Dân xóm nghèo và ước mơ bao đời ấp ủ

Dân xóm nghèo và ước mơ bao đời ấp ủ
TPO - Về ấp Phú Giao, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng), chúng tôi được bà con cho biết từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở đây đang khát khao có được một con đường sạch sẽ và một cây cầu để đi lại thuận tiện hơn….

Bà Thạch Thị Sượl (43 tuổi), một nông dân người dân tộc Khmer cho biết: “Bà con tụi tui ở đây hàng chục năm nay mà chưa biết lấy một con đường bê tông nó ra sao và bà con mong ước có một cây cầu vừa vừa bắc qua sông để mọi người đi làm ruộng, các cháu học sinh đi học được thuận lợi hơn nhưng ước mơ vẫn chưa thành. Đồng thời cho đến nay vẫn chưa có điện sinh hoạt nữa”.

Dân xóm nghèo và ước mơ bao đời ấp ủ ảnh 1

Theo bà Sượl, vì không có đường nên bà con chủ yếu đi bộ hay đi xuồng. Nhiều người phải lội sông để đi làm ruộng, còn thu hoạch lúa hay rau phải dùng xuồng chở vào đường quốc lộ rồi mới có xe chở đi. 

Vào mùa khô có khi sông cạn thì chỉ có cách gánh sản phẩm trên vai chứ xuồng không đi được vì nước cạn, còn tới mùa mưa cơ cực hơn. Các cháu học sinh đi học cũng vất vả. 

Mùa khô thì các cháu đi bộ tới trường, còn mùa mưa nếu nhà có xuồng thì cha mẹ đưa đi học bằng xuồng, còn nhà nào không có xuồng thì các cháu đi bộ, cháu nào đi không được thì cha mẹ cõng. 

Nhiều khi cả mẹ và con té liên tục, ướt bẩn hết quần áo, sách vở vì đường là bờ ruộng, bờ kênh.

Dân xóm nghèo và ước mơ bao đời ấp ủ ảnh 2

Trao đổi với PV, ông Đào Khương Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới chia sẻ: “Xã chúng tôi có 13 ấp với trên 24 ngàn nhân khẩu, trong đó có trên 50% là đồng bào dân tộc Khmer, số hộ nghèo cũng còn rất cao. 

Riêng cấp Phú Giao khá đặc biệt bởi đây là ấp có diện tích rộng nhất của xã, có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Tại khu vực các anh vừa tới có khoảng 100 hộ thì tất cả đều là người dân tộc Khmer sinh sống bằng làm nông. 

Cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn quá. Dù được hưởng nhiều chương trình an sinh xã hội nhưng hiện nay ở xã chúng tôi vẫn còn một số ấp chưa có cầu đường, trong đó ấp Phú Giao là ấp vẫn còn khó khăn nhất. 

Chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm giúp cho bà con có đường và cầu để thuận tiện trong cuộc sống”.

Dân xóm nghèo và ước mơ bao đời ấp ủ ảnh 3

Cũng theo ông Cường, xã đã khảo sát về đường và cầu ở khu vực ấp Phú Giao. Trong đó, đường có chiều dài khoảng 1.000mét tính từ quốc lộ 1A, dự kiến qui mô rộng 1,5mét, dày khoảng 8cm, kinh phí khoảng 200 triệu; còn cây cầu có chiều dài khoảng 25 mét, rộng 1,5 mét kinh phí khoảng 100 triệu đồng. 

“Khảo sát đã xong, dự trù kinh phí cũng đã cơ bản nhưng chưa có nguồn nên chúng tôi phải khất lại, lỗi hẹn với bà con”, ông Cường phân trần.

Khi PV đặt vấn đề nếu có kinh phí xây cầu, mở đường người dân có ủng hộ không thì bà Thạch Thị Sượn nói: “Nhà tui nghèo lắm, vợ chồng chắt chiu mới mua được đám đất này sinh sống nhưng nếu làm đường thì tụi tui cũng sẵn sàng nhường một phần đất của mình cho nhà nước mở đường thôi”.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.