánh bên “đồng niên” để biến những ý tưởng của mình trở thành sự thực và luôn khát khao được thể hiện cá tính.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".