> Trường Lũy có làng cổ Thiên Xuân
> Đón nhận bằng công nhận Di tích quốc gia Trường Lũy
> Công trình kiến trúc dài 200 km
Nham nhở dấu xưa nét mới
Trời Ba Tơ hầm hập nắng. Xuôi QL24 theo hướng về đèo Đá Chát, gặp tấm bia đá “Trường Lũy Quảng Ngãi - 500m” dựng tại thôn Nam Lâm xã Ba Động, Ba Tơ. Anh Cao Văn Hòa, 38 tuổi, người dân trong thôn, sống ngay đầu con đường vào Trường Lũy hồ hởi dẫn đường: “Lũy ở đây kéo dài từ Ba Thành, Ba Liên qua một ngọn núi lên tới đỉnh Ba Trang và tiếp giáp huyện An Lão - Bình Định”. Ngày nào anh Hòa cũng thả trâu ngay dưới chân bờ lũy, nhiều đoạn bị tàn phá bởi chiến tranh. Ngay phía cánh đồng thôn, đoạn bờ lũy bị bạt tận chân để cấy lúa, xẻ đường.
Ông Lê Hải – trưởng thôn Nam Lâm cho biết, thôn có vài chục hộ sinh sống, canh tác ngay cạnh khu vực Trường Lũy. Người cấy lúa, người trồng cây lâm nghiệp, có nhiều đoạn để tự nhiên, hoang hóa. Cách Nam Lâm vài km, tại thôn Tân Long Hạ (Ba Động), đoạn Trường Lũy còn khá nguyên vẹn, chủ yếu được xếp bằng đá kiên cố, cao quá đầu người chừng 2m, bề rộng đến 2 – 3m, chạy dọc rừng keo của người dân trên địa bàn hướng ra phía sông.
Ba Tơ chỉ là một trong 8 huyện của Quảng Ngãi có Trường Lũy chạy qua. Qua khỏi đèo Đá Chát, đến địa phận xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Tại bờ lũy thôn Kim Thành Thượng (xã Hành Tín Đông), các bậc cao niên trong làng cho hay, đoạn luỹ này chạy dọc theo chân núi Hồng Bà đến cả chục cây số, nhưng hiện “chỉ còn trong ký ức”.
“Người ta bạt bờ lũy để trồng khoai sắn, có đoạn thì xẻ kênh mương dẫn nước. Nếu không phải dân gốc trong làng khó nhận ra đó là Trường Lũy xưa” – ông Nguyễn Thân (53 tuổi, thôn Kim Thành Thượng) chỉ tay ra phía dấu vết bờ lũy, nói.
Xuôi về xã Hành Dũng (huyện Nghĩa Hành) đến thôn Xóm Đèo, đoạn trường thành nằm ngay khu vực đèo Chim Hút. Bà Đinh Thị Thê (85 tuổi), người H’rê già nhất trong làng cho hay: Trường Lũy chạy dọc từ đèo đến dốc Hành Nhân, còn nhiều đoạn nguyên vẹn trên núi, nhưng dưới đồng bằng thì bị phá dỡ nhiều rồi. Làng của bà Thê có 23 hộ toàn người H’rê, từng có tên xóm Đồng Mọi rồi đến Hố Bà Năm. “Ban đầu, làng chỉ có vài ba hộ nhưng sau đó quần cư đến vài chục hộ như bây chừ. Ở đây còn hai bảo (đồn) khá nguyên vẹn nằm dưới và trên đỉnh đèo Chim Hút”.
Chúng tôi băng qua ruộng sắn, con suối cách đường đèo vài trăm mét. Bảo Rùm Đồn nằm giữa rừng keo, xung quanh đầy bụi cây dại. Đây được xem là bảo còn lại nguyên vẹn nhất, với tường đá bao quanh được xếp theo hình móng ngựa hai tầng, cao trên 4m, tường phía tây cao hơn tường phía đông nhìn về hướng đồng bằng.
Ông Đinh Quyền – người dân xóm Đèo, bảo, từ nhỏ ông nghe cha kể lại, cứ dăm bảy cây số, người ta lại xây một cái bảo. Bảo vừa là trạm kiểm soát giữa hai miền xuôi - ngược, vừa là đầu mối giao thương giữa hai miền. Bà Thê còn nhớ, chợ phiên Tam Bảo từ xóm Đèo đi về trung tâm xã Hành Dũng chừng vài cây số từng là phiên chợ của cư dân xung quanh ba cái bảo trong vùng. Thường mỗi tuần họp
một lần.
Hiểu đúng Trường Lũy
Mô tả của Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn (1822 – 1871) trong Phủ man tạp lục: “Trường Lũy nam giáp ranh giới huyện Bồng Sơn, bắc giáp huyện Hà Đông. Dọc theo luỹ đào hào trồng tre, trước lũy là vùng Man, sau lũy có xây đồn (bảo) 115 cái, mỗi đồn có mười tên lính giữ, gồm có 1.150 người, lại lấy dân các huyện thượng bạn lập thành 27 lân theo sáu kiên cơ mà phòng ngự”.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh (Quảng Ngãi), Trường Lũy là công trình quân sự - phòng thủ có thời gian xây dựng dài nhất Việt Nam, khởi đầu từ thời Bùi Tá Hán trấn nhậm Quảng Ngãi (thế kỷ XVI) cho đến cuối thế kỷ XIX, khi tổ chức Sơn phòng bị triệt bỏ.
Theo sử sách nhà Nguyễn, Trường Lũy cơ bản hình thành vào thế kỷ XIX: “…Kỷ Mão năm thứ mười tám (1919), Khâm sai Chưởng tả quân Bình Tây Tướng quân Quận công Lê Văn Duyệt tâu xin xây Trường Luỹ…” (Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man tạp lục thư; Philadelphia, Pennsylvania- USA- 1908; phần dịch Phủ Man tạp lục).
Lê Văn Duyệt xây Trường Luỹ Bình Man dài 37.479 trượng (khoảng gần 120km) nhằm chống lại những cuộc đột nhập của người H’rê vì phản đối chính sách thuế khóa nặng nề, quan lại nhũng nhiễu dưới triều Gia Long.
Nhóm nghiên cứu của TS Andrew Hardy- viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) tại Hà Nội và TS Nguyễn Tiến Đông- viện Khảo cổ học Việt Nam mô tả, khi khai quật di tích bảo (đồn) trên hệ thống Trường Lũy (Thiên Xuân, Rùm Đồn, đèo Chim Hút) có khá nhiều hiện vật gốm không men, hay đất nung… niên đại chủ yếu từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII… cho thấy những đồn/bảo này có niên đại sớm hơn niên đại xây Lũy, vào khoảng cuối thế kỷ XVII.
Cũng theo báo cáo của EFEO, sau hơn 5 năm nghiên cứu Trường Lũy cho thấy lũy dài 132 km mà phần nằm trên đất Quảng Ngãi là 111km. TS Nguyễn Tiến Đông cho hay, Trường Lũy là công trình phòng vệ quân sự, với mục đích bảo vệ khu vực của người Việt, và chủ yếu do sỹ quan, binh lính của người Việt quản lý để ngăn chặn xung đột.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng lũy không phải là công trình chỉ do người Việt xây dựng mà còn có sự phối hợp của người H’rê với việc sử dụng đáng kể kỹ thuật xếp đá của người H’rê. Nguồn gốc của việc tạo một ranh giới được sự đồng ý của cả hai bên.
Chuẩn bị đón khách Tây
Theo TS Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Trường Lũy không chỉ có giá trị riêng với Quảng Ngãi, Bình Định mà còn là công trình lịch sử của quốc gia, nhân loại, cần hướng tới việc đề nghị UNESCO công nhận Trường Lũy là di sản văn hóa thế giới.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, với chiều dài “đáng kinh ngạc”, chạy từ ranh giới tỉnh Quảng Nam đến phía bắc tỉnh Bình Định, Trường Lũy có giá trị quy mô hơn nhiều so với các thành lũy được xây dựng trong lịch sử Việt Nam, kể cả những thành lũy có ý nghĩa quan trọng về chiến lược như hệ thống Thành Lũy Tây Đô (do Hồ Quý Ly chỉ huy xây dựng vào thế kỷ XIV), Lũy Thầy (do Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỷ XVII)... Bên cạnh đó, các ý nghĩa lịch sử, giá trị nghiên cứu về Trường Lũy là điều dễ nhận thấy.
Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hội thảo về bảo tồn và phát huy di tích Trường Lũy gắn với du lịch. Theo TS Nguyễn Tiến Đông, với phong cảnh núi sông, con đường cổ bên cạnh một bờ luỹ dài dằng dặc, vượt qua sông núi, các cộng đồng dân cư Kinh, Thượng với những xóm làng tươi đẹp còn lưu giữ nhiều bản sắc văn hoá; những làng nghề dệt của người H’rê; ruộng mía, vườn cau của người Kinh; Trường Lũy có tiềm năng du lịch lớn, hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Nếu tổ chức du lịch tốt, sẽ bảo vệ được luỹ, được di sản và cải thiện đáng kể bộ mặt của nông thôn, miền núi.
Tháng 3, Trường Lũy được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích quốc gia. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, nhìn tổng thể, Trường Lũy là một hệ thống, bao gồm: lũy (giữ vai trò trung tâm), các đồn/bảo, sơn đạo, các tụ điểm giao dịch/chợ phiên, các làng người Việt (Kinh), các plây/ tổng của người H’rê nằm dọc hai bên luỹ. Quy mô đáng kể của Trường Lũy còn thể hiện ở độ cao lớn của lũy (cao nhất đến 4m, đáy chân lũy rộng nhất đến 6m)...