Đăng ký thông tin thuê bao: Có CMND cũng phải chụp ảnh

Có khoảng 120 triệu thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông.. Ảnh minh họa
Có khoảng 120 triệu thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông.. Ảnh minh họa
TPO - Tất cả các thuê bao di động bao gồm những người đã đăng ký thông tin thuê bao chính chủ cũng sẽ phải gửi lại ảnh chân dung. Đây là quy định mới trong Nghị định 49/NĐ-CP mới được ban hành. Nếu không có ảnh, thuê bao sẽ bị cắt liên lạc.

Theo quy định trong Nghị định, cả ba nhóm đối tượng gồm thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác, đầy đủ, nhóm đối tượng đăng ký thông tin thuê bao chưa chính xác và nhóm đối tượng đăng ký thuê bao mới đều phải có ảnh chân dung.

Theo đó, trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực (ngày 24/4/2018), doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình mà thông tin thuê bao chưa chính xác thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao. Doanh nghiệp có thể cử nhân viên của chính doanh nghiệp trực tiếp gặp các cá nhân, tổ chức có thuê bao đang hoạt động để cập nhật.

Đối với các thuê bao di động mà doanh nghiệp viễn thông có sở cứ bảo đảm thông tin thuê bao là chính xác và không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, doanh nghiệp phải bổ sung ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, với các trường hợp đã đăng ký thông tin thuê bao chính xác, có ảnh trong chứng minh thư nhân dân cũng phải bổ sung ảnh mới. Trong trường hợp đã đăng ký đầy đủ thông tin thuê bao với sim đầu tiên, muốn đăng ký sở hữu sim tiếp theo vẫn phải chụp lại ảnh.

Doanh nghiệp sẽ có 3 cách thức lấy ảnh gồm việc đến gặp trực tiếp khách hàng để bổ sung thông tin, doanh nghiệp tổ chức các điểm lưu động để bổ sung thông tin. Ba là khách hàng đến các điểm giao dịch để bổ sung thông tin. Các doanh nghiệp sẽ có 12 tháng để triển khai thực hiện việc này.

Cục Viễn thông lý giải vì sao phải cần ảnh?

Theo Cục Viễn thông, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi người mỗi người dân.

“Giả sử nếu bỏ quản lý thông tin thuê bao thì xã hội sẽ như thế nào ? chủ thuê bao sẽ thoải mái điện thoại, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, khủng bố, quấy rối, phát tán thông tin độc hại; mọi người sẽ thoải mái tổ chức các hoạt động vi phạm pháp luật, tấn công đến an ninh quốc gia và sự ổn định của xã hội mà không có cách gì ngăn chặn, kiểm soát”, Cục Viễn thông đặt vấn đề.

Lý do thứ 2 được nêu ra là trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng và có những quy định quản lý nghiêm ngặt công tác quản lý thông tin thuê bao. Những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức, Nhật đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử và mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.

Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh thì dưới sức ép của công cuộc chống khủng bố và bảo đảm an ninh quốc gia, gần đây đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao.

Thứ ba, ở nước ta những năm qua mặc dù đã có các quy định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ quy định tại Luật Viễn thông (2006) và Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn Thông, tuy nhiên tính đến đầu năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai. Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số CMND sai, cho đến bản chụp CMND giả và đặc biệt rất nhiều CMND của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Theo Cục Viễn thông, chính vì những lý do trên,  nhằm hướng tới một CSDL thông tin thuê bao đầy đủ và chính chủ, Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.  Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.

Cục Viễn thông cho biết thêm, theo cân nhắc của Ban soạn thảo, so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì quy định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì việc đầu tư thiết bị và quy trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Từ góc độ doanh nghiệp, quy định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam, hoặc camera phù hợp.

Cũng theo Cục Viễn thông, từ góc độ người dân, đây là một quy định mới mà có thể bước đầu một số người có thể phản ứng vì nói rằng có liên quan đến quyền riêng tư.  Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình CMTND để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận. 

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao. Với quy định này, tất cả các thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông.

MỚI - NÓNG