Đêm diễn Mặt trời của tôi của NSƯT Đăng Dương làm nên một đẳng cấp mới trong tổ chức chương trình ca nhạc. Ảnh: N.M.Hà.
Mặc dù phải chờ hơn 20 năm để tổ chức chương trình hòa nhạc riêng đầu tiên (đêm nhạc của anh không còn là liveshow mà là live-concert), nhưng Đăng Dương với giọng hát và phong độ lý tưởng cùng sự giúp sức của ê-kip trong mơ làm khán giả không chỉ mãn tai mà mãn cả nhãn. Tất My Loan- người phụ trách phần nhìn của chương trình bằng vài thủ pháp trang trí không cầu kỳ đã biến sân khấu vốn không được thoải mái về diện tích của Nhà hát Lớn Hà Nội thành một thính phòng hòa nhạc vừa trang trọng vừa gần gũi. Dàn nhạc và các ca sĩ đều đủ chỗ để tung hoành.
Khán giả Hà Nội vốn lười vỗ tay nhưng đã không tiếc những tràng pháo tay vang dội kéo dài cho các tiết mục trong đêm diễn Mặt trời của tôi. Họ khó mà làm khác vì các nghệ sĩ đặc biệt là chủ nhân đêm diễn đã trút toàn bộ tâm sức, khoe tất cả những gì sở trường trong một chương trình không thể hoành tráng hơn. Mặt trời của tôi gồm tất cả những gì mà Đăng Dương có thể hát chia làm các phần Chính ca, Dân ca, Tình ca và Nhạc ngoại.
Xen kẽ giữa những bài ca đi cùng năm tháng như Người Hà Nội, Người chiến sĩ ấy, Tình ca, Tình em hay Mama, O sole mio… phần song ca, tứ ca liên khúc dân ca tạo điểm nhấn sinh động, thú vị. Đây là những tiết mục chọn lọc từ chương trình hòa nhạc Plaisir D’Amour do Trần Mạnh Hùng tổ chức sản xuất và trình diễn tại TPHCM năm ngoái, có mời Đăng Dương hát. Từ đó Dương nảy ra ý định mời Trần Mạnh Hùng làm Mặt trời của tôi. Tứ ca Đăng Dương - Duyên Huyền - Hồng Vi và Đào Mác (học trò của Đăng Dương) một lần nữa làm khán giả phấn khích khi hát Besame mucho không nhạc đệm. Ai bảo các nghệ sĩ opera không beat-box được chứ! Phần hát đôi ăn ý giữa Đăng Dương với Lan Anh trong trích đoạn nhạc kịch của Franz Lehár hé lộ một khía cạnh khác của Lan Anh mà rất hiếm khi cô thể hiện trước công chúng.
Đăng Dương còn có một tiết mục độc tấu đàn bầu cùng dàn nhạc giao hưởng được khán giả tán thưởng - bõ công bỏ ra 9 năm học nhạc cụ này. Anh cũng thể hiện là người có trước có sau khi mời đến hai người thầy dạy hát và dạy đàn là NSND Quang Thọ và NSND Thanh Tâm. Phần giao lưu của MC Lê Anh với hai nghệ sĩ gạo cội khiến khán giả hiểu thêm về Đăng Dương. Chẳng hạn như thuở mới vào Nhạc viện học đàn bầu, Dương rất gầy và nói năng rất lí nhí chứ không phong độ và “mạnh mồm” như bây giờ. NSND Quang Thọ thì khuyên trò cưng nên yêu nhiều hơn nữa để hát sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn nữa.
Ngay cả những khán giả không chuộng dòng nhạc đỏ, ít muốn nghe lại những bài đã được hát đi hát lại quá nhiều lần vẫn có thể bị lay động khi nghe Đăng Dương trình diễn một cách say mê, đầy nhiệt huyết, trực tiếp cùng dàn nhạc giao hưởng. Nói về độ say mê thì Dương có thừa. Cứ nhìn khuôn miệng của anh thì biết. Có thể cử động môi khi hát gây cảm giác điệu nhưng rõ ràng là anh chả để ý những gì thuộc về bề ngoài, không liên quan đến âm nhạc. Đăng Dương có vẻ như thuộc kiểu nghệ sĩ chỉ biết hát và hát.
Không phủ nhận Đăng Dương được công chúng biết đến nhiều hơn phần nào nhờ vào việc tham gia tam ca nhạc đỏ với Trọng Tấn, Việt Hoàn. Trong bộ ba, Đăng Dương không phải là người đại chúng nhất (tình hình có thể sẽ khác sau chương trình Mặt trời của tôi), đơn giản vì giọng hát của anh nặng về opera hơn cả.
Khi đảm nhiệm vai chính trong Orphée và Euridyce, Đăng Dương còn đang học năm cuối ĐH Thanh nhạc. Vai diễn một danh ca trong thần thoại đòi hỏi anh phải hát rất nhiều và lên những nốt cực cao, chưa kể màn kết còn phải bế bạn diễn nữ vừa bước lên bậc thang vừa hát. Vở diễn kéo dài liên tục 3 đêm. Đến đêm thứ ba, Đăng Dương bị sốt, phải truyền nước để làm tròn vai diễn. Nói thế để biết Dương có một giọng hát và thể lực đủ để theo đuổi dòng nhạc opera. Vì thế hát liền 2 đêm Mặt trời của tôi với chất lượng như đĩa cùng dàn nhạc giao hưởng là việc trong tầm tay.
Không ít nghệ sĩ Việt đủ khả năng chuyên môn để làm việc đó nhưng đủ tiềm lực tài chính cũng như sức hấp dẫn khán giả lại là chuyện khác. Và Đăng Dương trở thành cái tên đầu tiên hội đủ những điều kiện cả về chủ quan lẫn khách quan để mời dàn nhạc giao hưởng diễn cùng mình trong đêm nhạc riêng. Ngoài việc tìm được ê-kip hàng đầu gồm Trần Mạnh Hùng, Tất My Loan, Lê Hà My… chắc chắn đêm diễn không thể thiếu những nhà tài trợ hàng khủng đứng sau.
Tựu trung, live-concert của Đăng Dương là cú hích đáng kể vào đời sống âm nhạc, làm thay đổi tư duy tổ chức chương trình. Sau đây có thể sẽ có những cuộc “chạy đua” của những ca sĩ cũng hội đủ những điều kiện như Đăng Dương, chỉ thiếu mỗi sự “dám chơi”. Và đây sẽ là một luồng sinh khí mới để kiện toàn sinh hoạt âm nhạc, khi đẳng cấp trình diễn chuyên nghiệp được nâng lên một mức cao hơn.